Nghe lời người quen, hai vợ chồng bị liệt toàn thân khi trị tiểu đường bằng muồng tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghe theo lời giới thiệu của người quen, hai vợ chồng đã trồng muồng tây để ăn. Sau một thời gian, cả hai đều bị sụt cân, teo cơ và liệt toàn thân. Đây là trường hợp ngộ độc muồng tây đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam.

Hai vợ chồng gồm vợ tên Phạm Thị X. (sinh năm 1966), chồng tên Trương Công N. (sinh năm 1958) vì muốn điều trị và ngăn ngừa bệnh tiểu đường, nên đã nghe theo lời của người quen tự trồng muồng tây để ăn.

Bà X. cho biết, trong thời gian từ tháng 09-11/2021, hai vợ chồng tăng dần từ ăn hai hạt mỗi ngày lên thành nhiều hơn. Sau ba tháng, cả bà X. và ông N. đều có những triệu chứng bất thường giống hệt nhau.

Biểu hiện chủ yếu bao gồm mệt mỏi, suy nhược, chân tay yếu và cân nặng giảm sút. Trong khi bà X. giảm 15kg thì ông X. cũng giảm 10kg trọng lượng cơ thể.

Ban đầu, vợ chồng bà X. được các bác sĩ tại bệnh viện ở Kiên Giang chẩn đoán thiếu canxi. Tuy nhiên, cả hai đã uống hết thuốc nhưng tình trạng đều không cải thiện, trái lại còn nặng thêm.

Tiếp đó, bác sĩ tại bệnh viện lớn ở TP.HCM chẩn đoán hai vợ chồng bị viêm đa dây thần kinh, phải tiến hành châm cứu, bấm huyệt. Dù vậy, bệnh tình vẫn không hết, thậm chí hai ông bà phải ngồi xe lăn khi chân bị liệt hoàn toàn.

Các bác sĩ lấy máu của vợ chồng bà X. rồi chuyển sang Singapore để xét nghiệm. Tại đây, họ xác định hai người bị nhiễm độc kim loại nặng và phải chuyển ra Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

Vào thời điểm nhập viện, cặp vợ chồng đã ở trong tình trạng teo cơ, hai tay khó vận động, nói khó và liệt hai chân. Nhưng sau hơn 1 tháng, các bác sĩ cho biết sức khỏe của vợ chồng bà X. đã cải thiện. Cả ông N. và bà X. đều đã có thể tự nâng bát cơm và đứng dậy được.

Đặc biệt, bà X, vốn là người có dấu hiệu liệt hầu họng và ảnh hưởng đến nguy cơ sống còn, đã có thể nói rõ và nuốt bình thường.

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết các xét nghiệm, kiểm tra và hội chẩn chuyên khoa cho thấy cả hai bệnh nhân đều không bị nhiễm độc kim loại nặng, đồng thời cũng loại trừ nguyên nhân của các bệnh khác.

Sinh thiết cơ cho thấy cơ bị xơ, teo và thoái hóa, khiến các chi yếu liệt. Mặc dù sức khỏe cải thiện nhưng có thể vẫn để lại di chứng lâu dài.

Mặt khác, lượng đường huyết trong cơ thể của vợ chồng bà X. dù cao một chút so với bình thường nhưng cũng không đến mức cần phải điều trị.

Ông Nguyên cũng khuyên rằng cần chú ý với những tin đồn truyền miệng về loại thảo mộc nào đó có khả năng trị bệnh, thay vào đó, bạn nên tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia y tế và người có chuyên môn để đảm bảo an toàn.

Muồng tây là gì?

Muồng tây còn gọi là muồng lá khế, tên khoa học là Senna occidentalis (hay còn gọi là Cassia occidentalis).

Độc tố trong cây muồng tây này là anthraquinone, tập trung nhiều ở hạt, có thể gây độc cơ, thần kinh, đặc biệt gây hoại tử, thoái hóa cơ, tổn thương gan, não và tử vong trên người cũng như động vật.

Hầu như tất cả các bộ phận (lá, rễ, hạt) của cây đều từng được các bộ lạc ở Ấn Độ dùng làm thực phẩm và làm thuốc.

Tuy nhiên, nó đã được xác định là nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em ở bộ lạc do bệnh não cấp tính. Sau khi cây được xác định là nguyên nhân chính, số người chết đã giảm mạnh.

Điều tương tự cũng xảy ra ở Rio Grande do Sul (Brazil), nơi có 16 trường hợp được ghi nhận. Đây là một kỷ lục so với nghiên cứu lâm sàng năm 1979, trong đó tám con bê chết sau khi mắc chứng khó thở, giảm bạch cầu trung tính và nhịp tim nhanh do ăn phải muồng tây.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Nghe lời người quen, hai vợ chồng bị liệt toàn thân khi trị tiểu đường bằng muồng tây