Quả mận: Dưỡng gan và tăng cường khả năng miễn dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa quan niệm rằng: “Ăn mận đầu hè thì sắc mới đẹp”. Ông Hứa giải thích rằng trong thời gian đầu hè, uống ít nước mận hoặc rượu mận đều có tác dụng làm đẹp da nhất định.

Mận giúp dưỡng gan và tăng cường miễn dịch

Mận là loại trái cây có khả năng thích ứng khí hậu mạnh, không yêu cầu khắt khe về thổ nhưỡng, sinh trưởng nhanh và cho năng suất cao. Có nhiều loại mận, trong đó loại mận đen và đỏ khá phổ biến trên thị trường.

Mặc dù những quả mận này có màu sắc khác nhau nhưng chúng đều chứa đầy đủ dinh dưỡng.

Cô Trần Tiểu Vi (Chen Xiaowei), Tiến sĩ Khoa học Thực phẩm và chuyên gia dinh dưỡng cho biết, mận có hàm lượng anthocyanin, sắt, vitamin nhóm B và vitamin C khá cao.

Các chất dinh dưỡng này giúp điều chỉnh và tăng cường khả năng miễn dịch.

Nếu nhìn riêng lẻ, anthocyanins là chất chống oxy hóa và chống viêm, đồng thời có thể giúp loại bỏ các gốc tự do được tạo ra bởi các yếu tố bên ngoài như tia cực tím, ô nhiễm không khí và các yếu tố bên trong như căng thẳng.

Các gốc tự do khiến cơ thể bị oxy hóa, làm tổn thương tế bào, dẫn đến lão hóa và bệnh tật. Bổ sung anthocyanins có thể duy trì hoạt động bình thường và sự trao đổi chất của cơ thể.

Mận cũng là một nguồn cung cấp chất sắt dồi dào cho những người ăn chay.

Tiến sĩ Trần cho hay, thành phần dinh dưỡng trong những quả mận có màu sắc khác nhau không khác nhau nhiều, nhưng những quả mận có màu sẫm hơn sẽ có nhiều anthocyanin và sắt hơn một chút.

Ví dụ, mận có vỏ đen sẫm có hàm lượng sắt cao, và mận ruột đỏ có hàm lượng sắt cao hơn một chút so với mận vàng.

Nhóm vitamin B trong mận có thể thúc đẩy sự tổng hợp các enzym trong cơ thể, loại bỏ mệt mỏi, cũng như giúp thư giãn và làm dịu thần kinh. Vitamin C thúc đẩy sản xuất collagen.

Theo quan điểm của y học cổ truyền, quả mận có tác dụng dưỡng gan.

Ông Hứa Trung Nghiêm (Xu Zhongyan), phó giám đốc Phòng khám y học cổ truyền Hán Bổ Thế Gia, cho biết trong cuốn Hoàng Đế Nội Kinh, mận được gọi là "trái cây của gan", danh y Tôn Tư Mạc cũng nói rằng người bị bệnh gan thích hợp ăn mận.

Quả mận có vị chua ngọt, hơi đắng, y học cổ truyền cho rằng vì có vị chua nên mận đi vào gan.

Ông Hứa chỉ ra rằng, đối với những bệnh nhân viêm gan mãn tính giai đoạn đầu và những người thường xuyên thức khuya, thì quả mận có thể là một loại trái cây thích hợp hơn để ăn và dưỡng gan.

Mận cũng có thể kích thích sự thèm ăn và hỗ trợ tiêu hóa. Gan khí bị rối loạn cũng sẽ ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng, ăn mận điều độ có thể làm cho gan khí được điều chỉnh.

Người có dạ dày kém nên chú ý đến lượng mận ăn vào

Mận chủ yếu có vị chua nên mỗi ngày bạn chỉ nên ăn khoảng 1 - 2 quả. Nếu ăn quá nhiều, chẳng hạn hơn 3 quả một ngày thì có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa.

Bên cạnh đó, bạn cũng không nên ăn nhiều khi bụng đói. Nói chung, chỉ những người có dạ dày và đường ruột khỏe mạnh mới có thể ăn một phần khi đói.

Nhưng có một kiểu người cần chú ý khi ăn mận: đó là bệnh nhân viêm loét dạ dày, viêm dạ dày cấp và mãn tính, trào ngược axit dạ dày và các bệnh lý về dạ dày khác.

Những bệnh nhân như vậy không thích hợp để ăn mận khi bụng đói. Nhưng bạn có thể ăn một quả sau bữa ăn, vừa ít ảnh hưởng đến dạ dày, vừa hỗ trợ tiêu hóa.

Ông Hứa nhắc nhở rằng bạn nên ăn mận đã chín vừa đủ, vì mận quá sống sẽ có độ chua cao hơn và dễ kích ứng dạ dày.

Làm gì khi mua mận quá chua?

Theo Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, khi mua mận, bạn có thể quan sát bề mặt vỏ và cùi:

  • Vỏ có mịn hay không, tốt nhất là không có nếp nhăn. Không mua nếu bề mặt thô ráp và có hình dạng kỳ lạ.
  • Cùi phải chắc, có độ cứng và mềm vừa phải. Nếu nó quá mềm, nó có thể đã chín quá và không giữ được lâu.

Vì mận ăn cả cùi và vỏ, nên bạn phải ngâm và rửa sạch trước khi ăn để loại bỏ thuốc trừ sâu. Tiến sĩ Trần Tiểu Vi nhắc nhở rằng sau khi rửa, bạn nên ăn mận càng sớm càng tốt, vì quả dễ bị hỏng trong quá trình rửa và càng nhanh hỏng sau khi rửa.

Ngoài ăn trực tiếp, mận còn có thể ngâm, ủ với đường phèn.

Có người cho rằng mận hầm đường phèn có thể làm ẩm cổ họng, thông cổ họng. Tuy nhiên, ông Hứa cho rằng so với các loại trái cây như quất, lê và hạnh nhân, mận kém hiệu quả hơn và sẽ không phải là lựa chọn hàng đầu để giữ ẩm cho cổ họng.

Tuy nhiên, nếu chẳng may mua phải mận quá chua, bạn có thể cho thêm đường phèn để ngâm, cũng có tác dụng giải cảm một chút.

Ngoài ra, bạn cũng có thể mua một ít mận để nấu rượu và uống vào đầu mùa hè năm sau.

Người xưa quan niệm rằng: “Ăn mận đầu hè thì sắc mới đẹp”. Ông Hứa giải thích rằng trong thời gian đầu hè, uống ít nước mận hoặc rượu mận đều có tác dụng làm đẹp da nhất định.

Hoàng Tuấn
Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Quả mận: Dưỡng gan và tăng cường khả năng miễn dịch