Những cách giúp bạn tránh mua phải đồ độc hại ở siêu thị và các cửa hàng tạp hóa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Rất khó để bạn có thể nhận biết và lựa chọn được các sản phẩm tốt cho sức khỏe giữa hàng nghìn các mặt hàng nguyên liệu và sản phẩm đang được bày bán ở cửa hàng tạp hóa và siêu thị. Tuy nhiên, 10 mẹo vặt dưới đây có thể giúp bạn nhận biết chúng.

Các sản phẩm được định nghĩa SẠCH ở đây là những nguyên liệu hay thực phẩm không có (hoặc rất ít) thuốc trừ sâu, phụ gia hoặc chất bảo quản và các sản phẩm phụ đóng gói.

1. Quy tắc ngón tay cái: Mua từ rìa

Hầu hết các cửa hàng đều xếp các kệ sản phẩm theo cách đơn giản nhất: Thịt, bánh trái, bơ sữa... Còn ở giữa các lối đi thông thường sẽ bày các loại thực phẩm đã qua chế biến, những thực phẩm có chất phụ gia và chất bảo quản mà bạn nên tránh.

Giờ bạn hãy lưu ý quy tắc này. Ví dụ: Ở tiệm bánh thường có các mặt hàng như bánh ngọt và bánh quy không có lợi cho sức khỏe. Tương tự, khu vực xếp các mặt hàng sản phẩm sữa cũng vậy, gồm những chất không tốt cho sức khỏe như các loại kem ngọt và hương vị nhân tạo. Nếu tinh ý, bạn có thể tìm được những sản phẩm lành mạnh nhất thường bày ở rìa cửa hàng, siêu thị.

2. Mua hàng nội địa hoặc của địa phương

Khi lựa chọn sản phẩm, đầu tiên bạn hãy mua đồ nội địa hoặc của địa phương, từ chợ nông sản hay từ tiệm bánh mì địa phương cho đến những nguyên liệu địa phương do cửa hàng tạp hóa cung cấp cho bạn.

Mua đồ địa phương, bạn cũng tránh một lượng khí thải carbon không cần thiết. Hàng nhập khẩu làm gia tăng tiêu thụ nhiên liệu, cũng như làm tăng nguy cơ ô nhiễm không khí khi chúng được vận chuyển từ nước ngoài bằng đường không, đường thủy hoặc vận chuyển trên khắp đất nước bằng xe bán tải. Sản phẩm địa phương thường tươi hơn, sạch hơn và ít chất thải hơn khi đến tay chúng ta.

3. Mua thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ

Bạn nên mua thực phẩm hữu cơ vì các sản phẩm này thường không có thuốc trừ sâu, phân bón hóa học.... Đặc biệt chú ý đến 12 loại thực phẩm gọi là “thực phẩm dơ”, chúng chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật nhất, gồm: Dâu tây, rau bina, cải xoăn, quả xuân đào, táo, nho, đào, anh đào, lê, cà chua, cần tây và khoai tây.

4. Cân nhắc khi mua thức ăn đông lạnh

Nhiều công ty vẫn gợi ý bạn cũng có thể tìm thấy nhiều thực phẩm bổ dưỡng được đông lạnh. Nếu thực phẩm tươi trông có vẻ không tươi, bạn hãy chọn trái cây và rau quả đông lạnh vì chúng được đông lạnh ngay sau khi hái nên thường tươi hơn những sản phẩm có vẻ tươi. Điều này còn tùy thuộc vào nơi bạn sinh sống.

5. Mua thực phẩm nguyên hạt

Ăn sạch là ăn đơn giản. Chọn những sản phẩm ở rìa cửa hàng, siêu thị sẽ giúp bạn mua được nhiều loại thực phẩm chưa qua chế biến. Nhưng các lối đi dọc hai bên cũng có những sản phẩm tốt cho sức khỏe như: Bột, các loại hạt, trái cây khô, đậu và gạo đều là những những thực phẩm nguyên hạt.

Bạn hãy kiểm tra danh sách thành phần. Nguyên liệu càng đơn giản càng tốt. Nếu bạn khó có thể đọc được các thành phần ghi trên sản phẩm, hãy chọn thứ có ít nguyên liệu có hại hơn.

Ngoài ra còn có một số mẹo khác:

6. Mua những thứ cần mua

Các nghiên cứu đã chỉ ra, nếu bạn có sẵn danh sách các mặt hàng cần mua sẽ làm giảm việc mua hàng bốc đồng như kẹo, bánh và khoai tây chiên, những thứ thường hấp dẫn người mua hàng.

7. Sử dụng túi tái sử dụng

Túi đựng các mặt hàng thực phẩm bạn mua đem về nhà cũng rất quan trọng. Túi nilon sử dụng một lần không bền, khi xả ra môi trường có nguy cơ làm tắc nghẽn cống rãnh.

Nhiều quốc gia châu Âu và một số tiểu bang tại Mỹ đã cấm sử dụng túi nilon. Vì vậy bạn hãy mang theo túi đựng đồ từ nhà (ngay cả khi nơi bạn ở không có lệnh cấm) và đó là một cách giúp giảm thiểu chất thải không cần thiết.

8. Mua sắm trực tuyến

Đây là cách mua hàng phổ biến khi đại dịch COVID-19 kéo dài. Bạn có thể làm theo các bước tương tự khi mua sắm trực tiếp. Các sản phẩm phải được dán nhãn rõ ràng và nhiều cửa hàng thậm chí còn có bộ lọc cho phép bạn thu hẹp phạm vi tìm kiếm của mình chỉ với những sản phẩm hữu cơ.

9. Giảm tiêu thụ đồ hộp

Nhiều thực phẩm đóng hộp không ghi nhiều thành phần, đặc biệt là trái cây và rau quả. Tuy nhiên, chúng lại chứa một chất phụ có hại từ bao bì- BPA, một chất nhựa phụ gia, có thể kích thích nội tiết tố và phá hủy quá trình chuyển hóa trong cơ thể của chúng ta.

10. Nếu có thể hãy mua sỉ

Mua số lượng lớn thường giúp bạn tiết kiệm tiền hơn và giảm lãng phí bao bì. Hãy cân nhắc về những thứ bạn mua với số lượng lớn, và chắc chắn rằng món đồ đó bạn thường xuyên dùng nhiều và không bị quá hạn sử dụng.

Ăn uống đơn giản và sạch sẽ: Thực phẩm chúng ta ăn là một chỉ số ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của chúng ta. Ăn uống sạch sẽ và đơn giản rất có lợi cho sức khỏe vì giúp cơ thể hạn chế tối thiểu nguy cơ tiếp xúc chất ô nhiễm độc hại. Bạn cũng nên linh hoạt, đôi khi có thể lựa chọn thực phẩm không hữu cơ hoặc đông lạnh, và chọn những món đồ phù hợp với ngân sách của bạn nữa.

Thiện Đức

Theo ET tiếng Anh

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Những cách giúp bạn tránh mua phải đồ độc hại ở siêu thị và các cửa hàng tạp hóa