Rủi ro của phương pháp chữa cận thị bằng laser: Những gì các chuyên gia đã không nói với bạn (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều nghiên cứu và trường hợp thực tế đã chỉ ra rằng, chữa cận thị bằng phương pháp laser có thể khiến thị lực suy giảm thay vì cải thiện, thậm chí còn mang lại những tác dụng phụ nghiêm trọng.

Những người cận thị hiểu rằng họ không cần phải đeo kính suốt đời, bởi sự phát triển của công nghệ đã góp phần tạo ra một phương pháp chữa cận thị bằng laser, giúp chúng ta khôi phục lại thị lực dễ dàng và nhanh chóng.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các cuộc tranh luận về phương pháp chữa cận thị bằng laser ngày càng trở nên gay gắt, nhiều nghiên cứu và trường hợp thực tế đã chỉ ra rằng, loại phẫu thuật này có thể khiến thị lực suy giảm thay vì cải thiện, thậm chí còn mang lại những tác dụng phụ nghiêm trọng.

Sau khi Paula Cofer trải qua cuộc phẫu thuật cận thị bằng laser vào năm 2000, đôi mắt của cô trở nên cực kỳ khô, rát, tầm nhìn suy giảm nghiêm trọng vào ban đêm và để lại những cơn đau mãn tính.

Trên trang web và Facebook của mình, cô đã đề cập đến nhiều trường hợp tương tự cũng gặp biến chứng nặng sau khi áp dụng phương pháp này.

Các biến chứng phổ biến nhất của bao gồm chói mắt, giảm thị lực ban đêm và khô mắt. Nhưng trên trang web của Paula, một số người thậm chí còn bị mất thị lực, tàn tật, thậm chí tự tử vì nỗi đau kéo dài.

Một trong những trường hợp như vậy là cô Weber. Sau khi chữa cận thị bằng laser vào năm 2017, cô bị hội chứng khô mắt nghiêm trọng và chỉ có thể ở trong không gian tối; khi ra ngoài, cô phải đội mũ và đeo kính đặc biệt. Các bác sĩ nói rằng cô bị "tàn tật vĩnh viễn và không thể lao động" vào năm 30 tuổi.

Nhiều người tin rằng đây chỉ là một vài ví dụ nhỏ, chúng không thể đại diện cho số đông. Rốt cuộc, bất kỳ loại phẫu thuật nào cũng có rủi ro.

Năm 2009, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Viện Mắt Quốc gia (NEI) và Bộ Quốc phòng (DOD) đã khởi động một cuộc khảo sát để hiểu rõ hơn về những hậu quả tiềm ẩn của phương pháp này.

Trong số 574 người tham gia cuộc khảo sát, 46% người cho biết trước khi phẫu thuật, họ không có bất kỳ triệu chứng thị giác nào, nhưng phát triển ít nhất một triệu chứng sau khi phẫu thuật khoảng ba tháng.

Quầng là triệu chứng thị giác phổ biến nhất, chiếm tới 40%; trong khi đó, 28% người nói rằng trước khi phẫu thuật, họ không bị khô mắt, nhưng sau khi phẫu thuật thì lại xuất hiện tình trạng này.

Báo cáo kết luận, chỉ có dưới 1% người gặp "khó khăn đáng kể" khi không có kính do các triệu chứng thị giác (ví dụ: song thị, chói, quầng sáng…) hoặc "không có khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày". Còn lại, hơn 95% người hài lòng với thị lực của họ sau khi chữa cận thị bằng laser.

Trước những tranh cãi xung quanh phương pháp này, các quan chức FDA luôn nhấn mạnh rằng "chỉ có dưới 1% bệnh nhân phẫu thuật gặp biến chứng lâu dài".

Tranh cãi về phương pháp chữa cận thị bằng laser

Tuy nhiên, tiến sĩ Morris Waxler, một cựu quan chức FDA, nói với tờ Healthline rằng đó là một tuyên bố sai.

Vào năm 1998, ông Waxler từng bỏ phiếu chấp thuận áp dụng rộng rãi phương pháp chữa cận thị bằng laser cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ông đã cảnh báo về rủi ro và tác dụng phụ lâu dài của phương pháp này.

Ông Waxler đề cập đến một hồ sơ vào năm 2019 có tên "Tóm tắt về Dữ liệu An toàn và Hiệu quả" (SSED) đã được đệ trình lên FDA, cho biết tỷ lệ phần trăm bệnh nhân gặp biến chứng muộn hoặc dai dẳng sau khi chữa cận thị bằng laser là hai chữ số, và chúng xuất hiện từ 6-12 tháng kể từ thời điểm phẫu thuật.

Tương tự, Cai Ruifang, một trong những bác sĩ đầu tiên ở Đài Loan từng là người ủng hộ phương pháp chữa cận thị bằng laser, nhưng về sau lại chuyển sang phản đối. Năm 2012, ông tuyên bố sẽ từ bỏ hoàn toàn phương pháp chữa cận thị này.

Vào thời điểm đó, lý do của ông là quy trình này có thể đem đến rủi ro về lâu dài. Ví dụ, sau hơn 10 năm điều trị, thị lực của nhiều bệnh nhân bị giảm sút rõ rệt trong thời gian ngắn, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và công việc của họ.

