Những lợi ích sức khỏe vượt trội của Miso Nhật Bản bạn nên biết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong quá trình tìm hiểu các bí kíp để giữ gìn sức khỏe, chúng ta không nên bỏ qua những kinh nghiệm do các bậc tiền bối từ xa xưa truyền lại. Các nền văn hóa khác nhau có những bí quyết độc đáo để tăng cường sức khỏe. Chúng thường bị bỏ qua và phần lớn đã dần mai một đi theo thời gian - trong số đó phải kể đến những lợi ích cho sức khỏe của miso Nhật Bản.

Miso có chứa probiotics, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, và nghiên cứu hiện nay thậm chí đã cho thấy nó còn có tác dụng chống lại tác động của bức xạ.

Sup Miso. (Ảnh: pixabay.com)

Miso là một món súp hàng ngày ở Nhật Bản. Miso có chứa một loại probiotic hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường hệ thống miễn dịch. Công bằng mà nói là miso tốt cho sức khỏe tổng thể của chúng ta.

Chống lại các hiệu ứng bức xạ có hại

Ngoài những lợi ích nêu trên, miso còn có một lợi ích sức khỏe khác mà hầu hết mọi người chưa biết - đó là khả năng hỗ trợ cơ thể chống lại tác hại của bức xạ.

Điều này được phát hiện như thế nào? Quay trở lại thời điểm Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống Nagasaki trong Thế chiến thứ hai. Lúc đó có một bác sĩ tên là Tatsuichiro Akizuki, làm việc tại một bệnh viện cách nơi xảy ra vụ nổ chưa đầy một dặm và đang giúp đỡ những người bị nhiễm phóng xạ hạt nhân. Bác sĩ Akizuki thấy bệnh viện tích trữ rất nhiều miso, nước tương, gạo lứt và rong biển nên đã nấu súp cho các đồng nghiệp của mình, và đáng ngạc nhiên là không ai trong số họ có vẻ bị nhiễm phóng xạ.

Bác sĩ Akizuki đã viết về những trải nghiệm đó trong cuốn sách “Vụ ném bom hạt nhân ở Nagasaki”, cuốn sách sau đó đã được dịch sang tiếng Anh.

Trong thảm họa Chernobyl ở Ukraine vào ngày 26/4/1986, nhiều người châu Âu đã tiêu thụ súp miso như một biện pháp phòng ngừa các bệnh phóng xạ, và xuất khẩu miso từ Nhật Bản tăng đều đặn.

Thảm họa Chernobyl ở Ukraine vào ngày 26/4/1986. (Ảnh: pixabay.com)

Được truyền cảm hứng từ điều mà bác sĩ Akizuki phát hiện ra, Tiến sĩ Atsumitsu Watanabe, một nhà nghiên cứu khoa học y tế tại Viện Sinh học và Y học phóng xạ, Đại học Hiroshima, đã công bố một nghiên cứu thử nghiệm trên “Tạp chí Bệnh học Độc tố” vào năm 2013, chứng minh hiệu quả của miso như một biện pháp phòng ngừa chống lại bức xạ có hại.

Trong thí nghiệm, ba nhóm chuột được cho ăn miso, muối mỏ ở cùng nồng độ muối với miso, và cho ăn thường xuyên trong một tuần trước khi bị nhiễm phóng xạ.

Người ta nhận thấy rằng số lượng các đoạn ruột mới ở những con chuột có chế độ ăn miso tăng lên đáng kể sau khi tiếp xúc với bức xạ, vì vậy người ta kết luận rằng miso giúp bảo vệ khỏi tác hại của bức xạ. Hiện tượng tương tự không xảy ra ở hai nhóm chuột được cho ăn muối và thức ăn thông thường, có nghĩa là không có biện pháp bảo vệ chống lại bức xạ.

Lên men miso

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng thời gian lên men của miso cũng đóng một vai trò quan trọng. Nghiên cứu chỉ ra rằng thời gian lên men càng dài, tác dụng bảo vệ chống lại bức xạ càng lớn.

