Ngũ tạng trong cơ thể bắt đầu lão hóa khi nào? Làm gì để đối phó với tình trạng này?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trí nhớ kém, hay quên đồ đạc, tiểu nhiều về đêm, ngứa da, thường xuyên tim đập nhanh, tức ngực và khó thở... Phải chăng đó là dấu hiệu cho thấy bạn đã già?

Nội tạng con người cũng giống như máy móc, sau một thời gian dài sử dụng sẽ không tránh khỏi những trục trặc nhỏ, bạn có biết các cơ quan này bắt đầu lão hóa khi nào không? Làm thế nào để đối phó và trì hoãn quá trình lão hóa?

Dòng thời gian lão hóa của cơ thể người

1. Bộ não: Bắt đầu lão hóa ở tuổi 35

Bộ não là cơ quan chính xác nhất trong cơ thể, chịu trách nhiệm điều khiển và điều phối mọi hoạt động sống của con người.

Não có các tế bào thần kinh phát triển tốt, cần được học hỏi và sử dụng liên tục, nếu không sử dụng trong thời gian dài, não bộ sẽ bị lão hóa nhanh hơn.

Thông thường, não bộ phát triển mạnh nhất ở tuổi 35, sau đó sẽ từ từ suy giảm, tốc độ lão hóa sẽ tăng nhanh sau tuổi 45.

Ảnh hưởng do lão hóa

Trí nhớ giảm sút, khả năng phán đoán kém, khả năng lĩnh hội kém, khả năng diễn đạt giảm sút, tính tình nóng nảy, v.v.

Cách ngăn ngừa lão hóa não

Không thức khuya, duy trì thói quen sinh hoạt và ăn uống điều độ, bỏ thuốc lá và rượu, tăng cường tập thể dục thể thao…

Bạn cũng cần phải sử dụng bộ não thường xuyên, càng sử dụng nhiều thì bộ não càng trở nên linh hoạt, lâu ngày không sử dụng thì bộ não sẽ dần thoái hóa.

Bộ não: Bắt đầu lão hóa ở tuổi 35
Thông thường, não bộ phát triển mạnh nhất ở tuổi 35, sau đó sẽ từ từ suy giảm, tốc độ lão hóa sẽ tăng nhanh sau tuổi 45. (Unsplash)

2. Thận: Sau 40 tuổi bắt đầu lão hóa dần

Thận chịu trách nhiệm sản xuất nước tiểu của con người, cũng như chức năng bài tiết một số yếu tố sống và kích thích tạo máu.

Thận lọc máu mọi lúc, theo tuổi tác chức năng của thận sẽ dần suy giảm sau 40 tuổi. Đặc biệt, lối sống không lành mạnh trong thời gian dài sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa của thận.

Ảnh hưởng do lão hóa

Đi tiểu đêm nhiều lần, dễ phù thũng, tăng huyết áp, ngứa ngoài da…

Cách ngăn ngừa lão hóa thận

Thận chịu trách nhiệm chuyển hóa chất thải trong cơ thể, thuốc và thực phẩm chúng ta ăn vào phải được chuyển hóa ra khỏi cơ thể qua thận, nhưng nhiều loại thuốc có độc tính nhất định với thận, vì vậy không được uống thuốc bừa bãi.

Huyết áp cao sẽ gây tổn thương màng lọc cầu thận dẫn đến suy giảm chức năng. Vì vậy cần kiểm soát tốt huyết áp, không nên làm những việc dễ làm huyết áp tăng cao.

Bạn cũng không nên thức khuya, thận “sợ” nhất thức khuya bởi nó có thể khiến cơ thể bị quá sức.

3. Tim mạch: Sau 40 tuổi tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao

Trái tim được ví như một động cơ trong cơ thể, phụ trách bơm máu đến tất cả các bộ phận. Nói chung, miễn là bạn còn sống, trái tim sẽ không bao giờ nghỉ ngơi. Vì vậy, trái tim luôn là cơ quan làm việc vất vả nhất.

Nhưng trái tim cũng sẽ từ từ lão hóa theo tuổi tác. Sau 40 tuổi, đặc biệt là nam trên 45 và nữ trên 50, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch sẽ tăng cao theo tuyến tính.

Ảnh hưởng do lão hóa

Thường xuyên đánh trống ngực, tim đập quá nhanh hoặc quá chậm, tức ngực, khó thở, đau tức ngực…

Cách ngăn ngừa lão hóa tim

Nếu muốn bảo vệ trái tim của mình, trước tiên bạn phải duy trì một tâm trạng tốt, sau đó chú ý đến chế độ ăn uống lành mạnh.

Trong chế độ ăn hàng ngày, bạn cố gắng giảm muối, đường và chất béo. Điều này sẽ giúp ổn định huyết áp, đường huyết và lipid máu.

Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt trắng (thịt gà và cá), các loại đậu và hạt, ít thịt đỏ, thịt chế biến và dầu thực vật.

Điều quan trọng nữa là kiên trì tập thể dục, bỏ hút thuốc và uống rượu, và không làm việc quá sức.

Tim mạch: Sau 40 tuổi tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao
Sau 40 tuổi, đặc biệt là nam trên 45 và nữ trên 50, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch sẽ tăng cao theo tuyến tính. (Unsplash)

4. Phổi: Lão hóa nhanh sau 40 tuổi

Phổi là cơ quan hô hấp chính của con người. Ở tuổi 25, chức năng phổi hoạt động tốt nhất nhưng sau 40 tuổi, nó sẽ bắt đầu suy giảm.

Ảnh hưởng do lão hóa

Thường xuyên bị khó thở, dễ ho, khạc đờm, tức ngực…

Cách ngăn ngừa lão hóa phổi

Hút thuốc lá là hành vi có hại nhất cho phổi, thuốc lá chứa hàng nghìn chất độc hại. Hít phải khói thuốc thụ động cũng rất có hại, vì vậy cách quan trọng nhất để bảo vệ phổi là bỏ thuốc lá.

Ngoài ra, khói bếp và bụi trong không khí cũng không thân thiện với phổi. Do đó, bạn cố gắng tránh xa các yếu tố có hại cho phổi và chú ý bảo vệ bản thân khi ở trong môi trường ô nhiễm.

5. Tuyến tiền liệt: Lão hóa bắt đầu từ 45 tuổi và tăng tốc khi 50 tuổi

Tuyến tiền liệt là bộ phận quan trọng trong hệ tiết niệu của nam giới. Sau 45 tuổi, tuyến tiền liệt bắt đầu lão hóa và xuất hiện u xơ lành tính tuyến tiền liệt, nhất là sau 50 tuổi.

Ảnh hưởng do lão hóa

Tiểu gấp, tiểu nhiều, tiểu không ngừng.

Cách ngăn ngừa lão hóa tuyến tiền liệt

Nam giới trong sinh hoạt không nên nhịn tiểu, không nên quan hệ tình dục quá thường xuyên.

Mặt khác, tuyến tiền liệt “sợ” nhất là thói quen ngồi lâu. Lý do là bởi ngồi lâu một chỗ dễ gây chèn ép tuyến tiền liệt, cuối cùng dẫn đến lưu lượng máu kém, gây ra các vấn đề về tuyến tiền liệt.

Theo Secret China
Hoàng Tuấn biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ngũ tạng trong cơ thể bắt đầu lão hóa khi nào? Làm gì để đối phó với tình trạng này?