Những thói quen tốt giúp tăng cường hệ miễn dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học từ lâu đã phát hiện vai trò quan trọng của hệ miễn dịch đối với sức khỏe người. Hệ miễn dịch có thể giúp cơ thể tự chữa lành vết thương, đồng thời chống lại tác nhân gây bệnh. Thế nhưng làm thế nào để chúng ta có thể gìn giữ và tăng cường hệ miễn dịch của mình?...

Chúng ta thường cảm thấy xui xẻo khi mắc phải một căn bệnh nào đấy. Những triệu chứng như đau họng, chảy mũi, đau đầu, ho khan... làm chúng ta thật khổ sở, và tình trạng này có thể kéo dài một tuần hoặc lâu hơn, buộc chúng ta phải nghỉ ngơi hoặc sử dụng biện pháp nào đó để mau chóng khỏi bệnh nếu có thể.

Tuy vậy, bị nhiễm khuẩn không phải là ngẫu nhiên, mà là do mầm bệnh từ vi khuẩn. Chúng ta phải chấp nhận một thực tế không mấy vui vẻ là: Hàng ngày, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với vô số tác nhân gây bệnh - chẳng hạn như virus cúm và virus gây bệnh đường hô hấp có trong không khí chúng ta đang hít thở hay có trên các bề mặt mà chúng ta thường xuyên chạm vào. Nhưng tại sao một số người dường như không bị ảnh hưởng, trong khi những người khác thường xuyên bị nhiễm bệnh?

Ngày nay, khoa học đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh cúm là do virus. Nhiều năm qua, tiêm vaccine được coi là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh cúm. Tuy nhiên, vaccine chỉ nhắm vào một số chủng virus cúm nhất định, nó không thể bảo vệ bạn trước tất cả siêu vi. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC):Không có loại vaccine nào có thể bảo vệ bạn trước các bệnh cảm lạnh thông thường”.

May thay, có những thói quen thật đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả giúp chúng ta tăng cường khả năng chống lại bất kỳ tác nhân gây bệnh nào.

Vệ sinh cơ bản

Cách hiệu quả và cơ bản nhất mà chúng ta có thể làm để tránh mắc bệnh là giảm khả năng phơi nhiễm với mầm bệnh. Thật đơn giản, chỉ cần bạn chú ý bảo vệ mình trong môi trường nhiễm khuẩn và cố gắng giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Bác sĩ y học chức năng, tiến sĩ Lisa Ona Ballehr đưa ra lời khuyên: “Hãy hạn chế tối đa việc lui tới những nơi công cộng, che miệng khi ho và hắt hơi, rửa tay thường xuyên và tránh chạm vào những đồ vật thường dùng ở nơi công cộng như điện thoại, bàn tính và bàn phím máy tính. Nên tránh chạm vào mặt khi chưa rửa tay”.

Trong đó, thói quen rửa tay là quan trọng nhất, đặc biệt phải rửa tay đúng cách và đủ thời gian. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), rửa tay được gọi là đúng cách khi chúng ta thực hiện đủ 5 bước (làm ướt tay, thoa xà bông, chà tay, rửa tay và lau khô) và đủ thời gian là ít nhất 20 giây. Hãy dạy cho trẻ em thói quen rửa tay, giúp chúng hiểu được tầm quan trọng của việc rửa tay.

Trẻ em rửa tay bằng xà phòng ở thành phố Pfungstadt phía tây nước Đức vào ngày 8 tháng 8 năm 2009. Nên rửa tay để hạn chế sự lây lan của bệnh cúm H1N1 2009.(Ảnh: THOMAS LOHNES / DDP / AFP qua Getty Images)

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Hệ miễn dịch chính là lá chắn tự nhiên ngăn virus xâm nhập vào cơ thể khi chúng trốn thoát khỏi các biện pháp vệ sinh cơ bản. Lá chắn này chỉ mạnh mẽ khi được bồi bổ bằng những vật liệu vững chắc - thức ăn.

Theo chuyên gia hóa học và dinh dưỡng Paul Jenkins, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả của các phản ứng miễn dịch hệ thống. “Suy dinh dưỡng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra suy giảm miễn dịch”, Paul Jenkins khẳng định.

Vị chuyên gia này cho biết, những chất dinh dưỡng góp phần tăng cường miễn dịch gọi là vi chất. Đây là những chất chúng ta chỉ cần một lượng nhỏ để duy trì và giúp các hệ thống cơ thể hoạt động tốt, như các vitamin: A, C, D, E, B-6, axit folic và các khoáng chất như đồng, sắt, selen và kẽm… Chúng ta có thể tìm thấy một lượng dồi dào những vi chất này trong nhiều loại trái cây và rau quả.

Pháp đứng đầu thế giới về lương thực bền vững (Ảnh minh họa: Pixabay)

Ngoài ra, cơ thể chúng ta còn cần một thành phần dinh dưỡng không thể thiếu là protein. Mặc dù protein không tham gia trực tiếp vào quá trình phản ứng miễn dịch, nhưng thiếu protein sẽ dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch.

