Phác đồ điều trị đơn giản giúp giảm tỷ lệ tái phát và di căn của bệnh ung thư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghiên cứu gần đây, điều trị bằng phác đồ giảm căng thẳng và giảm viêm đơn giản có thể giúp nguy cơ di căn sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Nghiên cứu cho thấy sau 5 năm phẫu thuật, 9 trong số 18 bệnh nhân dùng giả dược (50%) xuất hiện ung thư di căn, so với chỉ có 2 trong số 16 bệnh nhân xuất hiện tình trạng di căn (12,5%) khi dùng phác đồ điều trị đơn giản trên.

Nghiên cứu lâm sàng đầu tiên về chủ đề này được dẫn dắt bởi Shamgar Ben-Eliyahu, giáo sư tại Trường Khoa học Thần kinh Sagol và Trường Khoa học Tâm lý tại Đại học Tel-Aviv, và Oded Zmora, bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng và là giáo sư tại Khoa Y Sackler của Đại học Tel- Aviv.

Hai vị giáo sư đã cùng nhau nghiên cứu chủ đề này trong 15 năm.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Phẫu thuật Ung thư Châu Âu. Tổng quan về lý thuyết và các nguyên tắc cơ bản của nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Nature Reviews Clinical Oncology vào năm 2020.

'Phương pháp điều trị quyết định'

Giáo sư Zmora nói với tờ The Epoch Times rằng khi một khối u chưa di căn xa được phát hiện trong ruột, phương pháp điều trị chuẩn là phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột có khối u.

Ông cho biết đây là phương pháp điều trị quan trọng nhất và gọi đây là “phương pháp điều trị quyết định có thể mang lại cơ hội khỏi bệnh cao nhất cho bệnh nhân”.

Trong một số trường hợp, sau khi bệnh nhân hồi phục, các phương pháp điều trị ung thư bổ sung ví dụ như hóa trị, sẽ tiếp tục được sử dụng.

Tại thời điểm phẫu thuật, khi khối u nguyên phát được loại bỏ, ung thư vẫn có nguy cơ tái phát. Trong thời gian theo dõi, khối u có thể tái phát tại chính cơ quan đó hoặc tình trạng thường gặp hơn là di căn đến các cơ quan khác như gan hoặc phổi.

Theo giáo sư Zmora, nguy cơ di căn sau khi cắt bỏ khối u được ước tính là khoảng 30-40% ở những bệnh nhân ung thư ruột đại tràng và khoảng 90% ở những bệnh nhân ung thư tụy.

Giáo sư Zmora nói rằng mặc dù phẫu thuật là phương pháp điều trị nền tảng, nhưng “phương pháp này cũng tạo ra một gánh nặng rất lớn cho cơ thể [dưới dạng] các stress”.

Hầu hết các ca tử vong liên quan đến ung thư đều là do tái phát di căn sau phẫu thuật. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu là cố gắng giảm tỷ lệ tái phát di căn này.

Giai đoạn chu phẫu rất quan trọng

Giáo sư Ben-Eliyahu đã nói với The Epoch Times rằng: “Chúng tôi và các chuyên gia khác đã phát hiện ra rằng khoảng thời gian ngắn, một tuần trước và một hoặc hai tuần sau phẫu thuật là giai đoạn rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến quá trình di căn của ung thư”.

Các phương pháp can thiệp khác nhau trong giai đoạn này có hiệu quả cao hơn nhiều so với các giai đoạn khác.

Ông nói, có một nghịch lý là hầu hết các phương pháp điều trị chống di căn như xạ trị, hóa trị và liệu pháp miễn dịch đều không được sử dụng trong giai đoạn này vì chúng có thể cản trở quá trình phẫu thuật. Hầu hết các phương pháp điều trị sẽ không được thực hiện trong giai đoạn chu phẫu - những phương pháp điều trị này sẽ kết thúc trước một tháng trước hoặc bắt đầu sau một tháng so với thời điểm tiến hành phẫu thuật.

Và vì vậy “một trong những điểm đặc biệt trong quá trình can thiệp của chúng tôi là việc sử dụng chính giai đoạn chu phẫu này” giáo sư Ben-Eliyahu nói.

‘Một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời’

Điểm thứ hai là các nhà nghiên cứu tìm hiểu xem phẫu thuật trong giai đoạn chu phẫu ảnh hưởng đến quá trình di căn như thế nào.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng, trong giai đoạn chu phẫu, stress và phản ứng viêm có thể tác động riêng biệt và cùng tác động đến quá trình tiến triển ung thư thông qua một số cơ chế.

Giáo sư Zmora cho biết, bị chẩn đoán ung thư “là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời” của bệnh nhân. “Đó là khoảng thời gian mà người bệnh phải huy động tất cả nguồn lực tinh thần của mình để thực hiện phẫu thuật và tiếp tục quá trình điều trị sau đó.”

