Sau 2 tuần giãn cách xã hội ở TP. HCM, số ca Covid-19 vẫn tăng mạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 14/6 là thời điểm kết thúc 2 tuần giãn cách xã hội ở TP. HCM. Liệu thành phố có tiếp tục giãn cách xã hội hay không trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng?

Sau gần 2 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 toàn thành phố và theo Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), tình hình dịch Covid-19 tại TP. HCM vẫn đáng lo ngại.

"Chỉ trong 15 ngày qua số ca nhiễm của TP. HCM đã tăng nhanh và xếp thứ ba cả nước", Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong nói tại cuộc họp của Ban chỉ đạo chống Covid ngày 11/6.

Tính đến ngày 12/6, TP. HCM ghi nhận tổng cộng gần 700 ca mắc Covid-19 trong 2 tuần qua, chỉ đứng sau Bắc Giang và Bắc Ninh.

Số ca nhiễm Covid-19 ở TP. HCM tăng trở lại

Theo số liệu của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 tại TP. HCM giảm dần trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội. Ngày 1/6, thành phố có 70 bệnh nhân được công bố, ngày 2/6 là 31 ca, ngày 3/6 là 30 ca và ngày 4/6 chỉ còn 26 ca.

Nhưng gần nhất, số bệnh nhân được công bố tại TP. HCM có xu hướng ngày càng tăng. Ngày 9/6 thành phố ghi nhận 40 ca, ngày 10/6 là 61 ca, ngày 11/6 là 48 ca. Đến ngày 12/6, thành phố có 84 người mắc Covid-19, cao nhất trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Thậm chí, tối ngày 12/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM cho biết có 22 trường hợp nghi nhiễm là nhân viên của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Những người này gồm 7 nhân viên phòng Công nghệ thông tin và 15 nhân viên phòng Hành chính Quản trị.

TP.HCM trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 từ 0h ngày 31/5. (Ảnh: Bạch Cúc)

Nhiều ca không xác định được nguồn lây

Khác với những đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đây, TP. HCM phải trải qua những dấu hiệu đáng lo ngại về dịch tễ. Ca bệnh đã nhen nhóm xuất hiện trong môi trường bệnh viện, khu công nghiệp. Và hiện tượng đáng lo ngại nhất, những bệnh nhân chưa tìm được nguồn lây.

Trong cuộc họp ngày 11/6, Chủ tịch TP. HCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận việc xuất hiện những ca bệnh không rõ nguồn lây chứng tỏ dịch Covid-19 trong cộng đồng thời gian qua vẫn chưa kiểm soát được hết.

"Việc khó nhất của thành phố hiện tại là số ca nhiễm được phát hiện thông qua khám sàng lọc tại bệnh viện ngày càng tăng. Đây là điều đáng lo", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Từ ngày 10/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM đã phát thông báo về một chuỗi lây nhiễm mới trên địa bàn. Chuỗi lây nhiễm này được phát hiện thông qua mối liên hệ giữa những bệnh nhân mắc Covid-19 chưa rõ nguồn lây.

Đến nay thành phố phát hiện thêm 109 bệnh nhân chưa rõ nguồn lây thông qua khám sàng lọc ở bệnh viện và người liên quan. Trong đó có hai chuỗi dịch lớn chưa rõ nguồn lây là ở xưởng cơ khí huyện Hóc Môn và ở chung cư Ehome 3, quận Bình Tân.

Một khu vực bị phong tỏa do có ca nhiễm COVID-19 tại TP. HCM. (Ảnh: tytphuong5qtb.medinet.gov.vn)
Một khu vực bị phong tỏa do có ca nhiễm COVID-19 tại TP. HCM. (Ảnh: tytphuong5qtb.medinet.gov.vn)

TP. HCM chuẩn bị 5.000 giường điều trị Covid-19

TP. HCM đang điều trị 736 bệnh nhân Covid, hai bệnh nhân đã tử vong, 9 bệnh nhân rất nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Riêng hôm 12/6, các bệnh viện TP. HCM tiếp nhận 117 ca Covid-19, là số nhập viện cao nhất tính theo ngày kể từ 29/5.

Hôm 12/6, Sở Y tế cho biết thành phố đang lên phương án chuẩn bị cho tình huống 5.000 ca nhiễm với 5.000 giường bệnh, 1.000 máy thở.

