Rận mu bám cứng và làm tổ trên vùng sinh dục của người đàn ông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 21/7, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết vừa ghi nhận một trường hợp rận mu ký sinh trên cơ thể, theo Vnexpress.

Bệnh nhân bị ngứa trên nhiều vùng sinh dục, nhất là về đêm. Chỗ bị ngứa lở loét chảy mủ.

Qua các xét nghiệm và chụp X-quang cho thấy, vùng sinh dục bị tổn thương và lông mu của bệnh nhân có ổ rận mu với nhiều chân bám rất chắc.

Bệnh nhân đã được bác sĩ kê thuốc và hướng dẫn vệ sinh vùng bị tổn thương để loại bỏ các ký sinh trùng.

Trước đó, cũng tại bệnh viện này, một người đàn ông (55 tuổi) ở Hà Giang đã nhập viện với tình trạng ngứa mắt và khó chịu, theo báo Tuổi Trẻ.

Bệnh nhân cho biết, dù ông đã khám và nhỏ nhiều loại thuốc khác nhau nhưng triệu chứng ngứa vẫn không thuyên giảm.

Các bác sĩ nói tình trạng ngứa mắt của bệnh nhân là do rận bám lên. Kiểm tra cho thấy số lượng rận mu trên mí mắt lên gần 100 con cùng hơn 100 trứng ký sinh.

Rận mu là gì?

Rận mu có tên quốc tế là Pthirus pubis, thường được phát hiện ở vùng lông mu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phát hiện rận ký sinh ở tóc, lông nách, lông mi hoặc lông chân tay, theo Medlatec.

Loài rận này có kích thước rất nhỏ và không dễ phát hiện bằng mắt thường. Đây là lý do khiến nhiều người chủ quan.

So với nữ, nam giới có xu hướng mắc bệnh cao hơn do đặc điểm lông dày và rậm hơn.

Rận có thể lây trực tiếp từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi, thân mật với bệnh nhân, chẳng hạn như quan hệ tình dục, dùng chung đồ cá nhân như khăn, gối, áo quần…

Thông thường, rận sẽ bám trên lông mu và bắt đầu sinh sản. Trứng sẽ nở sau khoảng 7-10 ngày. Tiếp đó, rận lại hút máu vật chủ để tồn tại và phát triển, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu.

Nhìn chung, rận có thể ký sinh trên cơ thể khoảng 30 ngày. Nếu không chữa trị kịp thời, chúng sẽ ngày càng sinh sản nhiều hơn và lây lan sang các bộ phận khác.

Bệnh nhân sẽ thấy ngứa ngáy, khó chịu ở cơ quan sinh dục sau khoảng 5-6 ngày. Đặc biệt, tình trạng ngứa sẽ diễn ra mạnh hơn vào buổi tối.

Ngoài ra, các triệu chứng khác còn có thể bao gồm sốt nhẹ, mệt mỏi và thiếu năng lượng. Một số trường hợp xuất hiện nốt xanh trên da lông mu, đây là do rận cắn và hút máu gây nên.

Không khó để điều trị tận gốc rận mu, bệnh nhân cần hình thành thói quen vệ sinh sạch sẽ, bao gồm cả thân thể và các vật dụng cá nhân.

Để loại bỏ trứng rận và rận, người bệnh có thể dùng nhíp, tắm nước nóng và cạo lông… Xà bông và dầu gội cũng là những phương án hiệu quả để loại bỏ và giảm bớt ký sinh trùng.

Biện pháp dùng thuốc sẽ được cân nhắc khi rận mu chưa bị loại bỏ triệt để. Tốt nhất, bạn nên đến bệnh viện để khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Các loại thuốc thường dùng để điều trị rận mu gồm Malathion và Ivermectin.

Bảo Vy



BÀI CHỌN LỌC

Rận mu bám cứng và làm tổ trên vùng sinh dục của người đàn ông