Quản lý cảm xúc có lợi cho sức khỏe

Giúp NTDVN sửa lỗi

Y học hiện đại cũng đã thấy rõ được cảm xúc con người ảnh hưởng đến sức khỏe của họ, thế nên đã xuất hiện "Liệu pháp tâm lý". Tuy nhiên cách đây hàng ngàn năm, y học phương Đông đã chỉ rõ được mối quan hệ này: "Giận quá sẽ hại can, mừng quá hại tâm, lo quá hại phế, sợ quá hại thận, nghĩ quá hại tỳ"...

Cảm xúc là thứ vô hình, không sờ được cũng không nhìn thấy được. Tuy rằng khoa học chưa nghiên cứu được sáng tỏ vấn đề này, nhưng y học hiện đại cũng đã chú ý tới sự ảnh hưởng của cảm xúc đối với sức khỏe con người. Cảm xúc tiêu cực sẽ làm hại cơ thể: tranh cãi sẽ làm giảm sức đề kháng, tức giận sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, trúng gió, ung thư... Trái lại, thể hiện tình cảm giúp làm giảm cholesterol, thể hiện lòng biết ơn giúp gia tăng miễn dịch.

Cảm xúc thái quá ảnh hưởng như thế nào?

Hỉ, nộ, ai, lạc là các cảm xúc thông thường của con người, đóng vai trò như những “giai điệu nhỏ” xen kẽ trong cuộc sống. Không có cảm xúc, con người giống như con rối vậy, sống một cách nhàm chán và chẳng còn gì thú vị. Tuy nhiên, nảy sinh cảm xúc thái quá lại cũng được coi là bất thường, sẽ dẫn đến nội tạng tổn thương, thân thể tổn hại. Nói cách khác, nếu có thể khống chế tốt cảm xúc của mình thì sẽ mang đến lợi ích nhất định cho sức khoẻ.

Cũng theo “Hoàng Đế Nội Kinh": Cảm xúc thái quá: vui, giận, lo, buồn, sợ... sẽ gây tổn thương tới ngũ tạng: “nộ thương can", phẫn nộ gây tổn thương tới gan; “tư thương tì", lo lắng gây tổn thương tới lá lách; “hỉ thương tâm", hoan hỉ gây tổn thương tới tim; “bi thương phế", bi thương gây tổn thương tới phổi; “khủng thương thận", hoảng sợ gây tổn thương tới thận.

(Hoàng Đế Nội Kinh - Tố Vấn: Âm dương ứng tượng đại luận)

Cảm xúc mất cân bằng khiến cơ thể, tinh thần và vật chất bị tổn thương, tự tạo nên áp lực. (©Pixabay)

Áp lực: căn bệnh của cảm xúc và tâm lý

Tương tác giữa người với người trong xã hội ngày nay rất căng thẳng và dồn dập, các mối quan hệ rất phức tạp, khó tránh khỏi xảy ra xung đột và mâu thuẫn. Áp lực được tạo thành bởi thiếu sự hòa hợp giữa con người. Gia đình, sự nghiệp, học hành, tiền bạc, v.v… nguyên nhân nào cũng có thể dẫn đến gây ra áp lực.

Áp lực khiến con người ta rơi vào vòng xoáy của cảm xúc mà không thể tự thoát khỏi chúng, từ đó sinh bệnh. Để trị bệnh tâm lý, Tây Y thường sử dụng các loại thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm, v.v.. ; tuy nhiên thuốc Tây chỉ trị ngọn chứ không trị nổi gốc. Căn nguyên của bệnh là từ cảm xúc và sự căng thẳng, là thứ vô hình mà thuốc men hữu hình không cách nào chạm tới được.

Tướng do tâm sinh, tâm chuyển cảnh chuyển

Công việc là một phần quan trọng trong cuộc sống chúng ta, công việc tuy rằng có thể giống nhau, nhưng áp lực với mỗi người mỗi khác. Đôi khi, chỉ cần đổi hướng suy nghĩ, chỉ một quan niệm đơn giản cũng khiến sự việc trở nên khác biệt. Chẳng hạn bác sĩ hàng ngày phải đối diện với rất nhiều bệnh nhân, người vì đau ốm mới tới khám bệnh, tất nhiên khó tránh khỏi sẽ có lúc phàn nàn, than vãn. Các bác sĩ thì cũng có hỉ, nộ, ai, lạc; nếu không khống chế tốt cảm xúc của mình, thì rất có thể sẽ xảy ra tranh chấp, thậm chí là cãi nhau với bệnh nhân.

Do đó, trách nhiệm thiết yếu hàng đầu của người thầy thuốc là có thể dung hoà được bầu không khí lúc khám bệnh, không được tức giận, không được tranh chấp với bệnh nhân, khống chế được tốt cảm xúc của bản thân cho dù họ nói nhiều và nhàm chán tới đâu. Bác sĩ nhẫn nại và đồng cảm thì họ mới có thể thoải mái mà nói trọn ra tâm tình và khúc mắc của mình. Khi bệnh nhân giải tỏa hết những cảm xúc đang dồn nén trong tâm, nhu cầu được thoả mãn, thì bệnh coi như trị khỏi đã được một nửa.

Giải tỏa hết được những cảm xúc đang dồn nén trong tâm, thì bệnh coi như trị khỏi đã phân nửa. (©Pixabay)

Tu dưỡng đạo đức là then chốt

Vậy làm thế nào để quản lý tốt cảm xúc? Lựa chọn suy nghĩ theo hướng nào, chính là dẫn đến kết cục của rất nhiều sự việc; thay đổi cách nghĩ khác nhau sẽ có thể quyết định sức khoẻ là tốt hay xấu. Muốn vào lúc đó đưa ra được lựa chọn đúng đắn, thì tư tưởng đều phải có sự chuẩn bị, cũng chính là kết quả của sự tu dưỡng đạo đức trong suốt cả quá trình trước đó.

Đại y học gia đời Đường - Tôn Tư Mạc từng khuyên: “Đừng nên quá miệt mài truy cầu danh, lợi, cũng đừng mang oán hận trong tâm, chúng đều làm giảm thọ mệnh. Nếu không có tâm cầu danh, cầu lợi, tâm oán hận, thì có thể trường thọ". Cũng có nghĩa là, cần khống chế tốt cảm xúc bản thân, thanh tâm quả dục, tâm bình khí hoà, như thế mới có thể khoẻ mạnh và trường thọ.

Trà Hoa (biên dịch)



BÀI CHỌN LỌC

Quản lý cảm xúc có lợi cho sức khỏe