Theo đó, ngành y tế chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, hóa chất. Đặc biệt là sẵn sàng cơ sở điều trị để có thể tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân Covid-19.

7 bệnh viện của thành phố đã được phân công nhiệm vụ "chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19", gồm Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới, Dã chiến Củ Chi, Covid-19 Cần Giờ, Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 2 và Phạm Ngọc Thạch. Tổng công suất điều trị đạt 2.000 giường bệnh, trong đó có 1.000 giường hồi sức và 1.000 máy thở.

Khu cách ly tập trung tại Ký túc xá Trung tâm GDQP-AN, ĐH Quốc gia TP.HCM đã tiếp nhận 589 người liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Có tiếp tục giãn cách xã hội không?

Ngày 14/6 là thời điểm kết thúc 2 tuần giãn cách xã hội ở TP. HCM. Người dân ở đây đang rất quan tâm về việc thành phố có tiếp tục giãn cách xã hội hay không?

Tuy nhiên cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. HCM ngày 11/6 vẫn chưa quyết định có gia hạn thời gian giãn cách xã hội nữa hay không.

Chủ tịch thành phố đã giao Phó chủ tịch Dương Anh Đức cùng các sở ngành liên quan họp với quận Gò Vấp và 12 (nơi đang có khu vực giãn cách xã hội theo chỉ thị 16), đồng thời nghiên cứu tình hình sớm đề xuất phương án cho Ban chỉ đạo quyết định.

Chốt kiểm soát ra vào quận Gò Vấp, TP. HCM.
Chốt kiểm soát ra vào quận Gò Vấp, TP. HCM. (Ảnh: Bạch Cúc)

Một số ý kiến của độc giả chia sẻ với báo Tuổi trẻ:

  • Bạn đọc Võ Văn Thoại: "Quận 12 và Gò Vấp nên thêm 1 tuần. Để các quận khác tạm ngừng giãn cách để xem tình hình toàn TP. HCM thế nào. Nếu số ca nhiễm tăng thì áp dụng giãn cách trở lại 2 tuần. Vừa để không gây ảnh hưởng khó khăn cho người dân, vừa nhắc khéo người dân cần nghiêm túc phòng ngừa và tuân thủ 5K".
  • Bạn đọc Trần Trung Hiếu: "Ý kiến riêng tôi, nên giãn cách TP. HCM 15 ngày, không cho người dân ra khỏi nhà, lấy mẫu toàn cư dân TP.HCM. Riêng gia đình tôi ủng hộ dập dịch theo cách này, thà mất thu nhập 15 ngày, còn hơn mất mạng".
  • Bạn đọc Nguyễn Bá Toàn: "TP. HCM nên cân nhắc cho kỹ, chứ đời sống bị ngưng trệ, người lao động mất việc, thu nhập giảm sâu. Một khi nền kinh tế bị khủng hoảng thì khó cứu vãn. Do vậy nên dừng áp dụng các chỉ thị 15, 16".
  • Bạn đọc Nguyễn Phan Thiên Mạch băn khoăn: "Tỉ lệ tử vong của COVID-19 tại nước ta rất thấp, còn thấp hơn nhiều bệnh khác, năng lực chữa của y tế chúng ta rất tốt nhưng lại không tập trung vào chữa lại cứ phòng bệnh kiểu này, giết chết cả nền kinh tế... Theo tôi là không giãn cách nữa, phổ biến phác đồ chữa trị hiện nay của các cơ sở y tế đối với bệnh này, tăng cường xét nghiệm và tiến tới dùng vaccine".
  • Bạn đọc Nguyễn Văn Mẫn: "Chỉ nên cách ly hoặc giãn cách khu vực có nguy cơ cao thôi. Biết rằng phòng dịch là tốt, nếu giãn cách xã hội mà hết dịch thì giãn cách bao nhiêu ngày cũng được, đằng này trong thời gian giãn cách số ca nhiễm vẫn tăng và phức tạp, cần phải có nhiều giải pháp khác...".
Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019. Chính quyền Bắc Kinh đã che giấu thông tin khiến dịch bệnh nhanh chóng lan khắp Trung Quốc và thế giới. Đến nay, dịch Covid-19 đã truyền đến hơn 200 quốc gia, khiến hơn 180 triệu người nhiễm bệnh và hơn 4 triệu người tử vong.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Sau 2 tuần giãn cách xã hội ở TP. HCM, số ca Covid-19 vẫn tăng mạnh