Vị bác sĩ kết luận, tình trạng này có thể liên quan đến triệu chứng viêm vạt giác mạc sau phẫu thuật.

Một nguyên nhân khác là sau nhiều năm, các bệnh nhân nhận thấy phần vạt giác mạc bị cắt trong cuộc phẫu thuật năm đó vẫn chưa lành.

Họ gặp phải một số tai nạn nhỏ như bị chó, trẻ vô tình chọc vào mắt, khiến vạt giác mạc bị lệch và phải quay lại nhờ bác sĩ giúp đỡ.

Cắt giác mạc

Hiện nay, một trong những phương pháp phẫu thuật cận thị bằng laser chủ đạo là tái tạo lại khúc xạ bằng laser LASIK, được gọi là "Femtosecond" (Laser Assisted in Situ Keratomileusis).

Femtosecond là phương pháp cắt một phần vạt giác mạc ở bệnh nhân cận thị, rồi lật lên. Sau khi lật vạt lên sẽ khử độ cận bằng tia laser đa điểm. Cuối cùng, che lại vạt giác mạc.

Femtoseconds được phát triển vào những năm 1990, và thực sự đã giúp nhiều người tháo kính thành công.

Tuy nhiên, vạt giác mạc bị rạch trong quá trình mổ không thể liền với giác mạc, sau nhiều năm, vạt giác mạc vẫn có thể bị xê dịch do va chạm, va chạm mạnh hoặc dụi mắt mạnh.

Ngoài ra, một số biến chứng được cho là liên quan đến bong giác mạc, mỏng giác mạc. Ví dụ, đau dữ dội ở mắt, như bị kim hoặc dao đâm.

Anat Galor, phó giáo sư nhãn khoa lâm sàng tại Viện mắt Bascom Palmer, Đại học Miami (Hoa Kỳ), và các chuyên gia khác đã chỉ ra trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 rằng, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Femtosecond gây ra tổn thương đến các dây thần kinh giác mạc do giác mạc bị mài mòn, và tình trạng đau mắt dai dẳng hậu phẫu thuật mà một số bệnh nhân gặp phải có thể là do dây thần kinh giác mạc bị tổn thương.

Ở một số bệnh nhân, những thay đổi về bệnh lý thần kinh này có thể là nguyên nhân gây ra một số triệu chứng khô mắt lâu dài sau khi phẫu thuật laser.

Tiến sĩ Cynthia MacKay, người đã nhận được danh hiệu cao quý từ Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ, là một trong số ít bác sĩ lên tiếng phản đối phương pháp này, nói rằng nó sẽ cắt các dây thần kinh giác mạc nhỏ, làm mỏng, yếu giác mạc và thay đổi vĩnh viễn hình dạng của mắt.

Cô nói với tờ New York Times rằng sau khi phẫu thuật laser, mắt của bệnh nhân đều mất độ nhạy tương phản, khả năng phân biệt sắc thái của màu xám ở mức độ nào đó.

Một bài báo trên tạp chí BMJ Open Ophthalmology năm 2018 đã đề cập rằng, các biến chứng như biểu mô giác mạc mọc ngược có thể xảy ra giữa các vạt giác mạc bị cắt.

Sau cuộc phẫu thuật chữa cận thị bằng laser đầu tiên, xác suất phát triển biến chứng biểu mô giác mạc mọc ngược sẽ là từ 0% đến 3.9%.

Nếu do một số trường hợp, chẳng hạn như mức độ chỉnh sửa mong muốn không đạt được và phải tái thực hiện phẫu thuật, xác suất sẽ tăng lên từ 10% đến 20%.

Trường hợp còn lại là chứng ectasia giác mạc hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Sau khi phẫu thuật, giác mạc bị mỏng đi có thể không chịu được áp lực bên trong mắt, khiến bề mặt giác mạc bị lõm xuống hoặc phồng lên, kèm theo đó là giảm thị lực.

Scott Petty, một bệnh nhân ở Houston (Hoa Kỳ), được chẩn đoán mắc chứng ectasia 6 tháng sau khi phẫu thuật laser, và ngay cả khi được điều trị, thị lực của anh vẫn tiếp tục kém đi. Nó khiến anh rất đau khổ, như có dầu nóng trong mắt, khiến anh “suýt tự tử”.

Các phương pháp điều trị chứng ectasia hiện nay bao gồm đeo kính áp tròng cứng, phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và ở một số người, phải cấy ghép giác mạc.

Một cuộc khảo sát năm 2017 về các nghiên cứu của Hoa Kỳ cho thấy chứng ectasia có thể xảy ra vài ngày đến một tuần sau khi phẫu thuật laser hoặc muộn nhất là vài năm. 50% trường hợp xuất hiện trong năm đầu tiên và khoảng 80% trong vòng hai năm tiếp theo.

>> Xem tiếp: Rủi ro của phương pháp chữa cận thị bằng laser (Phần 2)

Hoàng Tuấn
Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Rủi ro của phương pháp chữa cận thị bằng laser: Những gì các chuyên gia đã không nói với bạn (Phần 1)