Người hay tức giận sẽ dễ mắc ung thư?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Y học cổ truyền và Tây y hiện đại đều thừa nhận cảm xúc có sự chi phối rất lớn đối với sức khỏe; trong đó, tức giận thường được xem là trạng thái tiêu cực nhất. Tuy nhiên, loại cảm xúc này có thật sự dẫn đến mắc bệnh ung thư hay không?

Y học cổ truyền và Tây y lý giải như thế nào về cảm xúc tức giận đối với ung thư?

1. Về sự tức giận, chúng ta hãy xem cách giải thích trong y học Trung Quốc:

"Khí" sinh ra từ tức giận, là một loại lửa không tên toát lên từ cơ thể.

Hoàng đế nội kinh nói rằng, sức khỏe thể chất của một người phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, tâm trạng, chế độ ăn uống và ngủ nghỉ.

“Giận hại gan, vui hại tim, buồn hại phổi, ưu tư lo lắng hại lá lách, sợ hãi thì hại thận. Tất cả bệnh tật đều sinh ra từ khí”.

Câu này tương ứng với bảy cảm xúc và sáu ham muốn (thất tình lục dục) của con người. Cảm xúc khác nhau ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng không giống nhau. Trong đó, tức giận được cho là tác động đến gan.

Nhưng dù là cảm xúc tích cực hay tiêu cực, khi nó phát triển đến cực điểm, nó sẽ làm tổn hại đến sức khỏe của bạn ở một mức độ nhất định, và "tức giận" được xếp hàng đầu.

Khi con người nóng giận, khí và huyết trong cơ thể không thể đào thải ra ngoài mà lưu lạc trong cơ thể, dễ bị tắc nghẽn ở một bộ phận nào đó.

Bộ phận bị tắc nghẽn sẽ gây suy giảm chuyển hóa các cơ quan, hơn nữa càng ảnh hưởng đến sự lưu thông của khí và huyết, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Tăng sản, nốt sần và khối u được hình thành theo cách này.

Khi gan khí, phổi khí và thận khí va chạm đụng độ với nhau, bạn sẽ thấy da chuyển sang màu vàng, nước tiểu ít, ngực sưng đau, khó thở và xuất hiện các triệu chứng khó chịu về thể chất, lần lượt từng triệu chứng một.

2. Dưới góc độ tây y, có thể làm rõ hai điểm:

  • 70% bệnh tật xuất phát từ cảm xúc.
  • Những người thường có cảm xúc tiêu cực dễ bị ung thư hơn những người khác.

Bạn đã bao giờ nghe nói về cái gọi là "nhân cách ung thư" chưa.

Loại người này có một số đặc điểm: Tính cách hướng nội; bề ngoài thì phục tùng, không phàn nàn gì nhưng trong lòng lại bực bội, khó chịu; có tiền sử sang chấn tinh thần; trầm cảm, hay hờn dỗi nhưng không hay cáu gắt; chấp vào những điều rất nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Đối với họ, mọi việc đều phải lo lắng, tâm trạng lúc nào cũng căng thẳng; bề ngoài thì hi sinh bản thân để giúp đỡ cho người khác, nhưng bên trong lại vô cùng miễn cưỡng; khi gặp khó khăn lại không cố gắng hết sức để vượt qua, để rồi cuối cùng gặp đủ loại rắc rối.

Họ không biết cách điều chỉnh tâm trạng, cách bày tỏ lòng mình và không muốn nói cho người khác biết họ thực sự nghĩ gì. Những người như vậy rất dễ mắc bệnh.

Nhiều bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư dạ dày, ung thư vú và ung thư gan, có liên quan đến cảm xúc của con người. Trong thực hành lâm sàng, người ta đã phát hiện ra rằng những cảm xúc tiêu cực thúc đẩy sự phát triển khối u.

Nói chung, nóng giận thường xuyên không nhất thiết dẫn đến ung thư, nhưng chắc chắn sẽ tổn hại đến sức khỏe. Vì vậy, nếu loại cảm xúc này xuất hiện thì bạn nên cố gắng thoát khỏi nó, và đừng để những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến bản thân.

Khi cảm xúc tồi tệ ập tới, thực sự có một số cách rất đơn giản để giúp bạn xoa dịu, bạn có thể thử:

  • Ngủ: Đừng nghĩ ngợi gì cả, cứ nằm xuống và ngủ.
  • Viết: Để cụ thể hơn, hãy viết nhật ký, viết ra những điều bạn đang nghĩ, viết nhiều lần và trút hết tâm trạng vào đó.
  • Các môn thể thao: Leo núi, thả diều, bơi lội…
  • Nói chuyện: Tán gẫu với những người bạn thân.

Các phương pháp trên thực sự là để ngăn chặn cơn giận dữ, làm suy yếu sức tàn phá của nó và không làm tổn thương bản thân.

Nếu bạn không thể tự ức chế chúng, hãy sử dụng sức mạnh của thiên nhiên, tình bạn và âm nhạc một cách khéo léo.

Cơn giận thường đến và đi nhanh chóng, miễn là bạn tránh được điều tồi tệ nhất trong vài phút, sẽ không có gì khủng khiếp tiếp theo.

Hầu hết những người dễ bị ung thư đều có 3 điểm chung

  • Thói quen xấu: Đặc biệt là nam giới, thường xuyên hút thuốc, uống rượu, chế độ ăn uống không khoa học, thức đêm, lười vận động.

Chính vì vậy mà sức đề kháng ngày càng kém, có nguy cơ xuất hiện các tế bào ung thư rất cao.

  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư: Người có quan hệ càng gần thì nguy cơ càng cao.

Trong trường hợp này, bạn càng nên chú ý đến việc kiểm tra y tế thường xuyên và giữ gìn; đồng thời xây dựng kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi khoa học.

  • Không bao giờ khám sức khỏe: Người này thường chủ quan và ít để ý đến cơ thể. Sự lơ là khiến họ dễ rơi vào nhóm nguy cơ mắc ung thư cao, vì một số bệnh ung thư xuất hiện khá âm thầm trong giai đoạn đầu.

Một số dấu hiệu bất thường (có thể là ung thư) trên cơ thể mà bạn cần để ý đến

  • Thường xuyên đau bụng, đầy bụng, buồn nôn, sụt cân nhanh chóng.
  • Có chất nhầy màu đỏ hoặc đen không xác định được trong phân, và mỗi lần đi đều có cảm giác chưa xong.
  • Các cục u không xác định xuất hiện trên cổ và nách, phát triển nhanh.
  • Da vàng, mắt trắng vàng, ban đỏ hình mạng nhện trên bề mặt da.
  • Thường sốt nhẹ, uống thuốc không có tác dụng.
  • Chảy máu miệng bất thường, vết loét không dễ lành, niêm mạc có bạch sản.

Hãy chú ý những triệu chứng trên, có lẽ tế bào ung thư đang hoạt động trong cơ thể, đừng dễ dàng bỏ qua.

Tóm lại, mặc dù không thể nói tức giận trực tiếp dẫn đến ung thư, nhưng cảm xúc có vai trò nhất định trong sự phát triển của bệnh.

Ngoài ra, những người dễ mắc bệnh ung thư đều có 3 điểm chung, ngoại trừ di truyền gen khó thay đổi, những điểm khác đều có thể khắc phục và cải thiện được; hay nói cách khác, bệnh ung thư hoàn toàn có thể phòng tránh được, điều đó phụ thuộc vào việc bạn có nhận thức được điều này hay không.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Người hay tức giận sẽ dễ mắc ung thư?