Ngủ với đèn sáng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiếp xúc với điều kiện ánh sáng vừa phải trong khi ngủ vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, việc tiếp xúc với điều kiện ánh sáng vừa phải khi ngủ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo khi ngủ nên tắt đèn, kéo rèm và để môi trường trong nhà tối nhất có thể.

Nghiên cứu: Nguy cơ mắc tiểu đường, tim mạch tăng lên khi ngủ bật đèn

Nghiên cứu được thực hiện tại Trường Feinberg thuộc Đại học Northwestern (Hoa Kỳ) cho thấy, những người trưởng thành khỏe mạnh tiếp xúc với ánh sáng khi ngủ về đêm, sẽ tăng nhịp tim và phát triển tình trạng kháng insulin vào sáng hôm sau.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra khả năng ảnh hưởng đến giấc ngủ của việc tiếp xúc với ánh sáng vừa phải (100 lux) và ánh sáng yếu (3 lux) ở người lớn trong độ tuổi từ 18 đến 40.

Kết quả cho thấy, những người tiếp xúc với loại ánh sáng vừa phải (100 lux) có nhịp tim cao hơn và co bóp mạnh hơn so với loại ánh sáng yếu (3 lux).

Độ sáng của đèn ở 100 lux là bao nhiêu? Con người có thể nhìn rõ xung quanh bằng ánh sáng này, nhưng nhìn chung không thể đọc được.

Thông thường, khi hệ thần kinh giao cảm được kích hoạt, nhịp tim tăng, lưu lượng máu tăng và sự tỉnh táo tăng lên, cho phép cơ thể phản ứng với nhiều hoạt động và thử thách khác nhau.

Hệ thần kinh giao cảm hoạt động tích cực hơn trong ngày. Vào ban đêm, thần kinh phó giao cảm thường hoạt động mạnh, con người ở trạng thái tĩnh tâm, thư thái, cơ thể mới hồi phục.

Tiến sĩ Phyllis Zee, giám đốc y học giấc ngủ tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern và là tác giả của nghiên cứu, cho biết việc tiếp xúc với ánh sáng khi ngủ về đêm có thể kích hoạt hệ thần kinh giao cảm. Ngay cả khi bạn đang ngủ, hệ thần kinh tự chủ vẫn hoạt động, điều này rất không tốt cho sức khỏe.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi ngủ với ánh sáng, cơ thể sẽ xuất hiện tình trạng kháng insulin vào ngày hôm sau.

Kháng insulin là khi các tế bào cơ, tế bào mỡ và tế bào gan không đáp ứng đủ với insulin để hấp thụ hoặc lưu trữ đúng cách glucose từ máu, điều này có thể dẫn đến tiền tiểu đường, hoặc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Ông Phyllis Zee cho biết:

“Nghiên cứu này chỉ ra rằng, chỉ một đêm tiếp xúc với ánh sáng vừa phải trong nhà khi ngủ sẽ làm suy yếu khả năng điều hòa đường huyết và hệ thống tim mạch, vốn là những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim, tiểu đường và hội chứng chuyển hóa”.

Ba cách để ngăn chặn ánh sáng chiếu vào khi ngủ

Để tránh cho giấc ngủ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng, ông Zee khuyến cáo:

  • Bạn không nên bật đèn khi ngủ.
  • Một số người cần đèn ngủ để ngủ. Nếu vậy, bạn hãy để ánh sáng càng gần mặt đất càng tốt. Khi chọn nguồn sáng, nên chọn màu hổ phách hoặc đỏ và cam ít kích thích não bộ, tránh các nguồn sáng trắng hoặc xanh lam.
  • Nếu nguồn sáng ngoài trời có thể chiếu vào phòng, bạn hãy dùng mũ trùm đầu hoặc dụng cụ che mắt để chặn; hoặc cũng có thể tránh bằng cách di chuyển giường sang vị trí khác.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Ngủ với đèn sáng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim