Rủi ro của việc sinh con đối với đàn ông lớn tuổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không có bất kỳ giới hạn nào ngăn đàn ông có thể sinh con. Tuy nhiên, tuổi tác càng cao càng khiến trẻ có nguy cơ mắc nhiều vấn đề về sức khỏe.

Tinh trùng của nam giới được sản xuất hàng ngày trong suốt cả cuộc đời, nhưng thuận theo tuổi tác, số lượng và chất lượng của chúng sẽ bị giảm dần, theo Vnexpress.

Giáo sư Suks Minhas, Chuyên gia Tư vấn về Tiết niệu và Nam khoa tại Phòng khám Sinh sản Lister, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe HCA Healthcare, cho biết thời điểm tốt nhất để nam giới có con nên nằm trong phạm vi từ 20 - 30 tuổi.

Ông giải thích, sau 40 tuổi, chất lượng tinh dịch của nam giới giảm xuống, do đó khả năng thụ tinh cũng giảm theo. Đặc biệt, đàn ông 45 tuổi thậm chí có thể phải mất hai năm để cùng vợ thụ thai thành công.

Rủi ro của việc sinh con đối với đàn ông lớn tuổi

Các chuyên gia cho biết không có bất kỳ giới hạn về độ tuổi nào ngăn đàn ông có thể sinh con, nhưng độ tuổi càng lớn thì mức độ rủi ro đối với em bé sinh ra càng cao, theo Webmd.

Đàn ông sau 50 tuổi, chất lượng tinh trùng sẽ bị suy giảm do tinh hoàn trở nên mềm và nhỏ hơn, tinh trùng bị biến dạng và chậm, bộ phận sinh dục ít được cung cấp máu hơn và mức testosterone cũng thấp.

Do đó, em bé sinh ra có rủi ro mắc các chứng rối loạn di truyền cao hơn, khả năng sinh con nhẹ cân hoặc gặp các vấn đề khi sinh cũng tăng lên đáng kể. Mặt khác, trẻ còn đối mặt với những nguy cơ biến chứng tâm thần như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực…

Chất lượng tinh trùng giảm cũng làm tăng khả năng sinh non. Người ta ước tính rằng đàn ông sau 45 tuổi có 14% khả năng sinh non, và tỷ lệ này gấp đôi khi bước sang tuổi 50 trở đi.

Chưa hết, nghiên cứu cho thấy tuổi tác đàn ông có thể tác động đến sức khỏe của người mẹ khi mang thai. Đàn ông càng lớn tuổi, thì phụ nữ càng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ lớn hơn, và đối mặt với nguy cơ phải sinh mổ.

Ngoài yếu tố do tuổi tác, lối sống kém khoa học với nhiều thói quen xấu như hút thuốc lá, dùng vape (thuốc lá điện tử), chế độ ăn uống kém lành mạnh, uống rượu, sử dụng chất kích thích hay béo phì đều tác động đến cách tinh trùng hoạt động, khiến chúng bơi vòng tròn thay vì bơi thẳng, từ đó dẫn đến tình trạng vô sinh, theo Vnexpress.

Nghiên cứu: Làm bố càng trẻ thì khả năng tử vong ở độ tuổi trung niên cũng lớn hơn

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Epidemiology & Community Health cho thấy, việc trở thành bố trước 25 tuổi có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, mà cụ thể là khả năng tử vong ở tuổi trung niên, theo Health US News.

Các nhà nghiên cứu theo dõi hơn 30.500 người đàn ông sinh từ năm 1940 đến 1950. Trong đó:

  • 15% có con đầu lòng vào năm 22 tuổi;
  • 29% có con ở độ tuổi từ 22 đến 24;
  • 18% có con ở độ tuổi từ 25 đến 26;
  • 19% có con ở độ tuổi từ 27 đến 29;
  • 19% ở độ tuổi từ 30 đến 44.

Nhóm nghiên cứu cũng xem xét các yếu tố khác, chẳng hạn như trình độ học vấn, vị trí địa lý, tình trạng hôn nhân và số con của nam giới.

Trong thời gian mười năm theo dõi, cứ 20 người thì có 1 người tử vong. Bệnh tim thiếu máu cục bộ là nguyên nhân gây ra 21% số ca tử vong, trong khi các bệnh liên quan đến rượu chiếm 16%.

Ngoài ra:

  • Những người làm bố ở độ tuổi 22 có nguy cơ chết ở tuổi trung niên cao hơn 26% so với những người đến tuổi 25 hoặc 26 mới có con đầu lòng;
  • Những người sinh con đầu lòng trong độ tuổi từ 30 đến 44 có nguy cơ tử vong thấp hơn 25% so với những người đã có con ở độ tuổi 25 và 26.

Ông Gordon E. Finley, Giáo sư Tâm lý danh dự tại Đại học Quốc tế Florida, cho biết thời điểm tối ưu để làm cha nên nằm trong độ tuổi từ 25 đến 39, tùy thuộc vào tình cảm và tài chính của một người đàn ông.

Về cơ bản, nam giới ở độ tuổi xấp xỉ 30 gần như đã hoàn thành chương trình giáo dục, ổn định sự nghiệp, tài chính, có ý thức rõ ràng và mong muốn đóng góp cho thế hệ tiếp theo, ông Finley nói.

Giáo sư Finley giải thích thêm: “Các ông bố trẻ thường căng thẳng hơn trong một loạt các lĩnh vực khác và họ thường chưa sẵn sàng cho việc làm cha”. Một số có thể nhận ra rằng họ còn quá non nớt và không có đủ tiền.

Áp lực khi phải nuôi con sẽ tạo ra những hệ lụy bất ổn cho tâm lý. Về lâu dài, chúng có thể khiến một người sa vào những thói quen xấu như uống rượu nhiều hơn, hút thuốc, làm việc vất vả dẫn đến ăn uống thất thường, nghỉ ngơi kém… Những yếu tố này đều có khả năng ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Ngược lại, những người làm cha trong độ tuổi từ 30 đến 40 dường như đã vượt qua tất cả những trở ngại về tài chính và sự nghiệp. Do đó, họ sẽ tự tin hơn trong việc nuôi dạy con cái và lo lắng cho gia đình, tâm lý của họ cũng vững vàng hơn.

Bảo Vy



BÀI CHỌN LỌC

Rủi ro của việc sinh con đối với đàn ông lớn tuổi