Ngứa tai nhưng ngoáy không ra gì! Cảnh giác với 4 loại bệnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoáy tai thường xuyên có thể gây viêm nhiễm và ảnh hưởng đến thính lực. Nếu ngứa tai không dứt, thì có thể là dấu hiệu có 4 bệnh tiềm ẩn.

Việc ngoáy tai có ảnh hưởng gì đến ống tai không?

Nhiều người dùng ngón tay, tăm bông hoặc que ngoáy để làm sạch tai nhưng các bác sĩ không khuyến khích bạn làm như vậy.

Trong y học, ráy tai được gọi là cerumen, là chất tiết ra của tuyến cerumen trong ống tai.

Ráy tai thực sự là một “thứ tốt”. Nó có thể bôi trơn ống tai, bảo vệ da của ống thính giác ngoài, còn ngăn bụi và côn trùng, loại bỏ vi khuẩn, bảo vệ ống tai khỏi các giọt nước, cát và các chất kích ứng khác.

Thông thường, ráy tai sẽ tự rụng và tự thoát ra khi miệng của chúng ta cử động, nhai và các hành động khác, nên bạn không cần phải cố tình lấy sạch.

Tự ngoáy tai có thể gây ra nhiều tác hại nếu thực hiện không đúng cách. Nếu ngoáy tai bừa bãi, ráy tai có thể ngày càng sâu hơn, gây bít tắc ống tai, dẫn đến giảm thính lực.

Hơn nữa, da ống tai rất mỏng và nhạy cảm. Việc ngoáy tai thường xuyên có thể làm da ống tai bị tổn thương do ma sát và gây viêm ống tai.

Ngoài ra, nếu bạn dùng dụng cụ hoặc tay không sạch để ngoáy tai, bạn có thể đưa vi sinh vật vào trong ống tai, từ đó gây nhiễm trùng. Khi ống tai bị viêm, các triệu chứng như đau tai, sưng tấy, chảy mủ hoặc đóng vảy có thể xảy ra.

Nếu lấy ráy tai không đúng cách còn có thể làm thủng màng nhĩ, gây ù tai, giảm thính lực, thậm chí nhiễm trùng nội sọ.

Tại sao ống tai thường bị ngứa?

Có nhiều nguyên nhân gây ngứa trong ống tai. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm, ráy tai hoặc dị vật trong ống thính giác ngoài và phản ứng dị ứng.

Một số người bị ngứa, đau, chảy mủ và các triệu chứng khác do ống tai ngoài bị nhiễm khuẩn như Streptococcus và Staphylococcus aureus.

Trong khi đó, tình trạng ngứa tai của một số người có liên quan đến nhiễm nấm. Do cấu tạo của ống thính giác ngoài hơi ngoằn ngoèo, một khi vùng khuất bị ẩm ướt lâu, nó rất dễ bị nhiễm nấm thứ phát.

Còn một số người bị ngứa tai là do ráy tai tích tụ thành cục cứng hoặc có dị vật trong ống thính giác ngoài, gây kích ứng da, viêm và ngứa ống tai.

Cũng có một số trường hợp ngứa tai vì chàm cục bộ trên da của tai (thường gặp hơn ở bệnh nhân đang cho con bú), viêm mũi dị ứng và các phản ứng dị ứng khác.

4 loại bệnh có thể gây ngứa tai thường xuyên

Nếu tai thường xuyên cảm thấy ngứa hoặc cực kỳ ngứa, bạn đừng nghĩ rằng có thể giải quyết được bằng cách vệ sinh tai. Đôi khi, đó có thể là dấu hiệu của bệnh và cần được điều trị.

- Dị ứng da: Một số người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chế độ ăn uống không lành mạnh, da tai rất dễ dị ứng và ngứa. Khi da bị dị ứng, ngoài triệu chứng ngứa, các nốt mẩn đỏ cũng sẽ nổi rõ rệt.

- Chàm ống thính giác ngoài: Nếu ngứa tai không rõ nguyên nhân, bạn cần xem liệu có bị chàm cục bộ ở ống thính giác ngoài hay không.

