Nước chanh gừng giúp làm ấm cơ thể và giảm cân, nhưng kiểu người nào không nên uống?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nghiên cứu phát hiện ra rằng thời tiết giá lạnh vào mùa đông có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng nước chanh gừng như một biện pháp để giữ ấm cơ thể.

Mặc dù vậy, y học cổ truyền lại cho rằng không phải ai cũng thích hợp uống loại nước này.

Thời tiết lạnh đe dọa sức khỏe

Một trong những điều nguy hiểm nhất về kiểu thời tiết lạnh trong mùa đông là tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim, chẳng hạn như đau tim và đột quỵ.

Không khí lạnh cũng có thể tác động tiêu cực đến hệ hô hấp, làm trầm trọng thêm các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí The Lancet đã phân tích hơn 74 triệu ca tử vong trên toàn thế giới và phát hiện ra rằng, việc tiếp xúc với nhiệt độ lạnh là nguyên nhân gây ra hơn 7% ca tử vong.

Tác giả chính của nghiên cứu, Antonio Gasparrini, giáo sư tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn, cho biết: "Có bằng chứng rõ ràng cho thấy cảm lạnh có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh trong nhiều phân tích kết quả sức khỏe".

Gừng làm ấm cơ thể và giảm ho

Gừng là một loại gia vị phổ biến và là một thảo dược có đặc tính làm ấm và giảm ho. Dược lý hiện đại đã phát hiện rằng gừng có chứa các hoạt chất như gingerol và shogaol, có thể có tác dụng chống oxy hóa và chống ung thư.

He Xia, một bác sĩ y học cổ truyền Trung Hoa tại Nhật Bản, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng gừng có vị cay nồng và tính ấm; nó có thể giúp đổ mồ hôi, xua tan cảm lạnh, ngăn ngừa nôn mửa và giảm ho.

Nó thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng cảm lạnh thông thường, dạ dày hư hàn và giảm cảm giác thèm ăn.

Gừng rất hợp với chanh. Chanh rất giàu vitamin C và chất chống oxy hóa tự nhiên giúp giảm sản xuất melanin. Vitamin C cũng là một trong những dưỡng chất để tổng hợp collagen, rất cần thiết để duy trì độ đàn hồi cho da.

Y học cổ truyền phát hiện ra rằng, hầu hết các loại thực phẩm đều có đặc tính "lạnh" hoặc "ấm"; họ chia các loại thực phẩm thông thường thành ba loại: lạnh, ấm và ôn hòa.

Tiêu thụ thức ăn lạnh sẽ làm mát cơ thể bạn, trong khi ăn thức ăn nóng sẽ làm ấm cơ thể. Do đó, có thể sử dụng các nguyên liệu ấm và lạnh để đưa cơ thể về trạng thái cân bằng.

Theo lý thuyết của y học cổ truyền, thuốc và thực phẩm có nguồn gốc giống nhau và cả hai đều có thể được sử dụng trong việc chữa bệnh.

Từ xa xưa, người Trung Hoa đã tin rằng ăn gừng nên là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh.

Theo Luận ngữ, khi Khổng Tử ăn, thay vì bỏ phí hoặc vứt đi, ông sẽ ăn hết gừng còn sót lại trong đĩa. Khổng Tử được tôn sùng là một vị triết gia, chính khách và người thầy vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc.

Nước chanh gừng giúp giảm cân

Moritani Toshio, giáo sư danh dự của Đại học Kyoto (Nhật Bản) cho biết mùi thơm của chanh và vị cay của gừng có thể làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm.

Hệ thống thần kinh giao cảm hoạt động trên trung tâm cảm giác no (của não), từ đó hoạt động như một chất ức chế sự thèm ăn và giảm cân. Hoạt động giao cảm cũng có thể thúc đẩy quá trình đốt cháy chất béo một cách hiệu quả.

Khi hệ thống thần kinh giao cảm trở nên tích cực và phản ứng nhanh hơn, quá trình chuyển đổi giữa hệ thống thần kinh giao cảm và đối giao cảm trở nên mượt mà hơn.

Toshio Moriya đề nghị uống nước chanh gừng trước bữa ăn để tránh ăn quá nhiều.

Cách làm nước chanh gừng rất đơn giản, bạn chỉ cần xay nhuyễn gừng, thêm nước cốt chanh và nước rồi khuấy đều.

Người thể trạng âm hư không nên ăn gừng

Nhưng He Xia cho rằng những người có vóc dáng khác nhau cần có những phương pháp giảm cân khác nhau. Gừng có thể kích thích quá trình trao đổi chất, nhưng nó không dành cho tất cả mọi người. Ví dụ, người âm hư không nên dùng gừng.

Học thuyết âm dương của Trung Quốc cổ đại cung cấp cho mọi người một khung khái niệm để quan sát và phân tích thế giới vật chất, và học thuyết này thấm nhuần vào mọi khía cạnh của y học cổ truyền.

Nói chung, tính Dương được liên kết với các khía cạnh chức năng của một vật thể, chẳng hạn như di chuyển, tăng lên, mở rộng, nóng lên, sáng lên, tiến triển, trạng thái hoạt động và siêu chức năng. Nó có yếu tố năng lượng dồi dào hơn.

Ngược lại, tính Âm liên quan đến dạng vật chất của các vật thể, chẳng hạn như trạng thái nghỉ ngơi, giảm dần, co lại, lạnh lẽo, tối tăm, thoái hóa, tiềm ẩn và kém chức năng. Nhìn chung, yếu tố năng lượng có phần kém lại.

Âm và dương có tính chất đối lập, kiểm soát và cân bằng lẫn nhau. Trong y học cổ truyền, âm chịu trách nhiệm giữ ẩm và làm mát cơ thể. Khi âm khí không đủ hoặc mất cân bằng, cơ thể sẽ có dấu hiệu nóng.

He Xia cho biết âm hư chỉ các triệu chứng như sốt ở tay và chân, lòng bàn tay đổ mồ hôi, miệng và mắt thường xuyên bị khô. Bởi vì gừng có tính ấm, thuộc về thực phẩm nóng, nếu người bị âm hư ăn gừng, các triệu chứng âm hư sẽ trầm trọng hơn.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Bảo Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nước chanh gừng giúp làm ấm cơ thể và giảm cân, nhưng kiểu người nào không nên uống?