Bạn thấy mệt mỏi? Không có nghĩa chỉ là mệt thôi đâu: 5 nguyên nhân và giải pháp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mệt mỏi. Chúng ta cần hiểu rõ loại mệt mỏi của mình để đưa ra các biện pháp khắc phục phù hợp, nhằm mang lại kết quả tốt nhất.

Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người trong chúng ta phải học tập làm việc nhiều giờ, ít ngủ và có thói quen sinh hoạt không đều đặn. Việc có 3 bữa một ngày cố định đã ngày càng hiếm. Các áp lực cuộc sống khác nhau khiến cơ thể và tâm trí kiệt quệ, và các vấn đề như mất ngủ, mất trí nhớ, lo lắng, sợ hãi và trầm cảm ngày càng phổ biến. Nói một cách dễ hiểu, đó là sự mệt mỏi.

Theo bác sĩ Wu Kuo-Pin, giám đốc Phòng khám Trung y Hsinyitang Đài Loan, nhiều người cho rằng ngủ và nghỉ ngơi nhiều hơn là giải pháp cho mệt mỏi, nhưng thực tế không phải.

Ông cho biết: ‘Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mệt mỏi. Chúng ta cần hiểu rõ loại mệt mỏi của mình để có thể đưa ra các biện pháp khắc phục phù hợp, nhằm mang lại kết quả tốt nhất’.

Mệt mỏi sinh lý

Mệt mỏi sinh lý là tình trạng mệt mỏi về thể chất, xảy ra do cơ thể làm việc quá sức và không thể xử lý tốt các chất chuyển hóa do làm việc nặng nhọc tạo ra.

Bác sĩ Wu cho biết: ‘Càng nhiều chất thải tích tụ trong cơ thể thì cơ càng bị đau nhức’. Chất dinh dưỡng cung cấp cho các mô và cơ quan không đủ sẽ khiến chân tay bị yếu và mệt mỏi.

Ông giải thích, loại mệt mỏi về thể chất này thông thường là một bệnh liên quan đến ‘nghề nghiệp’, có thể do duy trì một tư thế nhất định hoặc làm một loại hành động nào đó trong thời gian dài. Vì vậy, để cải thiện tình trạng mệt mỏi sinh lý, chúng ta nên chú ý đến tư thế, khi vận động có quá sức hay không, tập các động tác vươn vai thả lỏng cơ thể nhằm phòng ngừa và giải tỏa mệt mỏi sinh lý.

Mệt mỏi về tinh thần

Nguyên nhân chính dẫn đến tinh thần mệt mỏi là do tinh thần căng thẳng kéo dài. Nghỉ ngơi và ngủ về cơ bản có thể chỉ tạm thời xoa dịu tinh thần, làm chúng ta tạm quên những thứ trước mắt.

Mệt mỏi tinh thần khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi và không thể tập trung làm việc hiệu quả. Các triệu chứng bao gồm cảm thấy mệt khi đã ngủ đủ, cảm xúc thất thường, suy nghĩ tiêu cực, bất lực, thậm chí cảm thấy cô đơn, muốn xa lánh mọi người,...

Theo bác sĩ Wu, điều này đòi hỏi các giải pháp tổng thể của cả cơ thể và tâm trí để giải phóng áp lực hoặc những cảm xúc bị đè nén. Các giải pháp này là lý do mà nhiều người tìm đến các nhà trị liệu. ‘Nói cách khác, chúng ta phải trút bỏ sức nặng của tâm trí và giải quyết triệt để và buông bỏ những xáo trộn để thực sự loại bỏ mệt mỏi tinh thần và phục hồi sức khỏe’.

Thông thường chúng ta sẽ tìm những phương pháp đơn giản, không tốn nhiều năng lượng và tiền bạc để hồi phục bản thân. Có thể tìm thời gian thư giãn, giải trí nhẹ nhàng (tránh kích thích giác quan), học cách tập trung, tham gia thể thao, yoga và thiền định.

Thiền định là một phương pháp mang lại nhiều lợi ích như giảm căng thẳng, kiểm soát lo âu, cải thiện khả năng tập trung và trí nhớ giảm mệt mỏi. Ảnh một học viên Pháp Luân Đại Pháp đang thực hành thiền định. (Ảnh: ĐP)
Thiền định là một phương pháp mang lại nhiều lợi ích như giảm căng thẳng, kiểm soát lo âu, cải thiện khả năng tập trung và trí nhớ giảm mệt mỏi. Ảnh một học viên Pháp Luân Đại Pháp đang thực hành thiền định. (Ảnh: Học viên ĐP)

Mệt mỏi não

Mệt mỏi não là do suy nghĩ nhiều giờ hoặc tập trung quá nặng vào điều gì đó, dẫn đến cảm giác kiệt sức.

Bác sĩ Wu cho biết: ‘Việc sử dụng não quá nhiều sẽ khiến não tiêu thụ nhiều oxy, dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho não. Do đó, carbon dioxide không thể được chuyển hóa một cách thuận lợi, và não bộ sẽ mệt mỏi, đôi khi kèm theo chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, mất trí nhớ và các triệu chứng khác’.

Trong những trường hợp này, đôi khi giải pháp đơn giản là tập thở có thể mang lại kết quả tuyệt vời.