Người bệnh sẽ rất căng thẳng trong thời gian chờ mổ. Căng thẳng và phản ứng viêm cũng diễn ra trong quá trình phẫu thuật cũng như trong quá trình hồi phục của cơ thể. Và nỗi lo lắng thường trực trong mỗi lần tái khám, với câu hỏi liệu rằng ung thư có quay trở lại hay không sẽ tràn ngập trong tâm trí của bệnh nhân.

Trong các nghiên cứu trước đây trên động vật, giáo sư Ben-Eliyahu phát hiện rằng mức độ tác động của tâm lý căng thẳng không nhỏ hơn so với tác động của chính cuộc phẫu thuật.

Ông nói: “Vai trò của yếu tố này lớn hơn những gì chúng ta ước tính”.

Tất cả những trạng thái sinh lý và tâm lý này khiến cơ thể đáp ứng bằng cách giải phóng các hormone gây căng thẳng gọi là catecholamine, chẳng hạn như adrenaline và noradrenaline, và các phản ứng viêm sẽ giải phóng ra prostaglandin.

Bác sĩ Severine Alran, trưởng khoa phẫu thuật một ngày của bệnh viện Pháp viện Curie chuyên điều trị ung thư, ngày 4 tháng 11, 2014 tại Paris. (Ảnh: DOMINIQUE FAGET/AFP qua Getty Images)

Giáo sư Zmora nói rằng: “Chúng tôi cho rằng ở những bệnh nhân tái phát ung thư, các tế bào u đã được tách ra và đưa đến các nơi khác trong giai đoạn vẫn còn khối u (trước khi phẫu thuật); có một yếu tố nào đó trong cơ thể đã khiến chúng ngủ đông và không hoạt động”.

Giáo sư Ben-Eliyahu cho rằng, việc tiếp xúc với các hormone gây căng thẳng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào ung thư còn lại này, khiến chúng trở nên “hung dữ” hơn và gây ra di căn.

Những hormone này cũng gián tiếp thúc đẩy quá trình di căn bằng cách ức chế các hoạt động miễn dịch chống di căn.

Ông nói: “Những hormone này ngăn chặn các yếu tố miễn dịch mà hệ miễn dịch sử dụng để chống sự di căn của ung thư.

Vì vậy, tất cả các cơ chế gây căng thẳng và gây viêm diễn ra trong giai đoạn chu phẫu làm tăng nguy cơ di căn của bệnh nhân. Trong một số trường hợp, điều này chỉ thể hiện rõ ràng sau nhiều năm phẫu thuật.

Sau khi biết được các cơ chế trên, các nhà nghiên cứu đã nghĩ đến các phương pháp điều trị có thể tác động vào những yếu tố này.

Phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu này là nhằm mục đích ngăn ngừa hiện tượng di căn - hiện tượng thường gia tăng trong thời gian phẫu thuật.

Điều trị bằng thuốc

Phác đồ điều trị gồm hai loại thuốc rẻ tiền đã được sử dụng từ lâu trong y học về các bệnh lý. Hai loại thuốc này thường có sẵn ở các hiệu thuốc.

Loại thuốc thứ nhất là propranolol (biệt dược là Deralin). Đây là loại thuốc thường được sử dụng cho các bệnh nhân tăng huyết áp, giúp làm giảm huyết áp và giảm lo âu.

Loại thuốc thứ hai là etodolac (biệt dược là Etopan) có tác dụng chống viêm và giảm đau.

Theo các nhà nghiên cứu, cả hai loại thuốc này đều có “độ an toàn cao” và cần phải được sử dụng cùng lúc.

Theo giáo sư Ben-Eliyahu, phản ứng viêm và phản ứng căng thẳng cùng lúc có thể gây ra nhiều vấn đề khác nhau và sau đó có cùng một cơ chế tác động đến bệnh nhân, vì vậy nếu chỉ chặn trên một trục là không đủ.

Ông nói: “Bạn phải đồng thời ngăn chặn cả phản ứng viêm và phản ứng căng thẳng bởi vì cả hai phản ứng này đều xảy ra trong thời gian phẫu thuật”.

Giáo sư Ben-Eliyahu nói: “Khi nghiên cứu trên động vật, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng mỗi loại thuốc có tác dụng ít nhưng sử dụng đồng thời cả hai loại sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn so với tổng tác dụng của chúng”. “Hiệu ứng này được gọi là tác dụng hiệp đồng tăng mức; làm gia tăng tác dụng khi sử dụng kết hợp hai thuốc”.

16 bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên vào nhóm điều trị đã sử dụng thuốc trong 20 ngày - năm ngày trước khi phẫu thuật đến hai tuần sau khi phẫu thuật nhưng hầu như không có tác dụng phụ nào.

