Người tóc bạc, mất ngủ theo quan điểm của y học cổ truyền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tóc bạc, mất ngủ ở người trẻ thường là do yếu tố liên quan đến rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm và căng thẳng; trong khi người lớn tuổi thường là do các bệnh liên quan đến thể chất. Vậy có cách gì để khắc phục?

Khảo sát cho thấy, có khoảng 42% người cao tuổi thường gặp vấn đề liên quan đến rối loạn giấc ngủ.

Nhìn chung, những bệnh nhân trẻ tuổi bị mất ngủ chủ yếu là do các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm hoặc căng thẳng tâm lý xã hội; trong khi người lớn tuổi thường là do mắc các bệnh về thể chất.

Nhiều bệnh nội khoa có thể gây mất ngủ, chẳng hạn như đau thắt ngực, đau khớp, đau dạ dày và các triệu chứng đau khác dễ tấn công cơ thể vào ban đêm.

Bệnh tim và bệnh hô hấp cũng có thể khiến chức năng tim phổi hoạt động kém về đêm. Nếu nồng độ oxy bão hòa trong máu không đủ và khí cacbonic tăng cao, thì bệnh nhân rất dễ bị hụt hơi và cảm thấy khó chịu khi thức dậy.

Phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới và viêm bàng quang ở nữ giới sẽ khiến bệnh nhân thức giấc giữa đêm do phải đi vệ sinh.

Các bệnh nội tiết như rối loạn chức năng tuyến giáp, các bệnh chuyển hóa như tiểu đường, bệnh Parkinson, Alzheimer và một số bệnh thần kinh khác… đều có thể kèm theo chứng mất ngủ.

Ngoài ra, tuyến tùng trong não có thể tiết ra một loại melatonin, khi đạt đến nồng độ cao có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ.

Đỉnh cao của việc sản xuất melatonin trong cơ thể là từ 1 đến 12 tuổi, và nó giảm dần sau tuổi 12. Ở tuổi 60, nồng độ melatonin vào ban đêm chỉ bằng một nửa ở tuổi 20.

Do đồng hồ sinh học của người già bị thoái hóa, nên họ rất khó để ngủ ngon về đêm.

Trong khi đó, sự kích thích của ánh sáng mặt trời vào ban ngày cũng tương đối chậm. Vì vậy, tốt nhất người lớn tuổi nên vận động và sinh hoạt nhiều hơn ở nơi có ánh sáng tốt, bởi vì ánh sáng gián tiếp kích thích quá trình tiết melatonin.

Nhưng sau khi trời tối, ánh sáng trong phòng không nên quá mạnh.

Khoảng 1/4 số người thường xuyên ngủ ngáy mắc hội chứng ngưng thở. Bệnh này có thể gây ra các di chứng về tim mạch và thần kinh. Hầu hết bệnh nhân là nam giới trên 40 tuổi, béo và cổ ngắn.

Nghiên cứu cho thấy, khi tình trạng ngưng thở xảy ra, não của bệnh nhân sẽ phát ra một loại "sóng đánh thức", cản trở giấc ngủ của họ. Do đó, bệnh nhân sẽ thường cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, ngáp và các rối loạn tâm thần khác vào ban ngày.

Tình trạng này có thể là do sự thu hẹp một phần nhất định của đường thở trên, hoặc do thoái hóa trung tâm não ngủ.

Những người gặp rắc rối như vậy, có thể thay đổi tư thế từ nằm thẳng sang nằm nghiêng (bên phải), ước tính khoảng 1/3 số người có thể cải thiện.

Còn có một loại "hội chứng chân không yên" hoặc "hội chứng hưng cảm" trong rối loạn giấc ngủ. Nó bắt nguồn từ các nguyên nhân như thiếu máu do thiếu sắt hoặc bệnh thận gây ra.

Khi các cơ được thả lỏng, các chi dễ xuất hiện cảm giác bất thường và đôi khi cảm giác như kiến bò. Lúc này, bệnh nhân phải vận động một chút để cảm thấy thoải mái hơn nên tất nhiên sẽ cản trở giấc ngủ.

Trên thực tế, người cao tuổi có thể chỉ cần ngủ 4 hoặc 5 tiếng mỗi ngày. Một số người tương đối cứng nhắc, cho rằng họ phải giống như khi còn trẻ, ngủ 7 hoặc 8 tiếng mới đủ. Nhưng nó không đem lại hiệu quả nhưng mong đợi.

Như chúng ta đã biết, giấc ngủ dài hay ngắn thì điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo được tinh thần sảng khoái và đầu óc minh mẫn.

Người cao tuổi đôi khi gặp hiện tượng ngủ gật, chẳng hạn như ngủ sau khi đọc báo, xem TV, hoặc ngủ gật khi nằm / ngồi trên ghế sofa.

Lúc này, họ có thể làm một số việc khác năng động hơn để tránh hiện tượng nói trên; ví dụ như ra ngoài đi dạo, tìm người trò chuyện, ngủ thêm nửa tiếng vào buổi trưa, và 10 giờ tối thì lên giường ngủ.

Mục đích là đưa đồng hồ sinh học trở về trạng thái bình thường, đó mới là giải pháp dài hạn.

Những người tóc bạc, mất ngủ cũng có thể dùng các bài thuốc Đông y để điều trị như Ôn Đảm Thang, Toan Táo Nhân Thang, Thiên Vương Bổ Tâm Đan, Sài Hồ Gia Long Cốt Mẫu Lệ Thang... được sử dụng theo nguyên tắc phân biệt hội chứng và điều trị.

Mặc dù chúng không đem lại hiệu quả tức thì, nhưng chỉ cần bạn kiên trì là có thể cải thiện tình trạng mất ngủ và điều chỉnh thể lực.

Tác giả bài viết: Diệp Huệ Xương (Ye Huichang), là phó giáo sư Đại học Y khoa Trung Quốc và là giám đốc Phòng khám Y học Cổ truyền Trung Hoa ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bài viết này được xuất bản với sự cho phép của tác giả.

Bảo Vy
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Người tóc bạc, mất ngủ theo quan điểm của y học cổ truyền