Chàm ống thính giác ngoài có thể liên quan đến phản ứng dị ứng, vệ sinh cá nhân, v.v. Một số người do sử dụng thuốc nhỏ tai, dầu gội không phù hợp, trong khi một số khác là do viêm tai giữa hoặc tai ngoài.

Nếu cơ thể nhạy cảm hơn và không chú ý vệ sinh cá nhân, tình trạng da tai rất dễ xấu đi và xuất hiện bệnh chàm.

Biểu hiện chung của bệnh chàm ống thính giác ngoài là ngứa, nổi mẩn đỏ, dịch tiết màu vàng hoặc trong, da bị bào mòn hoặc dày lên, đóng vảy vàng.

- Viêm tai ngoài do nấm: Viêm tai ngoài do nấm đề cập đến tình trạng viêm ống tai ngoài do các loại nấm như Aspergillus, Mucor, Candida và Penicillium gây ra.

Nguyên nhân thường là do ẩm ướt, chấn thương hoặc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách cho ống tai ngoài.

Lúc này, da của ống tai ngoài sẽ bị sưng tấy hoặc rỉ máu, đóng vảy làm tắc ống thính giác ngoài hoặc che màng nhĩ, thậm chí có nấm xuất hiện sâu bên trong.

- Bệnh tiểu đường tuổi già: Bệnh nhân tiểu đường lớn tuổi dễ bị một loạt các biến chứng do sự chuyển hóa bất thường của chất béo trong cơ thể cũng như lượng đường trong máu, và ngứa da là một triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường.

Nếu bệnh nhân đái tháo đường không chú ý đến chế độ ăn uống, ăn quá nhiều đồ ngọt, thức ăn dễ gây dị ứng, thường xuyên thức khuya, làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát đường huyết và dễ mắc các triệu chứng ngứa da, kể cả ngứa tai.

Tai khó chịu, cần chú ý 2 điểm khi chăm sóc tai

Khi khó chịu ở tai, bạn đừng ngoáy bừa bãi, có hai cách để chăm sóc và giữ gìn sức khỏe của tai.

Vệ sinh

Thông thường, nếu cảm thấy ngứa tai, bạn có thể dùng tay xoa nhẹ hoặc giật nhẹ ở vành tai ngoài và dái tai.

Nếu ráy tai quá nhiều và cần lấy ráy tai, bạn nên rửa sạch tay trước, sau đó nhúng tăm bông vô trùng y tế với nước ấm, vắt bớt nước rồi dùng tăm bông ẩm để chọc vào (đừng chọc quá sâu). Sau đó, xoay nhẹ nhàng để đưa ráy tai ra ngoài.

Bạn nên nhớ đừng dùng những vật sắc nhọn như móng tay để ngoáy tai. Nếu ngứa ngày càng nhiều, bạn nên cảnh giác với khả năng bị chàm hoặc viêm tai ngoài, nên đi khám chuyên khoa da liễu kịp thời.

Nhờ bác sĩ giúp đỡ

Nếu có biểu hiện tắc nghẽn rõ ràng trong tai, giảm thính lực đột ngột và gây khó chịu như chảy máu, đau, sưng tấy... thì bạn nên đến bệnh viện để khám, sau đó nhân viên y tế sẽ tiến hành phẫu thuật hoặc điều trị.

Nếu bạn muốn đôi tai của mình khỏe mạnh, thì đừng ngoáy tai quá nhiều. Nếu thực sự ngứa, bạn nên vệ sinh tai đúng cách, hoặc nhờ bác sĩ làm sạch.

Tai cũng có thể là vùng báo hiệu của bệnh, khi phát hiện tai có các biểu hiện như ngứa, đau và chảy mủ bất thường, nghe kém thì bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

(*) Ảnh chủ đề: gratuit - CC BY 3.0

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Ngứa tai nhưng ngoáy không ra gì! Cảnh giác với 4 loại bệnh