Nắng nóng đỉnh điểm, làm gì khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ do nhiệt?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những ngày gần đây, nắng nóng đỉnh điểm với nhiệt độ lên tới gần 40°C đã khiến nhiều bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu.

Bác sĩ Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trả lời báo Zing cho biết, cơ sở này hiện đang điều trị cho 38 bệnh nhân.

Ông nói rằng thời tiết nắng nóng, nhất là giai đoạn đầu mùa, số trường hợp nhập viện cấp cứu thường sẽ tăng gấp đôi, có lúc thậm chí gấp ba.

Đặc biệt trong những ngày gần đây, nắng nóng tại Hà Nội đã khiến nhiều bệnh nhân nhập viện với triệu chứng nặng như đột quỵ, viêm phổi, rối loạn điện giải…

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị, cho biết trước đây mỗi ngày cơ sở chỉ tiếp nhận khoảng 20-25 bệnh nhân. Tuy nhiên từ khi đợt nắng nóng xuất hiện, số trường hợp đã tăng lên 30-35 ca.

Ông cũng nói thêm, mặc dù thời tiết không hẳn là nguyên nhân cho mọi trường hợp nhập viện, nhưng đó cũng là một trong những yếu tố tác động chính.

Nghiên cứu cho thấy dù thời tiết lạnh hay nóng, sự dao động lớn của nhiệt độ đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể. Vậy nên, đột quỵ do nhiệt có thể diễn ra vào bất kỳ thời gian nào trong năm, nhưng nó đặc biệt phổ biến vào mùa hè.

Nghiên cứu từ Đại học Haifa (Israel) cho thấy, cứ mỗi một nhiệt độ tăng lên, nguy cơ đột quỵ cũng tăng lên 10% trong 6 ngày.

Mặc dù say nóng chủ yếu ảnh hưởng đến những người trên 50 tuổi, nhưng nó cũng có thể tác động đến các vận động viên trẻ khỏe mạnh.

Theo Webmd, đột quỵ nhiệt là kết quả của việc tiếp xúc lâu dài với nhiệt độ cao - thường kết hợp với mất nước - khiến hệ thống kiểm soát nhiệt độ của cơ thể bị hư hại.

Định nghĩa y học của say nóng là nhiệt độ cơ thể lớn hơn 40°C, với các biến chứng liên quan đến hệ thần kinh trung ương xảy ra sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao.

Nó có thể khiến não, tim và thận của bệnh nhân bị tổn thương. Trong trường hợp nghiêm trọng, đột quỵ nhiệt đủ khả năng gây tử vong.

Ngoài nhiệt độ cơ thể cao bất thường, ngất xỉu cũng được xem là một trong những triệu chứng phổ biến đầu tiên.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm: nhói đầu; chóng mặt và choáng váng; đổ mồ hôi trộm; da đỏ, nóng và khô; yếu cơ hoặc chuột rút; buồn nôn và ói mửa; nhịp tim nhanh, có thể mạnh hoặc yếu; thở nhanh, nông; thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mât phương hướng hoặc loạng choạng; co giật; vô ý thức.

Nắng nóng có thể được xem là một trong những nguyên nhân khách quan mà chúng ta rất khó để thay đổi. Tuy nhiên, việc bị say nắng còn xuất phát từ những thói quen của chính chúng ta hàng ngày, chẳng hạn như:

  • Uống ít nước khiến cơ thể không được làm mát, làm nhiệt độ cơ thể tăng cao.
  • Uống rượu bia sẽ thúc đẩy tiểu tiện, làm cơ thể mất nước nhanh hơn.
  • Hoạt động thể chất quá mức khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi, từ đó mất nước, dễ say nắng.
  • Nằm điều hòa sau khi tắm, hoặc ngồi điều hòa ngay sau khi đi nắng về đều sẽ khiến lỗ chân lông và mạch máu dưới da co lại, làm máu khó lưu thông. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây đột tử, theo Mayo Clinic.

Vậy bạn có thể làm gì nếu ai đó bị đột quỵ do nhiệt?

Theo Webmd, cách tốt nhất là liên hệ cấp cứu và đưa họ tới bệnh viện càng nhanh càng tốt, bất kỳ sự chậm trễ nào đều có thể khiến nạn nhân tử vong. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sơ cứu trong khi chờ nhân viên y tế đến.

Đầu tiên, bạn cần đưa người đó đến nơi có máy lạnh, hoặc ít nhất là khu vực râm mát, sau đó cởi bỏ một số quần áo không cần thiết.

Nếu có thể, bạn hãy đo nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân và tìm cách sơ cứu nhằm hạ nhiệt độ xuống còn khoảng 38 - 38.5°C (nếu không có sẵn nhiệt kế, đừng ngại thực hiện sơ cứu khẩn cấp)..

Hãy thử các phương pháp làm mát sau:

  • Quạt không khí trên người bệnh nhân trong khi làm ướt da của họ bằng nước từ miếng bọt biển hoặc vòi nước.
  • Ngâm bệnh nhân trong vòi hoa sen hoặc bồn nước mát.
  • Chườm túi đá vào nách, bẹn, cổ, lưng của bệnh nhân. Bởi vì những khu vực này có nhiều mạch máu gần da, có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể.

Tuy nhiên, bạn không được phép dùng nước đá cho bệnh nhân lớn tuổi, trẻ nhỏ, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính hoặc bất kỳ ai bị đột quỵ do nhiệt mà không vận động mạnh. Làm như vậy có thể nguy hiểm.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Nắng nóng đỉnh điểm, làm gì khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ do nhiệt?