Chuyên gia dinh dưỡng Alicia Galvin cho hay, protein rất quan trọng cho hệ miễn dịch vì chúng góp phần tạo ra các kháng thể - là loại protein do các tế bào lympho sản xuất ra. Ăn thực phẩm giàu protein giúp tạo ra các kháng thể cần thiết để chống lại nhiễm trùng.

Chuyên gia Galvin giải thích thêm về cơ chế hoạt động của kháng thể: “Khi cơ thể phát hiện một tác nhân lạ xâm nhập, các kháng thể sẽ gắn lên tác nhân đó. Sự gắn kết này báo hiệu cho các tế bào miễn dịch đến, nuốt và loại bỏ tác nhân lạ khỏi cơ thể”.

Việc lựa chọn loại thực phẩm rất quan trọng đối với hệ miễn dịch. Nếu chúng ta lựa chọn đúng thì có thể giúp tăng cường miễn dịch, đôi khi hiệu quả thu được còn vượt xa việc dùng vitamin C. Ngược lại, nếu chúng ta lựa chọn thực phẩm không phù hợp thì hệ miễn dịch có thể bị suy yếu.

Theo lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng Lisa Richards, để giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh bạn nên chọn loại thực phẩm ít đường và có khả năng chống viêm như trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc, trong đó rau củ ưu tiên chọn loại nhiều màu sắc, giàu chất chống oxy hóa như bông cải xanh, nghệ, ớt chuông đỏ, tỏi và rau chân vịt. Còn những thực phẩm bạn nên tránh là thức ăn nhiều carbohydrate tinh chế, đường và thực phẩm chế biến sẵn.

Cô Richards cũng chia sẻ một trong những thực đơn yêu thích của cô giúp tăng sức đề kháng cơ thể là súp gà và nước dùng gà. Đây được coi là một phương thuốc cổ truyền trị cảm lạnh và cúm hữu hiệu trong nhiều thế kỷ. Hiệu quả của bài thuốc này chủ yếu nhờ chất cysteine ​​có trong thịt gà. Cysteine ​​là một axit amin có tác dụng giảm ho có đờm do giảm lượng chất nhầy trong phổi, đồng thời nó còn có tác dụng kháng virus và chống viêm.

Bên cạnh thức ăn, trà thảo mộc nóng cũng là một phương thức giúp tăng cường hệ miễn dịch, và giúp phản ứng hydrat hóa tốt hơn. Ngoài ra, chất polyphenol trong trà giúp cơ thể chống lại các chất oxy hóa, ngăn ngừa virus xâm nhập và làm giảm phản ứng viêm.

Từ xa xưa, gừng là một loại gia vị thường được nhắc đến để tăng cường miễn dịch. Trong các y văn bằng tiếng Phạn cổ, hay các y văn Trung Quốc, Hy Lạp, La Mã và Ả Rập cổ đại đều có ghi lại công dụng tuyệt vời của loại gia vị này. Theo y học cổ truyền, gừng thường dùng để làm dịu các triệu chứng cảm cúm, do tác dụng làm dịu họng, giúp dễ khạc đờm.

Ngày nay, gừng thường được sử dụng để làm giảm triệu chứng buồn nôn. Chỉ có rất ít nghiên cứu từ Nhật Bản và Ấn Độ cho thấy gừng còn có tác dụng hỗ trợ miễn dịch, thông qua kích thích các chất đánh dấu miễn dịch và ức chế sự nhân lên của virus. Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh chỉ ra chiết xuất gừng có thể giúp ức chế virus gây bệnh cảm lạnh thông thường.

Tập thể dục

Thông thường người ta tập thể dục để giữ gìn vóc dáng. Nhưng nếu chúng ta biết cách luyện tập điều độ và khoa học thì đây chính là biện pháp tốt để tăng cường sức mạnh, độ dẻo dai của cơ thể, giúp phòng chống lại bệnh tật và tăng cường hệ thống miễn dịch. Đây cũng là quan điểm của bác sĩ gia đình Sashini Seeni tại DoctorOnCall.

Tiến sĩ Seeni cho biết: “Người ta đưa ra giả thuyết rằng tập thể dục có thể giúp tăng tốc độ lưu thông kháng thể và tế bào bạch cầu (là các tế bào bảo vệ cơ thể) nên khi tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể có thể bị tiêu diệt nhanh hơn”. Khi chúng ta tập thể dục, não sẽ phóng thích ra endorphin, một hormon giúp chúng ta vui vẻ, hạnh phúc và giảm stress - một trong những yếu tố nguy cơ chính làm người ta dễ mắc bệnh.