Cần phải lên men ít nhất 180 ngày và mọi người cần dùng miso trước khi tiếp xúc với bức xạ, chẳng hạn như trước khi đến bệnh viện để chụp X-quang hoặc chụp CT, nhằm giúp giảm tác hại của bức xạ.

Tuy nhiên, mức độ tiếp xúc với bức xạ cũng ảnh hưởng đến tác dụng của miso. Ngoài ra, trong các thí nghiệm khác, Tiến sĩ Watanabe đã phát hiện ra rằng miso cũng có thể giúp ngăn ngừa ung thư dạ dày, ung thư ruột kết, ung thư gan, ung thư vú…

Một số nghiên cứu cho rằng miso có chứa một loại alkaloid gọi là axit dipicolinic, giúp giải độc cơ thể và tạo điều kiện loại bỏ các kim loại nặng ra khỏi cơ thể. (Ảnh: pixabay.com)

Vậy tại sao miso lại có thể bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi bức xạ? Một số nghiên cứu cho rằng miso có chứa một loại alkaloid gọi là axit dipicolinic, giúp giải độc cơ thể và tạo điều kiện loại bỏ các kim loại nặng ra khỏi cơ thể.

Nâng cao mức serotonin

Miso chứa các axit amin và vitamin thiết yếu có thể tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa và thúc đẩy sự tiết serotonin, còn được gọi là “hormone hạnh phúc”.

Khoảng 90% số serotonin của cơ thể được tìm thấy trong tế bào sắc tố của đường tiêu hóa và được sử dụng để điều chỉnh nhu động đường tiêu hóa.

Phần còn lại của serotonin được tìm thấy trong hệ thống thần kinh trung ương và có thể được tạo ra bởi các tế bào thần kinh, có các chức năng như điều chỉnh tâm trạng, sự thèm ăn và giấc ngủ. Serotonin cũng ảnh hưởng đến một số chức năng nhận thức của chúng ta, bao gồm cả trí nhớ và học tập.

Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh trong não có liên quan đến sự tập trung, tâm trạng và sự cân bằng tự chủ của chúng ta. Nếu mức serotonin quá thấp sẽ dẫn đến nguy cơ mất trí nhớ, trầm cảm, mất ngủ, đau đầu và khó tập trung.

Miso có thể nâng cao mức serotonin trong cơ thể chúng ta, nghĩa là nó có thể ngăn ngừa và cải thiện các triệu chứng như trên. Miso cũng rất giàu axit amin giúp bảo vệ da, tóc, các cơ quan, cơ bắp, xương, máu và về cơ bản là toàn bộ cơ thể của chúng ta.

Nguồn gốc của Miso

Miso có nguồn gốc từ Trung Quốc và lần đầu tiên du nhập vào Nhật Bản cách đây hơn 1.200 năm vào thời nhà Đường (618–907 sau Công Nguyên) ở Trung Quốc.

Miso đỏ. (Ảnh:pixabay.com)

Các nhà sư và học giả đã du hành đến Nhật Bản vào thời điểm đó. Mang theo miso đến cho các quý tộc, hoàng gia Nhật Bản và các ngôi đền. Khi đó, miso ở trạng thái khô, giống như đá.

Khi dùng, các nhà sư nghiền nhỏ và thêm nước vào để biến miso thành một loại nước sốt gia vị. Dần dần, trong thời kỳ Edo dưới thời Mạc phủ Tokugawa từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, các samurai đã hình thành thói quen dùng súp miso tại nhà.

Trong thời kỳ Sengoku của Nhật Bản khoảng 500 năm trước, súp miso là một nguồn dinh dưỡng quan trọng cho binh lính và nó được đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, mãi đến sau này, người dân thời kỳ Edo mới biết đến miso khi cuốn “Honcho Shokkan”, hay bách khoa toàn thư của Nhật Bản về thuốc thảo dược truyền thống, phổ biến kiến ​​thức về các đặc tính dược liệu và phương pháp nấu ăn của miso trong các gia đình Nhật Bản. Cuốn sách này cũng phổ biến niềm tin truyền thống rằng "thực phẩm và thuốc có cùng nguồn gốc".

