Nước đá gây ra béo và làm tổn hại cơ thể

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cho đá vào trong nước thì sẽ có hàn khí, kể cả khi đá viên đã tan hết ra thành nước, kể cả khi nhiệt độ của nước quay trở về mức bình thường, và nó vẫn gây hại cho không chỉ vòng eo của bạn...

Ngày hè nóng bức, uống một ly nước đá sẽ khiến bạn rất thoải mái, nhưng nếu uống trong một thời gian dài, thì bạn sẽ tự gây hại cho cơ thể. Mà nước khi đá đã tan ra thì có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, và còn nghiêm trọng hơn thứ nước đang trong quá trình hình thành đá.

Ngay cả khi đã tan ra thành nước, thì hòn nước đá vẫn mang đặc tính hàn

Trong sách Y phương tập giải của Uông Ngang, danh y cuối đời nhà Minh đầu nhà Thanh, có ghi lại về phương thuốc Lý trung thang:

Hoàng Đế Tống Huy Tông* ăn uống quá nhiều đồ lạnh, khiến cho tạng tỳ bị bệnh, các Ngự Y chữa trị đều không thấy hiệu quả, nên cho mời lang y Dương Giới. Sau khi Dương Giới thăm bệnh, ông dùng bài thuốc “Đại lý trung hoàn”.

Tuy nhiên Hoàng Đế nói: “Trẫm đã dùng bài này nhiều lần rồi”.

Dương Giới đáp: “Bệnh tật do ăn uống đồ lạnh mà thành, Thần thỉnh Ngài dùng đá cho vào sắc chung với bài thuốc này, sẽ trị được gốc rễ sinh ra bệnh. Bệnh sẽ khỏi được”.

Thầy giáo của bác sĩ Diệp Khởi Dân*trước kia khi giảng về đoạn này đã cho rằng đây là lời vô căn cứ, do đó giảng đại khái rồi bỏ qua. Cho đến khi có một người phụ nữ khi còn trẻ dùng quá nhiều nước đá, uống thuốc ôn nhiệt (thuốc có tính ấm nóng) một năm nhưng không có hiệu quả. Bác sĩ Diệp đành phải thử cho viên đá vào thang thuốc phụ tử lý trung rồi sắc lên cho cô ấy uống, kết quả là uống chưa hết được 3 thang, bệnh đã khỏi hoàn toàn.

Theo lời giải thích của thầy thuốc Diệp Khởi Dân, các bệnh do ăn nhiều đồ lạnh gây ra, trong phương thuốc nên sử dụng đá để làm sứ (thuốc dẫn), bởi vì thương tổn do ăn đồ ăn lạnh và uống nước lạnh là khác nhau. Ăn quá nhiều đồ lạnh sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến cơ thể. Hàn khí không thể hóa giải chỉ bằng một ít thuốc ôn nhiệt thông thường.

Tương tự, khi mọi người uống nước có cho thêm đá thì sẽ gây ra thương tổn cho cơ thể nhiều hơn so với khi uống nước lạnh đang trong quá trình làm đá trong tủ lạnh - cho dù cả 2 trường hợp đó đều không còn đá nữa, và thậm chí kể cả khi nhiệt độ ở 2 cốc nước là như nhau.

Diệp Khởi Dân nói: "Nước lạnh khi cho đá viên cho vào dù có tan hết, nhưng hàn tính (tính hàn của đá) vẫn còn đó, gây thương tổn cho cơ thể lại giống với tác hại khi ăn đá gây ra. Để khử hàn tính của nước lạnh này, chỉ có thể đem nước ấy đun sôi lên”.

Uống nước đá thường xuyên sẽ làm tổn thương tỳ vị, dễ gây nên béo phì, cơ thể mệt mỏi và ngủ không ngon giấc.

Tuy nhiên, cho dù đó là nước đá hay nước lạnh thì đều không thể uống thường xuyên, bởi vì tỳ vị thích được ôn ấm. Nếu bạn hay ăn đồ lạnh, các chứng bệnh sẽ xuất hiện với các mức độ khác nhau:

    • Mức độ nhẹ: Bạn càng uống càng khát nước. Bởi vì cơ thể có thân nhiệt không đổi, khi uống nước lạnh (khí lạnh đi vào trong phủ Vị), Vị (dạ dày) sẽ sinh ra nhiệt để chống lại cái lạnh, nên mới có tình trạng những ngày nóng nực tuy uống nhiều nước lạnh nhưng vẫn thấy nóng bức và khát nước.
    • Mức độ trung bình: khí lạnh sẽ thăng lên trên, gây ra đau ở vùng đỉnh đầu (và vị trí huyệt thái dương).
    • Mức độ nặng : Phát sinh thể chất “chỉ có uống nước mà cũng béo”. Một lượng lớn hàn khí khiến cho phủ Vị ớn lạnh. Khi tỳ vị bị tổn thương, chức năng tiêu hóa và hấp thu suy giảm, trường vị (dạ dày và đường ruột) chủ yếu hấp thu lượng nước, giảm hấp thu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng, nên rất dễ khiến cơ thể béo lên, thực chất đó là bệnh thủy thũng (phù).

Đọc thêm: Giảm cân mùa hè - Ngay cả uống nước tôi cũng mập!

