Mối liên hệ giữa chế độ ăn uống với béo phì, trầm cảm và lo âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghiên cứu mới của một Tiến sĩ - Bác sĩ William Wilson nói thêm bằng chứng cho thấy, thực phẩm chế biến công nghiệp đang gây ra những thay đổi nghiêm trọng trong não bộ. 

Béo phì và rối loạn tâm thần gây ra bởi thực phẩm chế biến công nghiệp nguy hiểm hơn những gì chúng ta biết. Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân từ nghiên cứu của một bác sĩ.

Hiện nay, béo phì đã trở thành dịch bệnh khi cân nặng trung bình của một người đàn ông Mỹ là 198 pound (tương đương 90kg) tức là đã tăng so với 166 pound (75kg) vào những năm 60 thế kỷ trước. Còn đối với phụ nữ là 170 pound (77kg), tăng so với 140 pound (63.5kg). Đồng thời, các chứng rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo lắng, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn căng thẳng sau chấn thương cũng đang trở nên phổ biến. Trong cuốn sách “Chảy máu chất xám” - tác giả, Tiến sĩ William Wilson tin rằng các hiện tượng này có liên quan với nhau.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chứng béo phì và trầm cảm, lo âu được gây ra bởi các các yếu tố xã hội do cuộc sống hiện đại mang lại như: sự cô lập với xã hội hay các chất gây ô nhiễm môi trường làm rối loạn nội tiết, v.v… thì Wilson tin rằng nguyên nhân chính là do thức ăn của chúng ta.

Chính xác hơn, những phát hiện của ông tập trung vào cách thức mà thực phẩm chúng ta ăn thường xuyên gây ra chứng rối loạn thần kinh/tâm thần-cảm xúc mà ông gọi là “hội chứng não có thể đảo ngược liên quan đến carbohydrate” hay hội chứng CARB.

Tiến sĩ William Wilson là một bác sĩ gia đình hiếm hoi tham gia tích cực trong cộng đồng nghiên cứu về lĩnh vực này.

Theo ông, việc tiêu thụ lâu dài các loại thực phẩm chế biến công nghiệp của Big Food, hay “Khu liên hợp công nghiệp thực phẩm”, đã tác động sâu sắc đến chức năng của não bộ. Những thực phẩm này chứa nhiều carbohydrate và đường với chỉ số đường huyết cao làm cạn kiệt các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong cơ thể như dopamine, epinephrine, serotonin và norepinephrine.

Sự mất mát này làm cho con người mắc các rối loạn tâm thần, thậm chí nó còn buộc cơ thể phải tích trữ thêm chất béo bất kể người đó ăn bao nhiêu.

“Tôi nhận thấy có một sự tương quan bất thường (ở bệnh nhân của tôi) giữa các triệu chứng rối loạn chức năng não và những thay đổi về thành phần cơ thể. Trong đó, những thay đổi về triệu chứng thì luôn đi trước những thay đổi về thành phần cơ thể”, Wilson nói với The Epoch Times. Nói cách khác, các yếu tố tâm lý của một người dường như có vai trò làm tăng cân nặng của người đó.

Ông nói tiếp: “Đối với tôi, điều này cho thấy rằng bộ não sẽ quyết định việc dự trữ chất béo của cơ thể”.

Wilson đã đưa ra nhận định này sau khi bắt đầu tiến hành đo các chỉ số cơ thể (chất béo, cơ, xương,...) bằng máy Futrex cách đây 16 năm. Máy này đo các chỉ số chính xác hơn so với phương pháp thông thường dùng chỉ số khối cơ thể BMI (một cách đo dựa trên việc chia cân nặng cho chiều cao nhưng không tính đến khối lượng cơ bắp).

Wilson cho biết, ngay cả những người mắc chứng chán ăn vẫn có thể bị thừa mỡ trong cơ thể.

Khi chỉ số cơ thể được cải thiện thì một số tình trạng tâm lý cũng vậy. (Ảnh: unsplash.com)

Qua nhiều năm, Wilson đã thu thập tập dữ liệu gồm hơn 18.000 trường hợp và ông nhận thấy rằng: Khi chỉ số cơ thể được cải thiện thì một số tình trạng tâm lý cũng vậy.

Một bài báo của các nhà nghiên cứu Harvard xuất bản năm 2003 đã đưa ra giả thuyết rằng 14 chứng rối loạn não phổ biến có thể thuộc về một căn bệnh tổng thể gọi là “rối loạn phổ cảm xúc”. Bài báo khiến Wilson phải suy nghĩ. Ông nói: “Tôi nhận ra chúng là những triệu chứng giống nhau liên quan đến những thay đổi trong chỉ số cơ thể và cuối cùng tôi đã xác định được 22 triệu chứng của các rối loạn này.

