Nồi nhôm có hại cho sức khỏe như thế nào? Những lưu ý khi sử dụng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu cơ thể hấp thụ nhôm quá mức sẽ gây hại, vậy chúng ta có thể sử dụng nồi nhôm để nấu nướng không?

Nhôm có hại như thế nào đối với cơ thể?

1. Làm hại não

Cơ thể hấp thụ quá nhiều nhôm có thể làm giảm hoạt động của dây thần kinh não, ức chế khả năng chống oxy hóa của tế bào thần kinh, phá hủy cấu trúc màng tế bào não, do đó làm giảm sự hình thành tế bào thần kinh hải mã, có thể gây sa sút trí tuệ ở người già và ảnh hưởng đến trí nhớ ở người trẻ.

2. Phá hủy xương

Nếu bạn tiêu thụ quá nhiều nhôm, quá trình hấp thụ phốt pho của ruột cũng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến hàm lượng phốt pho trong cơ thể giảm xuống. Với ít phốt pho thì sẽ có ít canxi hơn trong xương.

Một số công nhân sản xuất quặng bô-xít, nhôm thậm chí có nguy cơ bị hoại tử xương.

3. Tổn thương tim mạch

Ngoài tác hại đến thần kinh não bộ và xương khớp thì không thể không kể đến tác hại đối với hệ tim mạch. Nếu hệ thống tim mạch bị tổn thương thì máu sẽ lưu thông chậm lại, kéo theo đó là bệnh cao huyết áp.

Hơn nữa, tình trạng này cũng khiến máu trở nên đặc hơn, đồng thời các mảng xơ vữa âm thầm xuất hiện như một hệ quả.

4. Có khả năng gây ung thư

Mặc dù mối quan hệ nhân quả giữa nhôm và ung thư chưa rõ ràng, nhưng nhôm có liên quan đến việc gây ra các bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư vú.

Nhôm là một estrogen kim loại, và dư thừa estrogen hiện là yếu tố nguy cơ được biết đến nhiều nhất đối với ung thư vú.

Nồi nhôm có hại không?

Nếu cơ thể hấp thụ nhôm quá mức sẽ gây hại, vậy chúng ta có thể sử dụng nồi nhôm để nấu nướng không?

Liu Wei, một chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông (Trung Quốc), cho biết tính chất hóa học của nhôm khiến nó dễ dàng phản ứng với các chất có muối, kiềm và axit cao, từ đó giải phóng các ion nhôm.

Ion nhôm xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, tốt nhất bạn không nên sử dụng nồi nhôm để nấu thức ăn.

Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia (Trung Quốc) cho Vật liệu và Sản phẩm Kim loại tiếp xúc với Thực phẩm cũng trực tiếp chỉ ra rằng, chảo nhôm có thể được sử dụng để hâm gián tiếp thức ăn hàng ngày, nhưng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn như chiên rán thì không phù hợp.

Cần chú ý điều gì nếu phải sử dụng nồi nhôm?

Nếu một số người vẫn muốn sử dụng nồi nhôm trong sinh hoạt thì sao? Có một số lưu ý:

1. Không làm hỏng màng oxit bảo vệ

Bạn không nên dùng vật nhọn, sắc cào vào lòng nồi sẽ làm phá hủy lớp màng oxit bảo vệ. Một khi bị xước thì lớp mạ sẽ bị hỏng, gặp nhiệt độ cao sẽ hòa tan các chất độc hại, có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

2. Không bảo quản thực phẩm có tính ăn mòn cao

Thứ hai, bạn không nên bảo quản các loại thực phẩm có tính ăn mòn cao, chẳng hạn như thực phẩm có hàm lượng axit, kiềm, muối cao. Bởi thức ăn càng để lâu càng làm hỏng lớp màng oxit của nồi và thải ra các chất độc hại.

3. Không sử dụng nồi quá 8 năm

Đối với một số bà nội trợ tiết kiệm, họ có xu hướng sử dụng nồi lâu và không dễ thay mới.

Tuy nhiên, mọi gia đình đều nên thay mới xoong nồi khi tới một thời điểm nhất định. Xoong nồi dù làm bằng chất liệu gì cũng có tuổi thọ sử dụng tối đa là 8 năm, nói chung nên thay dụng cụ nấu nướng chính trong vòng 5 năm.

Chảo sắt, chảo chống dính, chảo inox, chảo nào an toàn hơn

Ngoài nồi nhôm, các loại nồi thông dụng khác còn bao gồm nồi sắt, nồi chống dính, nồi inox… Chất liệu và chức năng của chúng cũng khác nhau, dùng loại nào tốt cho sức khỏe hơn?

1. Nồi sắt

Phổ biến nhất là nồi gang, loại nồi này được làm từ gang nên quá trình oxy hóa sẽ không xảy ra. Điều này cũng khiến nồi bền hơn, không bị rò nước. Mặt khác, nồi gang cũng tương đối ổn định sau khi đun.

Tuy nhiên, nồi gang nếu không được vệ sinh cẩn thận sẽ rất dễ bị gỉ sét. Bạn không nên để thức ăn qua đêm, không nên dùng loại nồi này để nấu canh. Nói chung, nồi gang là một trong những loại nồi tiết kiệm chi phí nhất.

2. Chảo chống dính

Phổ biến thứ hai là chảo chống dính, ưu điểm lớn nhất của chảo chống dính là có nhiệt độ sôi cao hơn và ít tốn công vệ sinh. Nói chung, khi nấu nướng, nhiệt độ của chảo chống dính thường dưới 260℃, không dễ sinh ra các chất độc hại.

Tuy nhiên, khi chiên thực phẩm, nhiệt độ có thể dễ dàng lên tới 320°C, sẽ thúc đẩy quá trình phân giải thành phần PFOA trong thực phẩm, để các chất độc hại dễ dàng xâm nhập vào cơ thể cùng với thực phẩm.

Khi sử dụng chảo chống dính thì nên chọn thìa silicon, không nên dùng thìa sắc nhọn vì sẽ làm hỏng lớp tráng của nó. Ngoài ra, bạn không được dùng chảo chống dính khi chiên.

3. Nồi inox

Cuối cùng là nồi inox, đặc tính làm nóng đồng đều và tiết kiệm thời gian khiến nó chiếm thị phần cao. Khi sử dụng nồi inox, bạn cần lưu ý không nên đựng thức ăn có hàm lượng axit, kiềm cao trong thời gian dài vì dễ làm hỏng nồi.

Loại nồi này sẽ có tuổi thọ tương đối dài, miễn đảm bảo việc vệ sinh và sử dụng phù hợp. Bù lại, giá thành của nó tương đối đắt.

Tóm lại, nếu cơ thể hấp thụ quá nhiều nhôm sẽ gây tổn hại đến thần kinh não bộ, hệ miễn dịch, cấu trúc xương, tim mạch và các khía cạnh khác.

Nhôm cũng không phải là nguyên tố thiết yếu đối với cơ thể người. Vậy nên, bạn cần hạn chế việc nấu nướng bằng chảo nhôm trong cuộc sống hàng ngày.

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Nồi nhôm có hại cho sức khỏe như thế nào? Những lưu ý khi sử dụng