Tỳ vị bị tổn thương lâu ngày sẽ hình thành rất nhiều bệnh:

    • Dễ gây nôn và tiêu chảy "Vị sinh nhiệt kháng hàn”, nghĩa là sinh ra khí nóng để chống lại khí lạnh. Khí hàn và khí nhiệt cùng tồn tại trong cơ thể, hai khí ấy sẽ tương tác với nhau gây ra tình trạng rất hay buồn nôn và tiêu chảy, đặc biệt là khi uống một lượng lớn nước đá trong thời gian ngắn.
      “Đôi khi mọi người nghĩ rằng, ăn thức ăn ôi thiu dễ gây ra nôn và tiêu chảy, kỳ thực tình trạng ấy phần nhiều lại là do ăn quá nhiều thức ăn lạnh” - thầy Diệp nói.
    • Dễ bị cảm mạo (cảm lạnh). Tỳ vị thuộc hậu thiên nguyên khí (là nơi nguyên khí hậu thiên lưu trú), tỳ vị tổn thương sẽ làm giảm khả năng miễn dịch.
    • Dễ mệt mỏi, chóng mặt và mất ngủ. Chức năng quan trọng của tỳ vị là chuyển hóa thấp khí. Khi chức năng của tỳ vị bị suy giảm, thì sẽ không thể chuyển hóa thấp khí, khiến lượng thấp khí tăng lên, gây ra tình trạng mệt mỏi bên trong cơ thể, chóng mặt, ngủ kém. Mùa hè bệnh nhân thường bị mất ngủ, có biểu hiện ngủ không sâu giấc, càng ngủ càng mệt.

Diệp Khởi Dân chỉ ra rằng: cho đá vào trong nước thì sẽ có hàn khí, kể cả khi nhiệt độ của nước có quay trở về mức bình thường. Tuy nhiên, mức độ lạnh của nước sẽ có tác động đến mức độ ảnh hưởng của hàn khí đối với cơ thể. Khi lượng hàn khí nhiều, tác động mạnh đến cơ thể, có thể gây ra trào ngược dạ dày thực quản, thậm chí ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản.

Nếu bạn ăn nhiều đá và uống nước đá trong một thời gian dài, thì rất dễ gây ra tình trạng suy yếu tinh trùng ở nam giới và u nang, u xơ ở nữ giới do khí huyết ứ trệ gây nên. Khí hàn thấp tích lại nhiều năm, thì sẽ sinh ra bệnh sán khí.

Ngay cả khi ngậm nước đá trong miệng rồi nuốt xuống từ từ, nó vẫn sẽ làm tổn thương cơ thể. Theo Đông Y: "tâm khai khiếu ư thiệt" (Tim khai khiếu ra lưỡi), nước đá uống vào sẽ làm tổn thương thượng tiêu tâm phế (tim và phổi), việc uống trực tiếp vào bụng sẽ làm tổn thương trung hạ tiêu trường vị (dạ dày và đại trường). Do đó, ngậm tan nước đá trong miệng, sau đó nuốt xuống, tuy không có chút tổn hại gì đối với dạ dày, nhưng với bệnh nhân bị bệnh tim và ho suyễn thì không thể làm vậy.

Nói chung, sau khi ăn đá, một số người lập tức cảm thấy cơ thể không được thoải mái, điều đó chứng minh rằng cơ địa người đó không nên ăn đá. Những người như vậy cần chú ý ăn đá ít đi.

"Điều đáng sợ nhất đối với thầy thuốc Đông Y là một số người lại cho rằng họ ăn đá thế nào đi nữa cũng chẳng gặp vấn đề gì, không biết rằng đó là do cơ địa của họ thực chất đã rất hàn rồi" - thầy thuốc Diệp Khởi Dân nói.

Thể trạng cơ thể thuộc loại này gặp phổ biến ở nam giới. Khi họ có thói quen hút thuốc, uống rượu, ăn trầu, v.v.. khi ăn càng nhiều thứ hỗn tạp thì phản ứng của cơ thể càng suy yếu. Cơ thể người ấy cũng khó điều dưỡng hơn.

Mặt khác, có người thường cảm thấy trong người nóng không chịu nổi, muốn uống một cốc nước đá để hạ nhiệt, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng tình trạng cơ thể bạn không khỏe mạnh.

Khí huyết toàn thân thể lưu thông, mồ hôi chảy ra bình thường, lượng nhiệt dư thừa của cơ thể được đẩy ra, bạn sẽ không thấy muốn ăn đá hay uống nước lạnh. Ngược lại, nếu khí huyết bị ứ trở, bạn sẽ rất hay cáu kỉnh, khát nước, muốn uống nước đá và ăn các đồ lạnh. Đây chính là lúc bạn nên cân nhắc việc tìm kiếm một bác sĩ Đông Y để điều hòa lại âm dương cho cơ thể. Theo Đông Y, vào mùa hè thường dùng bài thuốc “thanh thử ích khí thang” để giúp bổ khí và thanh nhiệt.

Chú thích:
* Tống Huy Tông là hoàng đế thứ 8 của triều đại Bắc Tống.
* 2 thầy trò Diệp Khởi Dân là bác sĩ Đông Y của Phòng khám Liên hợp Đông Y Minh Y tại Đài Loan.

Đăng Tâm
- Theo The Epoch Time.



BÀI CHỌN LỌC

Nước đá gây ra béo và làm tổn hại cơ thể