Phát hiện 3 trường hợp F5 trở thành F0 dịch Covid-19 ở TP. HCM

Giúp NTDVN sửa lỗi

TP. HCM phát hiện 3 ca tiếp xúc vòng 5 (F5) nhiễm COVID-19. Điều này có nghĩa gì và cần phải cảnh giác ra sao khi F5 trở thành F0?

Sáng 8/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM (HCDC) cho biết thành phố ghi nhận thêm 15 ca nhiễm COVID-19 mới. Trong đó, một ca là trường hợp lây nhiễm đến vòng thứ 5 (nghĩa là F5 thành F0).

F5 này nằm trong chuỗi lây nhiễm liên quan "bệnh nhân 6288", hội viên nhóm truyền giáo Phục Hưng. Người này đã lây cho 5 trường hợp F1. Sau đó, 5 người này lây cho 19 người tiếp xúc diện F2, ba người diện F3, một người diện F4.

Trước đó, hai người diện F5 bị lây nhiễm được ghi nhận là chồng và con của thai phụ ngụ quận Tân Phú.

Đây là trường hợp khá đặc biệt vì thường chỉ có các trường hợp F1, F2, F3, F4... trở thành F0.

Vì sao F5 thành F0?

Theo các chuyên gia y tế, khi nói đến F5 tức là cơ quan y tế đã điều tra được quá trình tiếp xúc của người này khi truy ngược lại lịch sử tiếp xúc của họ. Cụ thể, F5 dương tính khi có F4, F3, F2, F1 dương tính do tiếp xúc với một ca mắc COVID-19 (F0) trước đó.

Nguyên nhân bệnh nhân COVID-19 lây nhiễm đến vòng thứ 5 là do ổ dịch phát hiện muộn, đi xa tầm truy vết, chậm hơn so với sự lây lan của virus. Các biến chủng virus mới được biết có khả năng lây lan nhanh. Người ủ bệnh 2 ngày đã có thể lây bệnh nên F0 ở ngoài càng lâu thì khả năng lây cho F1 và tiếp tục chuỗi lây nhiễm đến F5.

Trong cuộc họp chiều 4/6, Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng nhận định, điểm đặc biệt và nguy hiểm của đợt dịch này là vòng lây ngày càng ngắn.

"Có những người chỉ ba ngày kể từ khi tiếp xúc nguồn lây đã phát bệnh. Đến khi ngành y tế phát hiện ra thì đã có một chùm ca nhiễm liên quan đến bệnh nhân rồi", ông Dũng nói.

Ngoài ra, một khả năng khác có thể là F5 này bị lây qua F0 khác, không dính dáng trong chuỗi ban đầu.

Đặc biệt, nếu trường hợp F5 không nằm trong khu phong tỏa thì khá đáng lo ngại vì khả năng tiếp xúc của F5 có thể rộng hơn.

Phải làm gì khi biết mình là F?

Theo báo Người lao động, bác sĩ Trương Hữu Khanh cung cấp thông tin điều cần làm khi biết mình thuộc chuỗi F, hoặc tự suy ra mình là F4, F5...

Bác sĩ Khanh nói:

Tại sao có quy định F2 phải cách ly tại nhà? Vì F2 phải chờ kết quả của F1. Cho nên trong thời gian chờ kết quả thì người F2 không được đi đâu hết, vì nếu lỡ F1 dương tính thì F2 trở thành F1 mới, sẽ phải cách ly tập trung luôn. Còn nếu F1 âm tính thì lúc đó mới giải tỏa được F2, lúc đó F2, F3... không còn là F nào nữa.

Cho nên người F2 ở nhà bao lâu là phụ thuộc vào kết quả của người F1. Chính kết quả xét nghiệm của người F1 quyết định tất cả mọi thứ liên quan đến chuỗi về sau, cho nên phải lắng nghe thông tin từ F1 là như vậy.

Phân loại người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19

Bộ Y tế phân loại người nhiễm, nghi nhiễm, tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 như sau:

F0 cần phải làm gì? Phải điều trị tại bệnh viện

Trường hợp F0 là người được xác định nhiễm Covid-19. Vậy người được xác định là F0 cần phải làm gì?

  • Điều trị theo chỉ định của bác sĩ
  • Điều trị và cách ly tại các Bệnh viện được điều trị người bệnh dương tính theo quy định của Bộ Y tế
  • Tự phục vụ để hạn chế lây cho mọi người
  • Đồng thời báo cho F1 về tình trạng của mình.

F1 cần phải làm gì? Phải cách ly tập trung

Trường hợp F1 là người nghi nhiễm, người đi về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với F0. Vậy người được xác định là F1 cần phải làm gì?

  • Đeo ngay khẩu trang
  • Báo cho cơ sở y tế nơi sinh sống
  • Cách ly tại khu vực được quy định của Bộ Y tế theo cập nhật trong từng giai đoạn phòng dịch.
  • Đồng thời báo cho F2 về tình trạng của mình.

F2 cần phải làm gì? Phải cách ly tại nhà

Trường hợp F1 là người tiếp xúc với F1. Vậy người được xác định là F2 cần phải làm gì?

  • Đeo ngay khẩu trang
  • Báo cho cơ sở y tế nơi sinh sống
  • Cách ly tại nhà theo quy định của Bộ Y tế. Trong trường hợp F1 âm tính, F2 có thể giải phóng và tự theo dõi sức khỏe.
  • Đồng thời báo cho F3 về tình trạng của mình.

F3 cần phải làm gì? Có phải cách ly tại nhà không?

Trường hợp F3 là người tiếp xúc với F2. Vậy người được xác định là F3 cần phải làm gì?

  • Đeo ngay khẩu trang
  • Báo cho cơ sở y tế nơi sinh sống
  • Tự theo dõi sức khỏe và báo cáo nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở, mệt mỏi...
  • Đồng thời báo cho F4 về tình trạng của mình.

Như vậy các trường hợp F3 không cần phải cách ly, chỉ cần khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ

F4, F5 cần làm phải gì?

F4 là người tiếp xúc với F3. Vậy người được xác định là F4, F5 cần phải làm gì?

  • Đeo ngay khẩu trang
  • Không cần cách ly, tự theo dõi sức khỏe

Thời gian cách ly 14 – 21 ngày phụ thuộc vào cập nhật chỉ đạo trong từng giai đoạn dịch của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia hoặc Bộ Y tế.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện 3 trường hợp F5 trở thành F0 dịch Covid-19 ở TP. HCM