Nhôm: Chất độc thần kinh gây hại cho não - Cách phòng tránh ngộ độc nhôm (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn có liên tục cảm thấy bối rối, yếu đuối, thường xuyên mất trí nhớ và khả năng tập trung kém hay không? Nếu vậy, bạn có thể đang bị ngộ độc nhôm.

Nhôm là một kim loại phổ biến, không chỉ tồn tại trong các dụng cụ nấu ăn mà còn ẩn mình trong rau, nước, thịt, thậm chí cả vaccine và thuốc. Nhưng sau khi nhôm đi vào cơ thể, nó sẽ tích tụ trong các cơ quan, đặc biệt là não.

Nhôm ở khắp mọi nơi

Nhôm là nguyên tố phổ biến thứ ba trong môi trường tự nhiên, sau oxy và silic. Nó cũng là nguyên tố kim loại phổ biến nhất trong vỏ Trái đất.

Thứ kim loại này có tính phản ứng và hòa tan cao. Nó có thể được tìm thấy trong không khí, đất, nước và thực vật hấp thụ nước, kể cả các loại rau phổ biến. Do đó, nó cũng có trong cơ thể động vật ăn thực vật.

Các loại thực vật như rau bina, trà, một số loại thảo mộc và gia vị rất giàu nhôm.

Một số loài cây được hưởng lợi từ nhôm. Ví dụ, cây chè dựa vào nhôm như một chất dinh dưỡng thiết yếu để phát triển.

Vị trí mà các loài cây lưu trữ nhôm cũng ảnh hưởng đến lượng nhôm mà chúng ta tiếp xúc. Ví dụ, rau bina và chè có xu hướng lưu trữ nhôm trong lá.

Nhôm cũng phổ biến trong các sản phẩm nhân tạo. Chúng ta thường bắt gặp chúng trong các vật liệu đóng gói vì nhôm rất dễ uốn, có tác dụng dẫn nhiệt và điện. Nó còn được tìm thấy trong các dụng cụ nấu nướng như giấy nhôm và chảo.

Nhưng nhôm hòa tan dễ dàng hơn trong dung dịch axit, khi giấy bạc được nấu với các sản phẩm có tính axit như cà chua, nó có thể tăng hàm lượng nhôm trong thực phẩm.

Nhôm kích thích hệ thống miễn dịch. Nó độc hại và kích thích các tế bào miễn dịch cụ thể, tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Do đó, một số loại vaccine có chứa nhôm như một chất bổ trợ để tăng hiệu quả.

Vaccine có chứa nhôm bao gồm vaccine viêm gan A và B, vaccine chứa bạch hầu và uốn ván, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, rota, v.v.

Tùy thuộc vào phân tử nhôm, nó có thể khiến thuốc giải phóng chậm hơn hoặc thậm chí trung hòa các chất có tính axit.

Do đó, nhôm cũng được tìm thấy trong các loại dược phẩm phổ biến như aspirin, thuốc kháng axit, chất kết dính phốt phát và dịch thẩm tách.

Trong mỹ phẩm, nhôm được thêm vào kem chống nắng khoáng chất để ngăn chặn sự mất titan, giúp da chống lại ánh nắng mặt trời.

Nhôm cũng có mặt trong nhiều nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng, trong chất khử mùi như một chất chống mồ hôi, còn được thêm vào kem dưỡng da mặt và cơ thể như một chất nhũ hóa.

Nhôm phức hợp cũng được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm chế biến. Nó là chất tạo men trong muối nở và chất nhũ hóa trong nhiều loại phô mai chế biến.

Theo Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật Hoa Kỳ (the Agency for Toxic Substances and Disease Registry), một người khỏe mạnh có thể chịu được 5-10 miligam nhôm trên mỗi kg trọng lượng cơ thể.

Từ năm 2000, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thi hành quy định rằng, các loại thuốc dinh dưỡng và thuốc có chứa nhôm tiêm tĩnh mạch, bao gồm lọc máu và tiêm chủng, phải có nhãn cảnh báo nó nguy hiểm đối với những người bị suy giảm chức năng thận.