Để đạt được mục tiêu lớn là thành công của con trẻ, trước tiên bạn có thể đặt ra những mục tiêu nhỏ, ví dụ, hãy để trẻ phát triển những thói quen tốt.
Để đạt được mục tiêu lớn là thành công của con trẻ, trước tiên bạn có thể đặt ra những mục tiêu nhỏ, ví dụ, hãy để trẻ phát triển những thói quen tốt. (Ảnh: Pexels)

Nhưng tập thể dục chỉ đạt hiệu quả tốt nếu bạn tập đúng cách. Bạn nên tập thường xuyên, điều độ, không nên quá gắng sức. Hãy lắng nghe cơ thể mình để có chế độ tập luyện phù hợp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các vận động viên tập luyện quá sức có thể mắc bệnh thường xuyên hơn, do hiệu ứng ức chế miễn dịch. Ví dụ, một kháng thể trong nước bọt của người là immunoglobulin A (sIgA), đây là hàng phòng thủ đầu tiên chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Tuy nhiên, chế độ luyện tập nặng có thể làm giảm bài tiết sIgA, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc

Trong cuộc sống hằng ngày tất bật, nghỉ ngơi dường như là một sự xa xỉ với nhiều người. Tuy nhiên, nếu thường xuyên ngủ không đủ giấc sẽ khiến chúng ta khó đảm bảo hiệu suất làm việc.

Gail Trauco, y tá chuyên ngành ung thư và là người bảo vệ quyền lợi bệnh nhân, cho biết, thiếu ngủ có thể khiến cơ thể sản xuất ra nhiều hoóc môn gây stress và kích hoạt phản ứng viêm, dẫn đến dễ làm tổn thương hệ miễn dịch.

Traco nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ dễ bị cảm hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng khác khi ngủ không đủ giấc. Hãy tăng cường hệ miễn dịch bằng cách ngủ bảy đến chín giờ mỗi đêm đối với người trưởng thành. Đây là chìa khóa quan trọng giúp có được sức khỏe tốt”.

Một mô hình giấc ngủ bị phá vỡ có thể phá hủy khả năng não bộ nghỉ ngơi, gây tổn hại cho cả tâm trí và cơ thể... (Shutterstock)

Theo huấn luyện viên dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe Lynell Ross, ngủ là nhu cầu thiết yếu của mỗi người, nhưng một số người lại không nhận thức được vai trò của giấc ngủ cho đến khi cơ thể suy kiệt. Và khi chúng ta bị bệnh, thì nhu cầu này lại càng tăng lên. Nhưng nhiều người vẫn không hiểu điều ấy và họ cũng chẳng muốn nghỉ ngơi. Kết quả là, họ mất nhiều thời gian hơn để hồi phục, và còn tăng nguy cơ lây bệnh cho nhiều người.

Huấn luyện viên Ross cho rằng: “Chúng ta đang sống trong một môi trường năng động không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, thật không công bằng cho các đồng nghiệp hoặc những người xung quanh bạn nếu bạn ho, hắt hơi làm họ bị nhiễm bệnh. Hãy thay đổi quan niệm về bận rộn và cố gắng làm việc khi bị bệnh, bạn nên nghỉ ngơi cho đến khi hết bệnh. Chúng ta không có gì đáng tự hào khi làm việc trong lúc bị ốm để rồi lây bệnh cho đồng nghiệp”.

Suy nghĩ tích cực

Nhiễm trùng không phải do bạn xui xẻo, mà do thói quen không tốt bạn duy trì trong thời gian dài trước đó khiến hệ miễn dịch của bạn bị suy giảm.

Theo chuyên gia châm cứu Jamie Bacharach, lối sống không lành mạnh có thể khiến cơ thể bạn bị suy kiệt.

Ví dụ: để hồi phục sức khỏe sau một trận rượu say, chúng ta cần rất nhiều năng lượng. Năng lượng này chủ yếu lấy từ cơ thể. Điều này có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Tương tự như vậy, chất lượng giấc ngủ càng kém, đòi hỏi cơ thể phải gắng sức nhiều hơn để giúp chúng ta duy trì năng suất làm việc suốt cả ngày. Quá trình này tiêu hao không ít năng lượng cung cấp cho hệ thống miễn dịch.

Trong bài viết trên một tạp chí xuất bản năm 2018 mang tên “The role of psychological well-being in boosting immune response: an optimal effort for tackling infection” (tạm dịch “Đánh giá mối liên quan giữa tinh thần con người và đáp ứng miễn dịch”), chuyên gia Bacharach cho rằng, nếu con người có trạng thái tinh thần tồi tệ thì sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Thông qua các chỉ số miễn dịch trong nước bọt, máu và huyết tương, nghiên cứu của Bacharach cho thấy các chỉ số này ở những người có tâm trạng tốt cao hơn so với người có tâm trạng xấu. Từ đó chứng minh tinh thần ảnh hưởng lên hệ miễn dịch.

Bacharach khuyên mọi người: “Hãy giữ một tâm trí khỏe mạnh cho một cơ thể khỏe mạnh hơn”. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nhận ra điều này.

Thiện Đức
- Theo The Epoch Times.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Những thói quen tốt giúp tăng cường hệ miễn dịch