Nghiên cứu: Càng đốt thời gian trên mạng xã hội, giới trẻ càng có nhiều nguy cơ bị trầm cảm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo kết quả nghiên cứu mới đây, những người trẻ tuổi dành hàng giờ mỗi ngày trên mạng xã hội sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm trong tương lai...

Trong những năm gần đây, một số nghiên cứu đã có xu hướng tìm hiểu mối liên kết giữa việc sử dụng mạng xã hội với nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Brian Primack là giáo sư thuộc khoa Y tế công cộng của trường Đại học Arkansas (California, Mỹ) cho biết:

“Dành quá nhiều thời gian trên Twitter hoặc Facebook có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm. Mặt khác, những người bị trầm cảm sẽ ngày càng có xu hướng thu mình, tránh giao lưu trực tiếp và dành nhiều thời gian cho các hoạt động trực tuyến”.

Vì vậy, giáo sư Primack và các đồng nghiệp của ông quyết định nghiên cứu để tìm hiểu xem, liệu việc sử dụng mạng xã hội có tạo ra sự khác biệt đối với nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong tương lai của những người trẻ tuổi hay không.

Kết quả nghiên cứu đã được đăng trực tuyến vào ngày 10/12 trên Tạp chí Y tế Dự phòng Hoa Kỳ. Gần 1.000 người trong độ tuổi từ 18 đến 30 đã tham gia nghiên cứu, tất cả đều không bị trầm cảm; trong khoảng thời gian 6 tháng, họ phải báo cáo về thời gian sử dụng mạng xã hội của họ.

Sáu tháng sau, gần 10% số người tham gia đã phát hiện thấy những tiêu chí của bệnh trầm cảm.

Nhìn chung, nguy cơ trầm cảm tỉ lệ thuận với thời gian một người dành ra cho mạng xã hội. So với những người sử dụng ít nhất - 2 tiếng mỗi ngày hoặc ít hơn, thì những người sử dụng nhiều nhất - tối thiểu là 5 tiếng mỗi ngày có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 3 lần.

Ở người trẻ tuổi, nguy cơ đó cao gấp 2 lần, nhưng là với khoảng thời gian hoạt động trên mạng xã hội từ 3,5 đến 5 giờ mỗi ngày.

Giáo sư Primack lưu ý rằng những phát hiện trên vẫn chưa chứng minh được nguyên nhân và kết quả trong mối liên hệ của việc dùng mạng xã hội và bệnh trầm cảm.

Ông nói thêm rằng nhóm của ông đã tính đến các yếu tố như trình độ học vấn, thu nhập, chủng tộc. Những người tham gia cũng được hỏi rằng liệu họ có từng trải qua những tổn thương thời thơ ấu như lạm dụng thể chất và bỏ bê tình cảm hay không?

Những yếu tố trên đều có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, những yếu tố đó vẫn không thay đổi tỉ lệ thuận giữa việc (1) dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội và (2) nguy cơ cao dẫn đến bệnh trầm cảm.

Nathaniel Counts là phó chủ tịch của Mental Health Hoa Kỳ - tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào thay đổi sức khỏe hành vi. Ông cho biết các nhà nghiên cứu đã làm rất tốt việc tính toán các yếu tố khác nhau để có thể giải thích mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội và chứng bệnh trầm cảm.

Tuy nhiên, trầm cảm rất phức tạp và rất khó để xác định đâu là yếu tố then chốt gây nên.

Giám đốc Counts đưa ra ví dụ rằng: một người trẻ có thể đã từng phải đối mặt với một hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau đó bắt đầu dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội như một cách giải thoát. Khoảng thời gian sử dụng mạng trực tuyến đó có thể dẫn tới chứng trầm cảm nhưng đây không phải là nguyên nhân chính của nó.

Mọi thứ cũng trở nên phức tạp hơn bởi các yếu tố phụ thuộc vào các cá nhân khác nhau, cũng như lý do của họ để sử dụng mạng xã hội. Cả Primack và Counts đều cho biết cách mà thanh niên sử dụng các nền tảng đó có thể là mấu chốt của vấn đề.

Giám đốc Counts còn cho biết: “Nếu bạn đang tích cực tương tác với những người bạn mới, thì điều đó khác với việc bạn tiếp thu tin tức một cách thụ động và so sánh bản thân với những người khác”.

Nghiên cứu về sắc thái của những người dùng mạng xã hội, Primack nói: "Chúng tôi không biết liệu họ có giận dữ trên mạng hay nhấn 'thích' vào những bức ảnh của những chú chó con dễ thương hay không”. Nhưng hầu hết đối với những người sử dụng mạng xã hội, họ tìm niềm vui kết bạn, tham dự vào guồng câu chuyện của người khác và dửng dưng rời đi.

Thùy Linh
- Theo NewsMax.



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Càng đốt thời gian trên mạng xã hội, giới trẻ càng có nhiều nguy cơ bị trầm cảm