Mất khứu giác? 6 liệu pháp cho chứng anosmia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chứng mất khứu giác không phải là một triệu chứng nguy hiểm, nhưng nó làm cho người bệnh rất khó chịu, và có thể dẫn đến trầm cảm và lo lắng.

Mất khứu giác, hoặc chứng mất mùi (anosmia), có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống. Nhưng cũng có khá nhiều phương pháp đơn giản như luyện tập hay dùng củ nghệ để khôi phục lại khứu giác một cách tự nhiên.

Có lẽ nhiều người cho rằng khứu giác của mình là điều hiển nhiên - nghĩa là cho đến khi nó đột nhiên biến mất. Chứng mất khứu giác không phải là một triệu chứng nguy hiểm, nhưng nó làm cho người bệnh rất khó chịu, có thể dẫn đến trầm cảm và lo lắng.

Ảnh hưởng đến cả khứu giác và vị giác, chứng mất khứu giác tác động đáng kể đến những trải nghiệm thú vị như ăn những món ăn khoái khẩu. Ngay cả khi thư giãn với những bông hoa, hay thân mật với người thân cũng có thể trở nên rất khác khi không thể đánh giá mùi vị xung quanh mình.

Triệu chứng này cũng liên quan đến vấn đề an toàn, vì mũi có thể cảnh báo những nguy hiểm trong cuộc sống hàng ngày. Người bị mất khứu giác không thể ngửi thấy mùi khói, khí đốt hoặc thực phẩm hư hỏng.

Nguyên nhân của mất khứu giác

Chứng mất khứu giác tăng dần theo độ tuổi. Theo số liệu của Hoa Kỳ, khoảng 3.2% số người trên 40 tuổi bị mất khứu giác, và con số này tăng lên 14 - 22% ở những người trên 60 tuổi.

Khi già đi, độ nhạy cảm của khứu giác có thể giảm dần và mất khứu giác có liên quan đến các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và Parkinson.

Trên thực tế, khả năng nhận biết mùi kém có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh.

Tuy nhiên, chứng mất khứu giác thường gây ra bởi viêm và tắc phổi mãn tính, với nguy cơ từ 50 - 70%, bao gồm viêm mũi, polyp mũi và các bệnh về xoang gây viêm nhiễm niêm mạc hoặc tắc nghẽn đường thở.

Mất khứu giác thường liên quan đến nhiễm virus, bao gồm cúm và coronavirus, cũng có thể do chấn thương đầu và tiếp xúc với các tác nhân độc hại, chẳng hạn như thuốc lá và thuốc trừ sâu, và một số loại thuốc khác, đặc biệt là thuốc chẹn beta (thuốc giãn mạch), thuốc kháng giáp, v.v.

Chứng mất khứu giác có thể là do bẩm sinh, nhưng đa số là mắc phải sau này. Mặc dù nó có thể là vĩnh viễn, nhưng có nhiều biện pháp khắc phục có thể giúp lấy lại khứu giác của bạn.

Chứng mất mùi tác động đến cuộc sống như thế nào?

Trong các trường hợp mất khứu giác sau nhiễm trùng đường hô hấp trên, sự phục hồi tự phát xảy ra ở 32 - 66% bệnh nhân.

Mặc dù liệu pháp hỗ trợ có thể giúp kích thích tự phục hồi, nhưng nếu không điều trị, chứng mất mùi có thể dẫn đến những thay đổi hành vi và tâm lý đáng kể.

Trong một cuộc khảo sát về những người Hà Lan bị mất khứu giác, 44% cho biết họ sống trong nỗi sợ hãi khi tiếp xúc với khói hoặc khí tự nhiên do không thể phát hiện bằng mũi và trên thực tế, những người bị mất khứu giác có nguy cơ gặp nguy hiểm tăng gấp ba lần so với những người có khứu giác bình thường.

Những thay đổi trong hành vi ăn uống và vệ sinh cá nhân cũng phổ biến ở những người bị mất khứu giác, bao gồm:

  • Không thể đánh giá đồ ăn và thức uống
  • Tăng cảm giác trầm cảm và cô đơn
  • Giảm cảm giác thèm ăn
  • Vệ sinh cá nhân quá mức, chẳng hạn như tắm nhiều lần trong ngày hoặc sử dụng quá nhiều nước hoa
  • Ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ với bạn đời, bạn bè và gia đình

Sáu liệu pháp tự nhiên cho chứng mất khứu giác

Để giúp lấy lại khứu giác, chúng ta có thể sử dụng nhiều loại thảo dược và liệu pháp có sẵn.

1. Luyện khứu giác

Luyện khứu giác bao gồm việc ngửi bốn mùi khác nhau, thường là từ các loại hoa, trái cây, mùi cay và mùi nhựa - hai lần một ngày trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tháng.

