Người bệnh tiểu đường có nên ăn khoai lang?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khoai lang có lượng calo và chỉ số đường huyết thấp nên người tiểu đường có thể ăn khoai lang luộc ở mức độ vừa phải.

Khoai lang là một trong những loại thực phẩm bổ dưỡng và phổ biến ở các khu vực nhiệt đới, cận nhiệt đới trên thế giới.

Loại khoai này chứa nhiều tinh bột nhưng lượng calo và hàm lượng đường đều không quá cao. Chỉ số đường huyết (GI) của khoai lang luộc là 50, thấp hơn so với mức giới hạn dành cho người bệnh tiểu đường là 70.

Ngoài ra nó chứa nhiều chất xơ giúp no lâu, có thể giảm lượng thức ăn nạp vào, duy trì lượng đường huyết.

Người bị bệnh tiểu đường có thể chọn khoai lang luộc làm món ăn mỗi ngày (luộc sẽ tốt cho bệnh nhân đái tháo đường hơn so với nướng, chiên, do chỉ số GI thấp hơn) với lượng ít hơn 200g.

Thời gian luộc cũng quyết định lượng GI trong khoai lang. Khoai lang luộc trong 30 phút sẽ có GI khoảng 46, trong khi luộc trong 8 phút thì GI trung bình lên đến 61.

Dinh dưỡng trong khoai lang

Khoai lang chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa và khoáng chất có ích cho sức khỏe tổng thể của bạn.

Chúng rất giàu các loại vitamin và khoáng chất: Vitamin A ở dạng beta-caroten, vitamin B6, vitamin C, kali, chất xơ, sắt, kẽm, magie và canxi. Khoai lang chứa một lượng lớn carbohydrate, nhưng thường có chỉ số đường huyết thấp.

Loại khoai này có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 do hàm lượng magie và chất xơ cao, có thể hỗ trợ giảm đề kháng insulin và ổn định lượng đường trong máu.

Khoai lang mật hầu như không có chất béo và cholesterol, vậy nên sẽ không dẫn đến tình trạng tích tụ chất béo khi ăn và hạn chế quá trình chuyển hóa các chất này.

Một số loại khoai lang phù hợp cho người bị tiểu đường

1. Khoai lang Nhật

Khoai lang Nhật thường có vỏ màu tím và bên trong có màu trắng hoặc vàng, có vị ngọt hơn các loại khoai lang khác.

Hợp chất Caiapo chiết xuất từ ​​khoai lang Nhật Bản có thể giúp ích cho những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Nghiên cứu cho thấy Caiapo có lợi đối với mức đường huyết và cholesterol ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Caiapo cũng có thể giảm mức độ nhịn ăn và làm chậm hấp thu đường huyết sau ăn.

Hợp chất này còn làm giảm cholesterol và phòng các biến chứng nguy hiểm.

2. Khoai lang tím

Khoai lang tím gần đây được nhiều người ưa thích. Màu tím của loại khoai này bắt nguồn từ một chất tên anthocyanin có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, và có tác dụng tốt trong việc giảm đường huyết sau ăn, cải thiện tình trạng kháng insulin, góp phần ngăn béo phì. Chỉ số GI của khoai lang tím là 77, có thể ăn với lượng thích hợp.

3. Khoai lang vàng

Khoai lang vàng (hay khoai lang cam) có màu nâu đỏ ở bên ngoài và màu vàng hoặc cam ở bên trong.

Khoai lang vàng rất giàu Vitamin A ở dạng beta-caroten (nên có màu vàng cam) và chất xơ. Đặc biệt khoai lang vàng ruột màu cam thường được gọi là khoai lang mật, có vị ngọt và thịt ướt chứ không khô như các loại khoai lang khác.

Ngoài ra khoai lang vàng có hàm lượng tinh bột thấp, nhưng chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe như vitamin C, kẽm, vitamin B6 nên được nhiều người Châu Âu và Mỹ lựa chọn. Khoai lang vàng có GI là 44.1 - phù hợp với người bệnh tiểu đường.

Khoai lang là thực phẩm dành cho người bệnh tiểu đường thay thế khoai tây, có thể ăn ở một mức độ nhất định.

Ngoài ra, luộc khoai lang có thể giảm mức GI và phù hợp với người bệnh đái tháo đường. Điều quan trọng là nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết được lượng khoai lang thích hợp với bản thân.

Quang Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Người bệnh tiểu đường có nên ăn khoai lang?