Bác sĩ Wu hướng dẫn: ‘Khi tình trạng mệt mỏi này xảy ra, bạn có thể đứng dậy và thực hiện các bài tập mở rộng lồng ngực và hít thở sâu để hít một lượng lớn oxy vào phổi. Sau đó vận động cột sống cổ, chải đầu để máu lưu thông nhanh chóng và thuận lợi về não, giúp não không bị mệt mỏi”.

Nhưng đây cũng chỉ là những biện pháp khắc phục ngắn hạn và tức thời, sẽ không hiệu quả trong thời gian dài.

“Tuy nhiên, cách tốt nhất là điều chỉnh lại nhịp độ cuộc sống, xem xét lại khối lượng công việc và thời gian nghỉ ngơi, đồng thời tạo sự cân bằng giữa hai yếu tố này”, Tiến sĩ Wu nói thêm.

Mệt mỏi chủ quan

Mệt mỏi chủ quan là một định nghĩa chuyên môn, có thể được mô tả bằng ‘kiệt sức’, cảm thấy bất lực về bản thân hoặc bất cứ điều gì khác. Sự mệt mỏi chủ quan thường do cảm xúc cá nhân gây ra.

Bác sĩ Wu nói: ‘Tình trạng phổ biến là bạn rất tận tâm với công việc của mình trong một khoảng thời gian, nhưng nỗ lực của bạn không được đền đáp hoặc ghi nhận. Sau một khoảng thời gian, sự nhiệt tình và động lực của bạn dần cạn kiệt. Điều này khác với sự mệt mỏi về tinh thần, khi bạn bị quá tải, còn sự mệt mỏi chủ quan dẫn đến mất động lực hơn là trạng thái lo lắng.

Ông bổ sung: ‘Cần khơi lại nhiệt huyết. Hãy cố gắng chuyển một phần sự chú ý của bạn sang các hoạt động khác, hoặc thay đổi phong cách làm việc và phương pháp học tập’. Ông cho biết thêm rằng đây là thời điểm để học tầm quan trọng của việc ‘buông bỏ’ mọi thứ: ‘Đừng quan tâm quá nhiều đến những gì người khác có thể nghĩ về bạn và hãy làm theo cách sống của chính bạn để thực sự thoát khỏi nỗi đau này’.

Mệt mỏi gây ra bởi một chế độ ăn uống không cân bằng

Tình trạng mệt mỏi này là do trong thời gian dài chỉ thích một loại thực phẩm hoặc không ăn một loại thực phẩm nào đó dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tiến sĩ Wu cho biết từng có một quan điểm lâu đời giải thích về một chế độ ăn uống cân bằng: Một cuốn sách Trung Y cổ đại - Hoàng Đế Nội Kinh - đã nói về tầm quan trọng của một chế độ ăn uống cân bằng và cách kết hợp các loại thực phẩm khác nhau một cách cân bằng.

Cuốn sách viết: ‘Ngũ cốc vi dưỡng, ngũ quả vi trợ, ngũ súc vi ích, ngũ thái vi sung, khí vị hợp nhi phục chi, dĩ bổ ích tinh khí’. Có nghĩa là ngũ cốc cung cấp dinh dưỡng, hoa quả là thực phẩm bổ trợ, gia cầm và gia súc là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu, rau củ là thực phẩm bổ sung chủ yếu, các loại khí vị hợp lại và cân bằng sẽ bổ ích tinh khí cho cơ thể (hiểu là giúp cơ thể khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng).

Nghiên cứu hiện đại cũng đã chỉ ra rằng sự đa dạng và cân bằng là điều cần thiết cho một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh.

Bác sĩ Wu giải thích: ‘Hoàng Đế Nội Kinh là hiện thân của trí tuệ và sự hiểu biết của người Trung Quốc cổ đại về vũ trụ cũng như mối quan hệ của nó với con người. Đây là văn bản cổ quan trọng nhất trong Trung Y cũng như một cuốn sách lớn về lý thuyết và lối sống của Đạo gia’.

Theo trí tuệ Đông phương cổ đại, chúng ta cần ăn một chế độ ăn uống cân bằng tùy theo thể chất của mỗi cá nhân để giảm mệt mỏi và giữ gìn sức khỏe.

Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý sẽ cung cấp đủ năng lượng các hoạt động hàng ngày, và giúp bạn luôn có được sức khỏe, giảm mệt mỏi.
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý sẽ cung cấp đủ năng lượng các hoạt động hàng ngày, và giúp bạn luôn có được sức khỏe, giảm mệt mỏi. (Ảnh: Getty Images)

Chế độ ăn uống cân bằng, theo y học hiện đại, bao gồm các loại thực phẩm khác nhau, với số lượng và tỷ lệ phù hợp với từng đối tượng để có thể bổ sung chất dinh dưỡng, đạm, năng lượng, vitamin và khoáng chất một cách hợp lý. Đồng thời cơ thể vẫn có thể dự trữ để bổ sung trong thời gian ngắn.

Các chất dinh dưỡng của một chế độ ăn cân bằng gồm: vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, carbohydrate (bao gồm tinh bột và chất xơ), chất đạm và chất béo lành mạnh, như thế sẽ giúp cho cơ thể hết mệt mỏi.

Quang Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bạn thấy mệt mỏi? Không có nghĩa chỉ là mệt thôi đâu: 5 nguyên nhân và giải pháp