Theo giáo sư Ben-Eliyahu, phác đồ điều trị này cho thấy kết quả đầy hứa hẹn với việc giảm các marker di căn khi khối u đã được cắt bỏ. 5 năm sau, chỉ có 12,5% bệnh nhân trong nhóm này có tình trạng di căn, so với tỷ lệ 50% ở nhóm bệnh nhân dùng giả dược.

Kết quả tương tự cũng đã được ghi nhận trong một nghiên cứu được tiến hành trên 38 bệnh nhân ung thư vú. Phác đồ dùng thuốc trước và sau phẫu thuật tương tự đã làm giảm đáng kể nguy cơ tái phát ung thư sau phẫu thuật.

Tuy nhiên, mặc dù kết quả của hai nghiên cứu này là có ý nghĩa thống kê, nhưng vẫn cần có thêm một nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn để tìm hiểu thêm những lợi ích của phác đồ này để có thể tiến tới triển khai thực hiện trên lâm sàng.

Nghiên cứu vẫn đang gặp khó khăn

Giáo sư Ben-Eliyahu cho biết bước tiếp theo là lặp lại nghiên cứu trên quy mô lớn.

“Chúng tôi thấy một điều rất hứa hẹn ở đây.”

Tuy nhiên, ông lo lắng rằng việc nghiên cứu phác đồ điều trị này sẽ không được các công ty dược ủng hộ.

Ông nói thêm rằng, có rất nhiều phương pháp điều trị ít hứa hẹn hơn nhưng lại được các công ty dược thúc đẩy vì chúng mang lại nguồn lợi nhuận rất lớn.

“Các loại thuốc được sử dụng là không có bản quyền; chúng là các loại thuốc generic” Giáo sư Zmora nói. “Không có công ty dược nào quan tâm đến việc thúc đẩy những nghiên cứu như vậy, vì vậy rất khó để huy động tài chính”.

Khi các chuyên gia liên lạc với một công ty dược và nói rằng có rất nhiều bệnh nhân ung thư trên thế giới nhưng việc điều trị sẽ chỉ được kéo dài trong 3 tuần hoặc một tháng, các công ty dược ít quan tâm vì họ thường muốn đầu tư vào các liệu pháp điều trị dài hạn hơn.

Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu cũng đã bắt đầu một nghiên cứu quy mô lớn nhưng họ vẫn không có đủ kinh phí cần thiết. Nghiên cứu này đã được triển khai tại ít nhất 4 bệnh viện tại Israel và một số bệnh viện khác đang có kế hoạch tham gia.

Các nhà nghiên cứu đang nhắm đến việc tiến hành nghiên cứu trên hơn 300 bệnh nhân ung thư nhưng họ phải đối mặt với những thách thức lớn về tài chính.

Giáo sư Zmora nói: “Có một phát hiện khoa học thú vị ở đây”. “Nhưng đồng thời, rất, rất khó để gây quỹ cho những nghiên cứu như thế này”.

“Điểm nghẽn của chúng tôi là tiền” Giáo sư Ben-Eliyahu nói. “Không phải các trung tâm [y tế] muốn hợp tác với chúng tôi, mà là họ muốn được nhận được tiền nghiên cứu”.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ nhận được tài trợ từ Bộ Y tế Israel, Bộ Khoa học Israel, Quỹ Nghiên cứu Ung thư Israel và từ SPARK, một trung tâm đổi mới sáng tạo tại Đại học Tel Aviv.

Nhưng số tiền này chỉ là một phần nhỏ trong khoản tiền mà chúng tôi cần.

Ông nói: “Chúng tôi cần từ 2 - 4 triệu đô la để tiến hành nghiên cứu trên 300 bệnh nhân ung thư đại tràng. “Và mỗi tổ chức trên chỉ cấp cho chúng tôi từ 50.000 đến 200.000 đô la”.

“Vì vậy, chúng tôi không dư đồng nào và phải cố gắng tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ”.

Giáo sư Ben-Eliyahu cho biết các tổ chức khoa học lớn ở Israel (ví dụ: Quỹ khoa học Israel) không tài trợ cho các thử nghiệm lâm sàng về thuốc vì những thử nghiệm này thường được các công ty dược tài trợ.

Ông nói: “Chúng tôi làm điều đó hoàn toàn trên cơ sở phi lợi nhuận. Không có lợi nhuận kinh tế ở đây và do đó, các công ty dược sẽ không thúc đẩy nghiên cứu này”.

Giáo sư Zmora nói: “Không phải tôi nói điều này vì có ác ý với các công ty dược, tôi cũng làm việc chung và đánh giá cao những gì họ làm. Nhưng sự thật chính là như vậy”.

Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phác đồ điều trị đơn giản giúp giảm tỷ lệ tái phát và di căn của bệnh ung thư