Những triệu chứng dễ bị nhầm lẫn thành bệnh khác nhất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhìn chung các bệnh liên quan rất dễ nhầm lẫn, nếu nhầm bệnh lành tính với bệnh ác tính thì điều trị quá mức sẽ làm tăng gánh nặng tâm lý cho người bệnh và lãng phí nguồn lực y tế.

Ngược lại, nếu coi bệnh ác tính là bệnh lành tính thì cơ hội điều trị tốt nhất sẽ bị bỏ qua và bệnh sẽ khó điều trị. Đặc biệt, những căn bệnh dưới đây thường bị nhầm lẫn và cần nhận biết sớm.

Những bệnh nào dễ nhầm lẫn với nhau?

1. U hắc tố và nốt ruồi

Các nốt ruồi thông thường có đặc điểm là đối xứng, các cạnh nhẵn và phân cách rõ ràng với vùng da xung quanh. Chúng có màu nâu hoặc đen và đường kính dưới 5mm.

Trái lại, ung thư hắc tố có đặc điểm không đối xứng; rìa không đều với những thay đổi lởm chởm, bề mặt thô ráp, đôi khi rỉ nước hoặc chảy máu, loét… Chúng có màu sẫm hoặc nhiều màu, đường kính hơn 5 mm.

2. Ung thư tuyến tiền liệt và tăng sản lành tính tuyến tiền liệt

Tăng sản tuyến tiền liệt phát triển chậm và các đặc điểm của nó là điển hình, chủ yếu bao gồm tăng tần suất tiểu tiện, tiểu gấp và khó tiểu, đôi khi kèm theo tiểu máu, nhưng chúng thường thuyên giảm sau khi uống thuốc.

Ung thư tuyến tiền liệt tiến triển nhanh, khối u lớn dần có thể gây tắc cổ bàng quang và niệu đạo, biểu hiện chủ yếu là tiểu khó, tiểu gấp và xảy ra thường xuyên, đau vùng tầng sinh môn, tiểu ra máu mà không thể cải thiện được kể cả dùng thuốc.

3. Bệnh trĩ và ung thư ruột

Trĩ là bệnh hậu môn trực tràng có tỷ lệ mắc cao, ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc.

Trong phân có máu là triệu chứng điển hình của bệnh trĩ. Do hậu môn có thể bị trầy rách khi đại tiện, nên máu thường chảy ra kèm với phân, đôi khi có hiện tượng phun máu, nhưng không trộn lẫn với phân, không có thay đổi trong thói quen đi tiêu.

Ung thư ruột thường gặp ở người trung niên và cao tuổi.

Triệu chứng thông thường là máu lẫn trong phân, đôi khi lẫn với chất nhầy và mủ; thói quen đại tiện thay đổi, đôi khi táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ, phân loãng và dẹt; có máu hoặc chất nhầy trên băng quấn ngón tay của bác sĩ trong quá trình khám trực tràng.

4. Viêm họng và ung thư thực quản

Viêm họng hạt dễ có cảm giác dị vật trong họng, biểu hiện rõ hơn ở trạng thái yên tĩnh, thuyên giảm hoặc biến mất khi ăn, nhưng ăn xong thì chúng nhanh chóng xuất hiện trở lại, niêm mạc họng thường bị khô và ngứa, có một cảm giác nóng rát rõ rệt, đôi khi ho dai dẳng.

Ung thư thực quản được đặc trưng bởi cảm giác dị vật rõ rệt khi nuốt, kèm theo đau và rát, khô họng, chèn ép sau thành họng và ợ hơi.

5. Chứng mất trí nhớ và chứng đãng trí tuổi già

Đãng trí tuổi già có đặc điểm là quên nhiều thứ, nhưng đột nhiên nhớ lại những gì đã quên; nhận thức rõ ràng về thời gian, địa điểm, con người và môi trường xung quanh; đôi khi ghi sai ngày tháng và quên những gì vừa nói, nhưng vẫn có thể tự chăm sóc bản thân; mất trí nhớ tiến triển từ từ.

Bệnh nhân Alzheimer khó nhớ những gì đã xảy ra trong quá khứ, ngay cả khi được nhắc nhở; họ luôn lạc lối khi ra ngoài, không phân biệt được đông, tây, nam, bắc và không biết đó là năm nào; họ không thể tự chăm sóc bản thân, họ dường như trở nên thờ ơ và tê liệt; phản ứng của họ dần chậm chạp.

Khi có biểu hiện bất thường trong cơ thể, bạn không nên tùy tiện đánh giá chủ quan mức độ nặng nhẹ của bệnh qua các triệu chứng bên ngoài.

Nếu không thể xác định được đó là bệnh gì thì phương pháp đúng là đến bệnh viện để thăm khám, kiểm tra cẩn thận. Đây là cách duy nhất để biết được chính xác tình trạng sức khỏe dựa trên những triệu chứng cụ thể.

Dù ở lứa tuổi nào, điều quan trọng là bạn nên trau dồi lối sống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng, giữ thái độ bình tĩnh, lạc quan, tập thể dục nhiều hơn và ngủ đủ giấc... Đồng thời, bạn cũng cần đến bệnh viện khám định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường của sức khỏe nói chung.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Những triệu chứng dễ bị nhầm lẫn thành bệnh khác nhất