Mất ngủ được điều trị từ gốc đem lại không chỉ giấc ngủ ngon

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thuốc Trung Y đã có lịch sử lâu đời trong việc điều trị mất ngủ, và Tây Y gần đây cũng đã nhận ra những hiệu quả trị liệu tuyệt vời từ đó...

Theo lời Tiến sĩ Bác sĩ châm cứu Trung Y Trần Đức Thành, nhiều bệnh nhân gặp chứng mất ngủ đã tìm tới ông ở Manhattan sau khi những liệu pháp hành vi và đơn thuốc họ dùng không đạt được kết quả.

Bác sĩ Trần kể lại: có một nữ bệnh nhân đến tuổi mãn kinh mắc chứng khó ngủ khiến bác sĩ riêng của bà cũng không có giải pháp gì. Sau những trị liệu của bác sĩ Trần, người này hiện đã khỏi bệnh, có thể ngủ ngon - mà không cần dùng tới thuốc an thần. Những cơn bốc hỏa đêm hay mồ hôi trộm của bà khi trước nay cũng đã chấm dứt.

“Những thảo dược này giúp bạn hồi phục và cải thiện, và khi sức khỏe được cải thiện, bạn sẽ có giấc ngủ ngon.” (Claudio_Scott/Pixabay)

Biết được điều này, bác sĩ riêng của nữ bệnh nhân đã đưa vợ đến khám ở chỗ của bác sĩ Trần; và từ sau đó, vị bác sĩ nọ thường xuyên giới thiệu bệnh nhân đến chỗ ông.

Cả những trường hợp mất ngủ mà Tây Y không tìm ra nguyên nhân

Bác sĩ Trần - người đã viết 15 cuốn sách về y học Trung Quốc, giải thích câu chuyện trên là do sự khác biệt trong chẩn đoán, bởi Trung Y có một sự hiểu biết rất riêng biệt và chi tiết về những nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ.

Những thầy thuốc Trung Y chẩn đoán bệnh dựa trên những thứ như màu sắc và lớp nhám trên lưỡi hay bắt mạch. Nhịp đập của mạch không chỉ đo lường mạch đập nhanh hay chậm, mà còn đo sức chảy của máu cũng như những đặc điểm bất thường, ví dụ như: mạch mảnh như sợi chỉ, mạch không đều, hay mạch chảy cuồn cuộn.

Làm chủ một kỹ thuật bắt mạch này đã phải mất tới hàng năm trời rèn luyện. Tuy nhiên, với những ai đã thành thạo, họ có thể thông qua đó hiểu rõ nội quan của người bệnh. Tương tự, màu sắc, lớp phủ, và vị trí của chúng trên lưỡi cũng có thể kể cho lang y rất nhiều chi tiết về tình hình sức khỏe bên trong của bệnh nhân.

Điều này không có nghĩa là các thầy thuốc Trung Y bỏ qua những nghiên cứu và phân tích của y học phương Tây. Trong một cuộc phỏng vấn, bác sĩ Trần cũng kể: khi cần thêm thông tin từ bệnh nhân, ông cũng hỏi về cả xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh.

Điều trị mất ngủ với Trung Y hiệu nghiệm như thế nào?

Châm cứu và dược thảo bao giờ cũng xuất hiện khi xử lý chứng mất ngủ. Bác sĩ Trần cũng luôn thấy hiệu quả tốt khi bệnh nhân “chịu khó” ngâm chân với thảo dược trước khi đi ngủ. Đôi khi, những công thức được bào chế thành “đan dược” để phù hợp với những người không muốn uống thuốc sắc.

Thảo dược thường được sử dụng hai lần mỗi ngày, một lần buổi sáng, một lần buổi tối. Điều này trái với mong muốn của nhiều bệnh nhân, họ cứ hy vọng một liều thảo dược có thể khiến họ cảm thấy thật buồn ngủ.