Ngoài ra, người dân thời kỳ Edo bắt đầu học cách ăn uống vì sức khỏe, từ đó họ cho ra đời rất nhiều công thức nấu ăn để tốt cho sức khỏe và sắc đẹp.

“Honcho Shokkan” viết rằng đậu nành lên men trong miso là loại thuốc đầu tiên trong số tất cả các loại thuốc, vì nó có thể điều hòa máu, làm dịu dạ dày và ruột. Nó cũng giúp giải độc cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa và phục hồi sức sống.

Cách làm Miso

Các thành phần được sử dụng để làm miso là đậu nành, gạo, lúa mì, gạo lứt, lúa mạch hoặc đậu xanh. Theo truyền thống, đậu nành được luộc và xát ra trước khi thêm muối mỏ, sau khi xát kỹ thì cho thêm gạo hoặc lúa mì monascus. Cuối cùng, miso được để trong thùng gỗ để đóng kín và lên men.

Ủ Miso truyền thống ở Nhật Bản. (Ảnh: pixabay.com)

Thời gian lên men thay đổi từ vài tháng đến vài năm. Sau khi miso được lên men đúng cách, một lớp bột đậu đen mốc sẽ được loại bỏ trên bề mặt để đạt được độ thơm và đặc.

Hơn nữa, các sản phẩm đậu tương lên men bao gồm miso, natto, tempeh và tamari, là loại nước tương dễ tiêu hóa được tạo ra trong quá trình sản xuất miso.

Lời khuyên khi thưởng thức súp Miso

Thêm miso vào chế độ ăn uống hàng ngày thực sự tốt cho sức khỏe của chúng ta. Nên chọn miso hữu cơ, chất lượng cao, và nếu trên hộp có ghi “Made in Japan” thì đó thường là loại đảm bảo về chất lượng. Có hai loại miso chính, một loại có màu đỏ sẫm với vị mặn và đậm hơn. Loại còn lại có màu trắng, hoặc vàng nhạt, vị nhạt hơn và hơi ngọt.

Điều quan trọng nhất cần nhớ là miso chứa rất nhiều thành phần lợi khuẩn, và men vi sinh rất nhạy cảm với nhiệt độ cao. Vì vậy, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng bạn không đun miso quá 49°C, và quá 70°C có thể phá hủy hoàn toàn giá trị dinh dưỡng của nó.

Bạn nên trộn miso vào nước tạo thành nước sốt, sau đó thêm nước sốt này vào món canh rau hoặc canh rong biển nóng. Để lắng súp trong vòng 10 phút là có thể dùng được.

Món canh miso trắng bổ dưỡng nấu cùng với cá giàu Omega3 tốt cho tim mạch. (Ảnh: pixabay.com)

Chỉ cần một lượng vừa đủ để món súp có mùi thơm nhẹ. Một cách trị liệu bằng miso là không dùng muối.

Ở các nhà hàng Nhật Bản cao cấp, súp miso thường được phục vụ trong bát có nắp đậy, để giữ hương vị, màu sắc và mùi thơm của miso.

Ngoài việc chế biến súp, miso cũng có thể được dùng làm nước sốt salad. Một cách trộn salad miso rất đơn giản đó là dùng một thìa súp miso, một thìa cà phê giấm táo và lượng nước vừa đủ để làm loãng miso. Sau đó thêm chút quả bơ hoặc quả sung tươi. Có thể điều chỉnh độ mặn bằng cách thêm một ít bột ngọt. Giấm táo thực sự sẽ làm tăng độ mặn của miso, ngoài độ chua. Độ mặn ngọt sẽ được tùy chỉnh theo sở thích của từng người. Ngoài ra, hãy nhớ thêm dầu ô liu nếu nước sốt salad trộn rau, giống như cách bạn làm với nước sốt salad thông thường.

Hải Quỳnh

(Theo The Epoch Times tiếng Anh)



BÀI CHỌN LỌC

Những lợi ích sức khỏe vượt trội của Miso Nhật Bản bạn nên biết