Phát hiện nguy cơ tiềm ẩn bệnh: thông qua 13 chỉ số sức khỏe phổ biến (Phần I)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông thường, các chỉ số sức khỏe phổ biến sẽ phản ánh tình trạng sức khỏe cơ thể của bạn. Nếu những chỉ số này có thay đổi bất thường, thì đó có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh. Và bạn hoàn toàn có thể duy trì một lối sống khỏe mạnh nếu biết rõ các trị số của 13 chỉ số sau đây...

Xem tiếp: Phát hiện nguy cơ tiềm ẩn bệnh: thông qua 13 chỉ số sức khỏe phổ biến (Phần II)

Nhìn vào đâu bạn biết mình có cơ thể cân đối, khỏe mạnh, đặc biệt là các bạn trẻ, người rất quan tâm đến vóc dáng của mình. Các chuyên gia khuyên bạn nên quan tâm đến các chỉ số sau:

1. Vòng eo

Vòng bụng hay vòng eo là chỉ số được mọi người rất quan tâm, nhưng không chỉ liên quan đến dáng đẹp, chỉ số này còn đặc biệt liên quan đến tuổi thọ. “Vòng bụng càng dài, vòng đời càng ngắn”. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vòng eo tiêu chuẩn cho người châu Á ở nam không vượt quá 85 cm, và nữ không vượt quá 80 cm.

Tuy nhiên, vòng eo chuẩn thường đi kèm với cân nặng và chiều cao. Ví dụ, một người cao 1m60 thì cân nặng chuẩn có thể tính theo công thức: bình phương chiều cao x 22, kết quả là 56kg; hoặc (chiều cao - 100) x 0,9 với kết quả là 54 kg; hoặc dựa vào chỉ số khối cơ thể BMI. Từ đó, vòng eo chuẩn được tính ra theo công thức: Vòng eo = chiều cao/2 – 22, tương đương 50-63cm.

Chu vi vòng eo quá mức gây ra tình trạng béo phì trung tâm. Tình trạng này có thể gây ra một số nguy cơ bệnh lý cho cơ thể như: gan nhiễm mỡ không do rượu, gây các bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, và tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh ung thư - như ung thư vú, ung thư đại trực tràng.

Vòng eo tiêu chuẩn cho người châu Á ở nam không vượt quá 85 cm, và nữ không vượt quá 80 cm... (Pixabay)

Cách giữ chu vi vòng eo bình thường:

    1. Kiểm soát chế độ ăn uống của bạn, ăn nhiều trái cây, rau quả và chất xơ.
    2. Tập thể dục đều đặn, tích cực mỗi lần 30 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

2. Chu vi vòng cổ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chu vi vòng cổ của người trưởng thành bình thường nên nhỏ hơn 38cm đối với nam và nhỏ hơn 35cm đối với nữ. Nếu chu vi vòng cổ vượt quá mức tiêu chuẩn, có nghĩa là mỡ dưới da ở vùng cổ tăng lên, nó sẽ làm tăng nguy cơ đề kháng insulin, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp và LDL "cholesterol xấu".

Xem thêm:
- Cách tính chỉ số bmi cho nữ

Cách giữ chu vi vòng cổ bình thường:

    1. Kiểm soát cân nặng và giảm tích lũy mỡ thừa.
    2. Tăng cường tập thể dục nhịp điệu, giảm mỡ cơ thể.
Các binh sĩ đang đo vòng cổ để kiểm tra sức khỏe - Ảnh từ Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (Wikipedia)

3. Chỉ số khối cơ thế BMI

Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một tiêu chuẩn được sử dụng để đo trọng lượng của một người. BMI được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). Hiệp hội đái đường các nước châu Á (IDI & WPRO) áp dụng chỉ số BMI cho người châu Á như sau:

    • Bình thường 18,5 ≤ BMI < 22,9
    • Thừa cân khi BMI ≥ 23
    • Béo phì khi BMI ≥ 25

Béo phì có thể gây ra một loạt các biến chứng chuyển hóa, bao gồm tiểu đường, tăng huyết áp, đột quỵ và thậm chí một số loại ung thư.