Bệnh nhân cứ hy vọng một liều thảo dược có thể khiến họ cảm thấy thật buồn ngủ... (Kian2018/Pixabay)

Người phương Tây thường sử dụng Valerian (cây Nữ lang) hay chiết xuất của nó với tác dụng an thần để ru ngủ. Ngược lại, những công thức thảo dược của Trung Y không hề có tác dụng an thần, mà nhắm thẳng vào việc xử lý những tắc nghẽn của cơ thể - thứ dẫn đến tình trạng trên.

“Những thảo dược này giúp bạn hồi phục và cải thiện, và khi sức khỏe được cải thiện, bạn sẽ có giấc ngủ ngon.” - Bác sĩ Trần nói.

Theo Trung Y, có tới ba dạng chứng mất ngủ, nhưng chỉ có một nguyên nhân trọng yếu. Dạng thứ nhất, người ta cảm thấy khó ngủ; Dạng thứ hai, người ta đi vào giấc ngủ mà không gặp vấn đề gì, nhưng tỉnh dậy lúc nửa đêm và thức cho đến sáng; Dạng thứ ba, người ta cảm thấy cả ngày mệt mỏi, nhưng ngủ mà không thấy “được ngủ” một chút nào.

Nguyên nhân trọng yếu gây ra cả ba dạng mất ngủ này là một dạng năng lượng quan trọng của cơ thể không được trữ đủ ở tim. Thứ năng lượng này được gọi là “thần” - cũng có thể tạm dịch là linh hồn hay năng lượng tinh thần.

Một người thông tuệ và điềm đạm, luôn cảm thấy an hòa với thế giới xung quanh, họ luôn cảm thấy mình tươi đẹp dù bản thân không có gì nổi bật, thì chắc chắn đó là do phần “thần” của họ tỏa sáng. “Thần” cũng chính là lực lượng đằng sau nguồn cảm hứng, tính tích cực, cũng như các chức năng của vận động và cảm thụ.

Phần thần này có thể bị tổn hại bởi cảm xúc - thường là đau đớn tiêu cực, thậm chí vui hay phấn khích thái quá cũng có gây ảnh hưởng.

“Giấc ngủ là có liên hệ với thần,” - Bác sĩ Trần giải thích. “Thần ngụ tại tim, ban ngày nó hoạt động, nhưng ban đêm nó cần được nghỉ ngơi. Nếu ban đêm phần thần này vẫn hoạt động, người ta sẽ không thể ngủ được”.

Trung Y nhắc đến hai yếu tố phổ biến khiến “thần” không thể tĩnh dưỡng là hỏa quá vượng hay máu bị thiếu để nuôi tim được khỏe mạnh.

Bác sĩ cũng nói: tim hay tâm là nơi cư ngụ của “thần”. Ông so sánh tình trạng trên với một ngôi nhà giữa đình điểm của mùa hè gắt gỏng mà không có điều hòa, thì hầu hết mọi người sẽ bỏ đi tìm kiếm một nơi mát mẻ hơn; hay một ngôi nhà thiếu những món giải trí, không đồ đạc, lại không có cả thức ăn, thì nhiều người cũng sẽ sớm đi chơi ở nơi khác.

Rượu bia, đồ cay, hay những cảm xúc thái quá phiền muộn sẽ tạo thành một môi trường khắc nghiệt ngay tại “nơi cư ngụ của thần”.

Bác sĩ Trần ước tính khoảng 80% nguyên nhân của chứng mất ngủ là do những vượng hỏa và thiếu hụt dinh dưỡng ở tim; khoảng 20% còn lại là do tình trạng ứ đọng nhiệt - do ăn uống quá độ hoặc ứ đọng một số chất tại gan.

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Ăn không ngon, ngủ không yên”.

