Nét đặc sắc của Tết Đoan ngọ trong văn hóa và Y học Á Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không chỉ có ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản... Tết Đoan Ngọ là ngày tết cổ truyền của hầu hết khu vực Á Đông. Những văn hóa tập tục đặc sắc trong Tết ấy đã lưu truyền qua nhiều thập kỷ và trong đó không thể thiếu những người con của đất Việt...

Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương (ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch) là một ngày Tết truyền thống tại một số nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Đoan nghĩa là mở đầu, ngọ là giờ ngọ - khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 1 giờ chiều, và Tết Đoan ngọ ăn thường là vào buổi trưa.

Theo Đông Y thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và cả trong cơ thể người đều lên tột bậc vào ngày Đoan ngọ. Còn theo khoa học hiện đại, thì đây là ngày mà mặt trời lên cao nhất ở phía Bắc Bán Cầu, trước khi quay trở về phương Nam.

Tết Đoan ngọ trùng với ngày bắt đầu tiết Hạ chí, được người Việt gọi giản dị là là Tết giết sâu bọ, là ngày diệt bắt sâu bọ, tiêu bớt các loài côn trùng gây hại cho cây trồng trên cánh đồng...

Truyền thuyết về Tết giết sâu bọ được lưu truyền khác nhau ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thần thoại trung Hoa

Chuyện kể rằng, sau khi Nữ Oa đội đá vá trời, khiến nước lũ rút đi, lưu vực sông Dương Từ được bồi đắp trở nên trù phú, hầu hết các vùng đất đều phù hợp với việc gieo trồng.

Thế nhưng, sâu bọ không rõ từ đâu ngày càng phát triển, phá hoại mùa màng, phá hủy lương thực, khiến con người vô cùng đói khổ. Rắt rết cũng bò ra cắn cả gia súc, thậm chí cắn cả người. Bất lực trước sự hoành hành của sâu bọ, nhân loại cầu khẩn Thiên Đế cứu giúp.

Nghe được lời khẩn, Thiên đế nhìn xuống hạ giới và thấy sâu bọ sinh sôi là do mặt đất tăm tối và ẩm ướt, ánh sáng nơi đây rất yếu ớt, khiến sâu bọ và rắn độc có cơ hội để hoành hành. Hiểu được nỗi khổ của người nơi nhân thế, ngài sai Thần Mặt Trời đi xử lý và gọi Phu nhân Hy Hòa để giao việc khắc phục nạn sâu bọ đang diễn ra tại nơi ở của loài người.

Sau khi ra lệnh cho các mặt trời, phu nhân xuống tới hạ giới. Trước tình hình đã vô cùng khẩn cấp, Hy Hòa phu nhân hướng dẫn người dân tìm cây cỏ, có loại dùng để làm bánh, có loại dùng để ủ rượu, lại có loại thì được đốt thành tro.

Ngày 5/5 Âm lịch tới, phu nhân Hy Hòa vẩy tro ra đồng ruộng, bảo người dân ăn rượu ủ Hùng Hoàng để diệt sâu bọ trong cơ thể họ, lại ăn bánh nguội được làm từ các loại cây. Đúng vào chính ngọ, phu nhân bày lễ tế thần. Nhìn thấy hương án, các mặt trời hạ xuống thật gần mặt đất để tăng cường chiếu sáng, ánh kim quang rực rỡ chiếu rọi, xua tan tăm tối trên mặt đất, sâu bọ bị diệt, mất hết chỗ trú, chạy trốn khắp nơi.

Kể từ đó, người Hoa cứ vào ngày này đều ủ rượu Hùng Hoàng, làm bánh và tế thần mặt trời. Từ đó, mùa màng được bội thu, con người được bảo vệ.

Theo Mỗi ngày một câu chuyện Thần thoại Trung Hoa

Truyền thuyết tại Việt Nam

Một ngày sau vụ mùa, nông dân đang ăn mừng vì bội thu, thì lũ sâu bọ chợt từ đâu kéo đến, chúng ăn mất cây trái và thực phẩm đã thu hoạch. Người dân điêu đứng, không biết làm sao để giải nạn sâu bọ, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.

Đôi Truân chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà để vận động. Nông dân làm theo và chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông bảo: “Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng”.

Người dân chưa kịp cảm tạ, thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng gọi ngày này là Tết diệt sâu bọ, cũng gọi là Tết Đoan ngọ vì lễ là cúng vào chính Ngọ.

Ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ trong Đông Y

Tết Đoan Dương (Chính Dương), theo quan điểm của Y học phương Đông là lúc Dương Khí ở ngoài đại thiên vũ trụ sung mãn nhất. Là tiểu vũ trụ nên con người cũng ứng theo thời vận ấy.

Vào thời điểm này, phần dương trong cơ thể sẽ có xu hướng phát việt lên trên và ra ngoài, phần âm ẩn phục bên trong, dương thịnh lên mà âm hao đi, rất dễ mắc phải các bệnh trúng thử, thương thử, (say nắng, cảm nắng), ôn dịch gây hao tổn tân dịch (như bệnh tiêu chảy mất nước do phẩy khuẩn tả, lỵ trực trùng... của Tây y), ban chẩn, mề đay (mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng)...

Thuận theo khí tiết đặc biệt này, người xưa đã ứng dụng rất linh hoạt y học cổ truyền để thu hái thuốc, điều hòa khí huyết của cơ thể để phòng bệnh, trị bệnh cho mọi người. Ngoài rượu nếp, mận, xoài... được sử dụng để diệt trừ sâu bọ, các món ăn thức uống có tính mát như bánh tro, dưa hấu, mướp, nước cơm... cũng được bổ sung để tư âm, sinh tân dịch (bù nước và khoáng chất), thanh nhiệt giải độc cho cơ thể. Các vị thuốc như ngải cứu, ích mẫu... được hái vào chính ngọ của ngày đầu tiết Hạ Chí cũng sẽ tăng tác dụng ôn bổ dương khí và hành khí hoạt huyết...

Thiên Thanh

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Nét đặc sắc của Tết Đoan ngọ trong văn hóa và Y học Á Đông