Các triệu chứng mô tả hội chứng CARB theo Wilson là:

  1. Thèm carbohydrate
  2. Những cơn đói bất thường
  3. Mệt mỏi về thể chất và tinh thần quá mức
  4. Khó tập trung
  5. Dễ bốc đồng khi không thể kiểm soát
  6. Cảm giác chán nản
  7. Lo lắng quá mức
  8. Thay đổi tâm trạng quá mức
  9. Mất ngủ
  10. Thiếu bộ lọc cảm xúc thích hợp
  11. Lòng tự trọng thấp
  12. Hình ảnh bản thân thấp
  13. Mất chức năng nhận thức
  14. Thiếu sự đồng cảm
  15. Đau mãn tính
  16. Các vấn đề về trí nhớ ngắn hạn
  17. Bồn chồn lo lắng
  18. Kỹ năng nghe kém
  19. Xu hướng ám ảnh cưỡng chế
  20. Triệu chứng đường ruột
  21. Chậm trong giao tiếp
  22. Luôn nghĩ về đồ ăn và ăn uống vào bất kể thời gian nào

Vấn đề chính của hội chứng CARB là việc ăn uống không điều độ dẫn đến sự thay đổi các hoạt chất trong não và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.

Wilson cho biết các triệu chứng của hội chứng CARB có thể giống với nhiều chứng rối loạn não thường thấy, điều này gây nên sự nhầm lẫn trong cộng đồng y tế và giới khoa học.

Ông nói: “Ví dụ, chứng rối loạn lưỡng cực đã tồn tại với chúng ta kể từ buổi bình minh của nền văn minh nhân loại, được đặc trưng bởi chứng hưng cảm và rối loạn tâm thần - một sự tách biệt hoàn toàn khỏi thực tế”.

“Hơn 50 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều người mắc chứng hưng cảm nhẹ nhưng không bị rối loạn tâm thần. Chuyên gia y tế đã quyết định gọi đây là 'rối loạn lưỡng cực II', nhưng theo quan điểm của tôi thì điều này là sai. Những bệnh nhân này mắc hội chứng CARB và không liên quan đến rối loạn lưỡng cực I. Nếu bạn điều trị cho họ bằng thuốc chống loạn thần, theo thời gian họ sẽ trở nên tồi tệ hơn và tăng cân rất nhiều.”

Rối loạn ăn uống

Wilson giải thích những người mắc hội chứng CARB không ăn uống như người bình thường.

Ông nói: “Ở những người khỏe mạnh bình thường không mắc hội chứng CARB có thể có cảm giác thèm ăn nhẹ đối với đường và carbohydrate tinh chế cao, đặc biệt là sau khi ăn thực phẩm chế biến sẵn, nhưng những cảm giác này có xu hướng nhẹ và chỉ là nhất thời".

Tuy nhiên với những người mắc hội chứng CARB, “những cảm giác thèm ăn này trở nên rất dữ dội và kéo dài bất kể là họ đã ăn rồi”, ông nói. Chúng thúc đẩy người ta tiêu thụ nhiều thực phẩm hơn. Điều này gây áp lực cho não bộ, tạo ra một vòng luẩn quẩn bệnh tật và làm giảm chất lượng cuộc sống. Có thể có nhiều lý do dẫn đến cảm giác thèm ăn bệnh lý này, bao gồm cả sự thay đổi mức glucose trong cơ thể.

Các nghiên cứu đồng thuận với sự liên quan giữa chế độ ăn và não bộ

Các tài liệu nghiên cứu khoa học đã ủng hộ cho quan điểm của Wilson. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Nutrition Reports xuất bản năm 2019, các nhà nghiên cứu đã viết: “Chất dẫn truyền thần kinh dopamine giúp giảm dần tình trạng béo phì và cải thiện sức khỏe tâm thần ở loài gặm nhấm và con người. Việc điều chỉnh tín hiệu insulin và dopamine trong não bệnh nhân béo phì có khả năng cải thiện kết quả điều trị.”

Nói cách khác, khắc phục các vấn đề về dopamine giúp làm giảm béo phì và cải thiện sức khỏe tâm thần ở các đối tượng.

Nghiên cứu được công bố vào năm 2017 đăng trên tạp chí Birth Defects Research cũng lưu ý rằng, các nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh rằng “đồ ăn vặt nhiều chất béo và hàm lượng đường cao” ảnh hưởng đến chức năng não, “dẫn đến suy giảm nhận thức và thay đổi quá trình xử lý phần thưởng tạo động lực của cơ thể (một cơ chế của não bộ)”.

Lựa chọn chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm hỏng quá trình trưởng thành bình thường của thanh thiếu niên và ảnh hưởng đến quỹ đạo phát triển thần kinh, khiến các cá nhân có hành vi ăn uống không điều độ và bốc đồng. (Ảnh: pexels.com)

Các nghiên cứu chỉ ra rằng: “Chế độ ăn uống có thể dẫn đến những thay đổi trong tín hiệu khen thưởng qua dopamine và ức chế dẫn truyền thần kinh được kiểm soát bởi axit gamma-aminobutyric (GABA), hai hệ thống dẫn truyền thần kinh chính được xây dựng trong suốt thời niên thiếu”.