Chẳng hạn như trẻ sinh non, “nếu nồng độ nhôm của cha mẹ lớn hơn 4 đến 5 µg/kg/ngày, thì sẽ tích lũy một lượng nhôm nhất định trong cơ thể, gây độc hệ thần kinh trung ương và xương”.

Hàm lượng nhôm trong vaccine thường không vượt quá 0.85 mg/liều. Một số nghiên cứu cho thấy cơ thể có khả năng loại bỏ hầu hết nhôm. Các sản phẩm khác cũng thường có hàm lượng nhôm và khả dụng sinh học rất thấp.

Tuy nhiên, khi bạn sử dụng nhiều sản phẩm có chứa nhôm, bạn có thể tiếp xúc với nhiều hơn mức mà cơ thể có khả năng đào thải, sau đó nhôm sẽ tích tụ và xuất hiện triệu chứng.

Cơ thể chúng ta không thể sử dụng nhôm bởi kim loại này có thể can thiệp và cản trở hoạt động tự nhiên của các cơ chế bên trong.

Nhôm và bệnh Alzheimer

Năm 1965, một nghiên cứu ở Ba Lan đã đề xuất "giả thuyết nhôm".

Giả thuyết cho rằng nhôm có thể liên quan đến bệnh Alzheimer: Bệnh Alzheimer là bệnh của tuổi già. Người càng lớn tuổi và tiếp xúc với nhôm càng nhiều thì lượng nhôm tích tụ càng nhiều.

Một bộ ba nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, việc tiêm nhôm vào não chuột khiến các sợi trong tế bào thần kinh của chúng bị thoái hóa, và hình thành các cấu trúc giống như đám rối thường gặp ở bệnh nhân Alzheimer.

Một nghiên cứu khác vào năm 1973 đã thu thập các mẫu não từ những người đã chết vì bệnh Alzheimer. Nghiên cứu cho thấy những bộ não này có hàm lượng nhôm cao hơn so với những người chết vì các bệnh khác.

Tuy nhiên, các nghiên cứu lớn hơn đã đưa ra kết quả trái ngược nhau.

Một phân tích cho thấy nguy cơ mắc bệnh Alzheimer tăng 71%, có liên quan đến hàm lượng nhôm 100 microgam trên một lít nước uống, hoặc phơi nhiễm do nghề nghiệp.

Một đánh giá năm 2011 đã phân tích 13 nghiên cứu về hàm lượng nhôm cao trong nước uống và phát hiện ra rằng, 9 trong số các nghiên cứu đã chứng minh mối tương quan giữa bệnh Alzheimer và hàm lượng nhôm cao.

Tuy nhiên, một phân tích lớn khác lại cho thấy mặc dù tiếp xúc với nhôm có thể là một yếu tố rủi ro, nhưng nó ít quan trọng hơn các yếu tố khác như lười vận động, trầm cảm và tiểu đường loại 2.

Vào tháng 7 năm 1988, 20 tấn nhôm sunfat vô tình được thải vào bể chứa nước uống cung cấp cho thị trấn Camelford, Anh.

Sự kiện này đã làm tăng nồng độ nhôm trong nước uống địa phương lên hơn 500 lần và 20.000 người đã tiếp xúc với nước uống này.

Chính phủ Anh đã theo dõi nhóm này trong nhiều năm để điều tra ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm nước.

Chính phủ sau đó kết luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy vụ tai nạn Carmelford năm 1988 có ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của cả nhóm.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu được công bố vài năm sau đó đã mô tả sự suy giảm nhận thức và thần kinh ở một số người trong thị trấn.

Ví dụ, một người đàn ông 49 tuổi bắt đầu mất trí nhớ sau sáu năm kể từ vụ tai nạn. Năm năm sau, các vấn đề về trí nhớ của ông trở nên tồi tệ hơn với tình trạng rối loạn ngôn ngữ, ảo giác và co giật. Ông qua đời khi 69 tuổi.

Phân tích khám nghiệm tử thi cho thấy ông mắc một số bệnh thoái hóa thần kinh, bao gồm cả bệnh Alzheimer và nồng độ nhôm cao cũng được tìm thấy ở vùng sau của não.

(Còn tiếp)

Theo Epoch Times tiếng Trung
Bảo Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhôm: Chất độc thần kinh gây hại cho não - Cách phòng tránh ngộ độc nhôm (Phần 1)