Phòng ngừa nhiễm virus Vũ Hán cho trẻ nhỏ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lúc dịch virus Vũ Hán hoành hành, trẻ nhỏ luôn là quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội. Trẻ nhỏ dường như ít có nguy cơ nhiễm virus Vũ Hán, tuy nhiên phòng bệnh cho trẻ cũng cần một số lưu ý đặc biệt...

Một điểm may mắn là các quan sát ban đầu cho thấy dường như virus Corona mới ít lây nhiễm cho trẻ em, và trẻ bị nhiễm thường không có triệu chứng. Nhưng phòng bệnh hơn chữa bệnh, đặc biệt là sức khỏe của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm lo của người lớn.

Giữ vệ sinh

Một điều luôn có lợi cho trẻ nhỏ lẫn các bậc phụ huynh là giữ gìn vệ sinh thật tốt. Đó là thường xuyên rửa tay, hạn chế tối đa tiếp xúc gần với người khác, ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay hay khăn giấy, đồng thời tránh không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Vì trẻ nhỏ thường có thói quen đưa tay lên miệng, nên việc thường xuyên lau mặt và lau tay cho bé, vệ sinh sạch bề mặt các đồ vật trẻ thường chạm hoặc sờ vào cũng có tác dụng phòng ngừa hiệu quả.

Đảm bảo trẻ tiêm đủ mũi vắc-xin

Tiêm vắc-xin theo lịch tiêm chủng là một biện pháp hiệu quả giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiều mầm bệnh. Mặc dù hiện nay chưa có vắc-xin nào phòng ngừa virus Vũ Hán, nhưng việc tiêm đủ mũi vắc-xin giúp hạn chế nguy cơ mắc các bệnh khác và nên tránh trễ hẹn tiêm chủng mặc dù phải đến các cơ sở y tế quá tải do tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán.

Nếu trẻ đang bú sữa mẹ

Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể và chất dinh dưỡng giúp trẻ ngăn ngừa và chống lại nguy cơ nhiễm bệnh. Trẻ được khuyến cáo bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ kết hợp với các thức ăn khác cho đến lúc trẻ được 2 tuổi.

Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ được bảo vệ khỏi nhiều bệnh nhiễm trùng cũng như giảm nguy cơ nhập viện. Nếu trong sáu tháng đầu trẻ kết hợp bú sữa mẹ và dùng sữa công thức, cha mẹ nên cân nhắc cho trẻ chuyển sang bú sữa mẹ hoàn toàn nếu đủ điều kiện.

Nếu trẻ đang dùng sữa công thức, cũng nên cân nhắc cho trẻ bú sữa mẹ khi mẹ có sữa trở lại. Trong trường hợp trẻ trên 2 tuổi vẫn đang bú sữa mẹ thì tiếp tục duy trì bú mẹ để giúp trẻ chống lại bệnh khác đến khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán kết thúc.

Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ được bảo vệ khỏi nhiều bệnh nhiễm trùng cũng như giảm nguy cơ nhập viện... (Pixabay/alfcermed)

Nếu trẻ đang dùng sữa công thức

Trẻ bú sữa công thức dễ bị nhiễm vi khuẩn từ bình, do vậy người lớn sẽ tốn thêm công vệ sinh bình sữa cho trẻ. Các biện pháp bao gồm rửa tay với xà phòng, rửa bình thật sạch, tiệt trùng bình sữa sau mỗi lần sử dụng và pha sữa với nước nóng. Cha mẹ cũng cần luôn nhớ làm nguội bình sữa bằng tủ lạnh, lắc nhẹ và kiểm tra độ nóng sao cho sữa không quá nóng đối với trẻ.

Trong trường hợp mẹ nghi nhiễm hoặc nhiễm virus Vũ Hán

Trên thực tế, mẹ có nguy cơ lây nhiễm virus Vũ Hán cao hơn cả bé. Nếu mẹ đang cho con bú và nhiễm virus, các chuyên gia khuyến cáo vẫn tiếp tục cho trẻ uống sữa mẹ, vì virus không lây qua sữa mẹ. Nếu mẹ bị cách ly riêng, nên vắt sữa ra cho trẻ uống. Nên đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau khi cho trẻ uống sữa, vệ sinh và khử trùng mọi bề mặt và dụng cụ cho trẻ uống sữa để phòng ngừa lây nhiễm cho bé.

Giữ an toàn cho ông bà, người cao tuổi

Khi bố mẹ bận công việc thì ông bà thường là người chăm nuôi cháu. Vì trẻ nhỏ hay làm dây nước miếng ra người trông trẻ, đặc biệt là khi trẻ nhiễm virus không có biểu hiện triệu chứng, nên họ sẽ dễ bị lây nhiễm hơn.

Ông bà cũng là những đối tượng có nguy cơ biến chứng và tử vong cao hơn khi nhiễm virus Vũ Hán, bởi vậy cha mẹ có thể cân nhắc thêm các phương án trông trẻ khác. Đồng thời bất cứ người già trên 60 tuổi khi trông trẻ đều nên được dặn dò kỹ lưỡng các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Đại Hải
- Theo The Conversation.



BÀI CHỌN LỌC

Phòng ngừa nhiễm virus Vũ Hán cho trẻ nhỏ