“Lựa chọn chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm hỏng quá trình trưởng thành bình thường của thanh thiếu niên và ảnh hưởng đến quỹ đạo phát triển thần kinh, khiến các cá nhân có hành vi ăn uống không điều độ và bốc đồng.”

Tóm lại, ăn uống không điều độ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và gây ra tình trạng mất kiểm soát đối với đồ ăn.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Behavioural Brain Research xuất bản năm nay cũng nghiên cứu mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và chức năng não bộ ở chuột vị thành niên. Các nhà nghiên cứu đã xem xét vai trò của si rô ngô có hàm lượng đường cao (HFCS) - một thành phần được tìm thấy trong hầu hết các đồ ăn vặt.

Các nhà nghiên cứu viết rằng: “Mặc dù việc tiêu thụ HFCS có ảnh hưởng đến việc tăng khả năng béo phì và các suy giảm sức khỏe thể chất khác, nhưng mối liên hệ giữa HFCS và những thay đổi hành vi kéo dài vẫn chưa được thiết lập đầy đủ”.

“Hiện tại thì nghiên cứu nhằm đánh giá xem liệu việc tiêu thụ HFCS ở tuổi vị thành niên có gây ra những thay đổi trong hành vi khi trưởng thành và chỉ số protein sau khi ngừng sử dụng hay không”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Họ kết luận: “Từ các dữ liệu tổng hợp cho thấy việc tiêu thụ HFCS ở tuổi vị thành niên làm rối loạn chức năng kéo dài trong các hành vi tình cảm và sự thay đổi chỉ số protein vẫn tồn tại ngay cả khi ngừng tiêu thụ HFCS”.

Năm 2021, Wilson cùng Tiến sĩ Richard Johnson (một nhà nghiên cứu hàng đầu về đường fructose) đã viết một bài báo được đăng trên tạp chí Evolution and Human Behavior. Bài báo có tiêu đề “Fructose và Axit Uric là các yếu tố thúc đẩy phản ứng hiếu động tìm kiếm thức ăn: Đầu mối dẫn đến các rối loạn hành vi liên quan đến tính bốc đồng hoặc hưng cảm?”, bài báo đã củng cố cho các quan điểm về hội chứng CARB.

Có mối liên hệ nào giữa Hội chứng CARB và COVID-19 không?

Trong các tài liệu khoa học, người béo phì được cho là có khả năng mắc COVID-19 cao hơn cũng như dễ xuất hiện các biến chứng do bệnh hơn, Wilson lưu ý.

Ông nói: “Tôi tin rằng trong nhiều trường hợp, có ảnh hưởng qua lại giữa COVID-19 và hội chứng CARB. Vì não đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh nên tôi tin rằng những người mắc hội chứng CARB dễ mắc COVID-19 hơn. Một khi mọi người mắc bệnh, họ sẽ không hồi phục hoàn toàn do hệ miễn dịch bị trục trặc và cuối cùng họ mắc phải căn bệnh được gọi là ‘COVID-19 kéo dài’ ”.

“Nếu bạn xem qua các triệu chứng đặc trưng của COVID-19 kéo dài sẽ thấy chúng giống như các triệu chứng điển hình của hội chứng CARB”.

Wilson cho biết, nếu ai đó bị COVID-19 và chưa mắc hội chứng CARB, họ nhiều khả năng sẽ xuất hiện nó hơn.

“Đó là vì COVID-19 làm thay đổi chức năng não, khiến bệnh nhân dễ mắc các chứng rối loạn như hội chứng CARB. Do đó, COVID-19 và CARB dường như có mối liên hệ chặt chẽ với nhau tạo nên một vũ điệu chết chóc đưa con người đến bệnh tật và đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống giảm sút”, ông nói.

Vậy làm thế nào những người mắc hội chứng CARB có thể phục hồi?

Vì tế bào thần kinh “đào thải” chất dẫn truyền thần kinh khi tiếp xúc với nồng độ glucose cao, sau đó cơ thể sẽ bài tiết chúng nên Wilson đã cho bệnh nhân dùng các tiền chất như axit amin L-tyrosine, DL-phenylalanine và 5-hydroxytryptophan (5-htp) và nhận thấy rằng tình trạng của họ được cải thiện.

Ông nói: “Tôi cũng bổ sung L-glutamine, một loại axit amin giúp ngăn chặn cảm giác thèm ăn thực phẩm ngọt và nhiều tinh bột".

Thêm vào đó, Wilson còn cung cấp một số thực đơn dinh dưỡng trên trang web CarbSyndrome.com. Ông cho biết không có gì ngạc nhiên khi chế độ ăn uống lành mạnh và cẩn thận hơn tạo ra những cải biến ở người chịu tổn thương bởi cách ăn uống tiêu cực tác động lên não bộ.

Cuối cùng Wilson nói: “Hội chứng CARB có thể phòng ngừa, điều trị và phục hồi”, nên chúng ta đừng nản lòng.

Cát Mộc

(Theo The Epoch Times tiếng Anh)



BÀI CHỌN LỌC

Mối liên hệ giữa chế độ ăn uống với béo phì, trầm cảm và lo âu