Cách duy trì cân nặng bình thường:

    1. Giảm lượng thức ăn nhiều calo, ăn nhiều trái cây, rau, chất xơ và các thực phẩm khác.
    2. Cố gắng duy trì tập thể dục với cường độ từ trung bình đến cao 30 phút một ngày, ít nhất 5 ngày một tuần.

4. Hồng cầu

Theo Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, chỉ số tế bào hồng cầu bình thường ở nam giới trưởng thành (trên 16 tuổi) là 4,32–5,72 triệu/mm3, tương ứng với nữ giới là 3,90 – 5,03 triệu/mm3. Số lượng tế bào hồng cầu giảm sẽ gây ra thiếu máu, làm tăng nguy cơ suy giảm lưu lượng máu và dẫn đến tạo huyết khối. Vậy chúng ta cần làm gì khi trị số tế bào hồng cầu trở nên bất thường?

    1. Nếu nghi ngờ thiếu máu (thường số lượng hồng cầu giảm), bạn nên kiểm tra thêm nhóm máu và một số xét nghiệm khác liên quan đến nguyên nhân thiếu máu. Trong một số tình huống chỉ là thiếu máu do thiếu chất, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn thay đổi chế độ ăn hoặc bổ sung thêm chất mà bạn thiếu.
    2. Nếu rối loạn khác ngoài nghi ngờ thiếu máu thì cần phải tìm nguyên nhân và điều trị tích cực. Trong những tình huống này, các bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Số lượng tế bào hồng cầu giảm sẽ gây ra thiếu máu, làm tăng nguy cơ suy giảm lưu lượng máu và dẫn đến tạo huyết khối... (Pixabay)

5. Bạch cầu

Theo sách sinh lý học trường Đại học Y Dược Hà Nội, số lượng bạch cầu trung bình của người trưởng thành là từ 7000/mm3 (4000-10000/mm3). Nguyên nhân thường gặp nhất khiến số lượng bạch cầu tăng/giảm là do nhiễm virus hoặc vi khuẩn, dẫn đến cơ thể bị viêm nhiễm, hoặc do các bệnh lý khác mà không phải do nhiễm khuẩn.

Nếu số lượng bạch cầu bất thường:

    1. Do bệnh nhiễm trùng, thì nhanh chóng điều trị tình trạng nhiễm trùng.
    2. Trong các trường hợp khác, cần tạm thời điều trị triệu chứng.
Dưới kính hiển vi, hồng cầu giống cái bánh rán, tiểu cầu hình đĩa nhỏ, và các tế bào bạch cầu: bạch huyết bào, bạch cầu đơn nhân và bạch cầu trung tính - Bởi Bruce Wetzel (photographer). Harry Schaefer (photographer) – National Cancer Institute, Public Domain (Wikipedia)

6 . Tiểu cầu

Theo sách sinh lý học trường Đại học Y Dược Hà Nội, trị số tế bào tiểu cầu bình thường ở người trưởng thành là khoảng 100.000 - 400.000/mm3. Số lượng tiểu cầu tăng có thể do thiếu máu, ung thư, nhiễm trùng. Số lượng tiểu cầu giảm nhẹ có thể gây tình trạng xuất huyết ở da, niêm mạc. Trong trường hợp số lượng tiểu cầu giảm nặng, tình trạng xuất huyết nội tạng có thể xảy ra - xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết dạ dày, nặng nhất là xuất huyết não. Khi số lượng tiểu cầu bất thường, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra.

Thiện Đức
- Theo SoundofHope



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện nguy cơ tiềm ẩn bệnh: thông qua 13 chỉ số sức khỏe phổ biến (Phần I)