Thông thường, tinh dầu hoa hồng, chanh, đinh hương và bạch đàn được sử dụng để luyện khứu giác do mùi hương đậm đặc của chúng.

Nhiều người cho rằng việc rèn luyện khứu giác có thể làm tăng sự nhận thức hoặc phát triển của các tế bào thần kinh thụ cảm khứu giác, giúp khôi phục khả năng ngửi.

Trong một phân tích tổng hợp của 13 nghiên cứu, việc rèn luyện khứu giác đã dẫn đến những tác động tích cực đáng kể cho mọi khả năng khứu giác.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng: "Luyện khứu giác nên được xem là một liệu pháp bổ sung hoặc thay thế cho các phương pháp hiện có".

Một phân tích tổng hợp khác đề xuất rằng rằng việc thay đổi các loại mùi được sử dụng định kỳ trong quá trình huấn luyện khứu giác có thể làm tăng khả năng thành công.

2. Axit Alpha-Lipoic

Axit alpha-lipoic chống oxy hóa (ALA) cũng rất hữu ích trong việc phục hồi khứu giác sau nhiễm trùng đường hô hấp trên. Bệnh nhân dùng bổ sung ALA với liều 600mg một ngày trong thời gian trung bình 4.5 tháng.

Một nghiên cứu cho kết quả có 26% số người hồi phục chức năng khứu giác ở mức vừa phải, trong khi có 35% số người hồi phục ‘đáng kể’, cho thấy ALA có tác dụng ở những bệnh nhân bị mất khứu giác sau nhiễm trùng đường hô hấp trên.

3. Bạch quả

Trong một nghiên cứu trên động vật, bạch quả đã giúp khôi phục khứu giác khi được sử dụng kết hợp với một loại thuốc chống viêm.

Trong số 28 bệnh nhân bị mất khứu giác sau virus, việc bổ sung bạch quả đã mang lại hiệu quả điều trị cao hơn so với điều trị bằng thuốc xịt mũi steroid prednisolone và mometasone furoate (corticosteroid).

4. Siro hoa oải hương

Siro hoa oải hương, thường được sử dụng trong y học Ba Tư cổ, được cho là có tác dụng làm sạch não đồng thời tăng cường trí não và cơ thể.

Trong một thử nghiệm lâm sàng thí điểm, 23 bệnh nhân bị mất khứu giác sau virus đã uống 9ml siro hoa oải hương trong ba tuần. Siro hoa oải hương mang lại những cải thiện đáng kể trong chức năng khứu giác so với nhóm đối chứng.

5. Kẽm gluconat

Thiếu kẽm có thể gây ra chứng mất khứu giác, và người ta thấy rằng việc bổ sung kẽm gluconat trong một tháng dẫn đến tỷ lệ phục hồi chức năng khứu giác cao hơn đáng kể so với điều trị chỉ với prednisolone.

6. Nghệ

Củ nghệ, được biết đến với thành phần hoạt chất curcumin, có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm tốt.

Trong báo cáo của một bác sĩ và sinh viên y khoa từ Trường Y Đại học Tulane ở New Orleans, hai bệnh nhân đã phục hồi nhanh chóng vị giác và khứu giác sau khi dùng một liều nghệ.

Trong trường hợp đầu tiên, một bệnh nhân nam 25 tuổi bị mất khứu giác sau virus đã uống một viên nang chứa 1000mg chiết xuất nghệ (95% curcuminoids) và 10mg chiết xuất hạt tiêu đen (giúp cải thiện khả năng hấp thu).

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Bệnh nhân đã trải qua sự phục hồi hoàn toàn về khứu giác và vị giác, với cả hai giác quan được đánh giá 10/10 tại thời điểm 10 phút sau khi uống liều bổ sung".

Trong trường hợp thứ hai, một bệnh nhân nam 28 tuổi mắc chứng mất khứu giác sau virus đã uống một viên nang chứa 1000mg chiết xuất nghệ (95% curcuminoids), 1000mg chiết xuất cây Boswellia serrata và 15mg chiết xuất hạt tiêu đen.

Theo nghiên cứu: "12 giờ sau khi dùng thuốc, đối tượng báo cáo rằng họ đã phục hồi cả mùi và vị ở mức độ 6/10, và đạt 10/10 sau 3 ngày điều trị".

Các liệu pháp tự nhiên cho chứng mất khứu giác như luyện tập khứu giác và bổ sung thảo dược có thể được thực hiện tại nhà và có thể có hiệu quả đáng kể.

Tuy nhiên, nếu bạn đang phải vật lộn với ‘một cái mũi không thể ngửi được gì’, việc gặp một chuyên gia sức khỏe để đưa ra kế hoạch điều trị toàn diện giúp khôi phục khứu giác là cần thiết.

Quang Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mất khứu giác? 6 liệu pháp cho chứng anosmia