Những ứ đọng tại gan có thể xảy ra bởi dòng năng lượng tại gan bị chặn bởi những cơn giận dữ, oán hận, hay thất vọng. Những đau thương mất mát - ví dụ sự ra đi đột ngột của một người thương yêu, cũng có thể tạo thành cục tắc nghẽn.

Để tìm ra nguyên nhân đích xác của những bệnh nhân bị mất ngủ, thầy thuốc Trung Y phải đặt ra rất nhiều câu hỏi trong thời gian chẩn đoán. Tùy theo kết quả chẩn đoán, châm cứu và các công thức thảo dược được cân nhắc sử dụng để hạ nhiệt hay bồi bổ dinh dưỡng cho tim, hoặc cải thiện tiêu hóa, hoặc loại bỏ nút năng lượng bị mắc kẹt.

Bác sĩ Trần cũng nói: ngâm chân là cực kỳ hiệu quả, bởi vì khi bàn chân được giữ ấm, tuần hoàn máu toàn cơ thể được cải thiện. Dược tính của thảo mộc cũng có thể từ đó thấm qua da mà ngấm vào huyết mạch để phát huy tác dụng.

...những công thức được bào chế thành “đan dược” để phù hợp với bệnh nhân...(mac8739/Pixabay)

Điều trị thân thể và tinh thần

Một trong những tác dụng phụ thường thấy của thuốc ngủ là những vấn đề về đường tiêu hóa. Nói cách khác, dưới góc nhìn của Trung Y, thuốc ngủ khiến nguyên nhân gốc rễ dẫn tới chứng mất ngủ ngày càng thêm trầm trọng.

Nếu bệnh nhân ăn uống không vào, máu sẽ thiếu hụt dinh dưỡng để bồi bổ cho tim. Vì vậy, bác sĩ Trần đôi khi phải khám dạ dày trước và tiên lượng những vấn đề về tiêu hóa.

Bác sĩ tường thuật lại một trường hợp từ vài năm trước của một nam bệnh nhân 30 tuổi - anh này hiện đã khỏi bệnh: thời điểm đó, người này đã phải chịu chứng mất ngủ trong hai năm, sử dụng sáu viên thuốc ngủ mỗi ngày, xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, thèm ăn, nhưng mất ngủ vẫn hoàn mất ngủ.

Bác sĩ Trần phải xem và chữa lành dạ dày của anh ta trước. Dần dần trong sáu tháng, việc ăn uống và tiêu hóa của anh được cải thiện, sức khỏe hồi phục, giấc ngủ cũng theo đó mà điều hòa trở lại.

Mới đây bác sĩ gặp lại bệnh nhân cũ ở siêu thị. Nói chuyện với bác sĩ, anh trả lời mình hiện vẫn rất khỏe - đi làm bình thường và không phải trị liệu thêm bất kỳ thứ gì cả.

Gần đây đang có những nghiên cứu về trường năng lượng sinh học, người ta làm thí nghiệm dựa trên một số nguyên tắc của “khí” - khái niệm đã tồn tại hàng ngàn năm trong nền y học cổ truyền - để khiến những nguyên tắc đó trở nên dễ hiểu dưới góc nhìn tổng quát và hiện đại của Phương Tây.

Mặc dù vậy, giản hóa luận và những quan điểm máy móc về cơ thể người vẫn đóng vai trò chủ đạo trong những lý thuyết kiểu mẫu - điều này là một điểm hạn chế dưới góc nhìn của Trung Y.

“Tây Y chỉ có thể nhìn thấy cơ thể, chứ không thể nhìn thấy tinh thần”. - Bác sĩ Trần nói.

Có một không gian khác tồn tại cho tinh thần là một điểm nền tảng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Chăm sóc tốt không gian đó sẽ đem lại sức khỏe tốt và giấc ngủ ngon.

Tìm hiểu thêm trên trang BestAcupunctureClinic.com

Trần Anh (biên dịch)
- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Mất ngủ được điều trị từ gốc đem lại không chỉ giấc ngủ ngon