Sơ cấp cứu liệu có khó lắm không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những hiểu biết về sơ cấp cứu có thể là chiếc phao cứu sinh bảo vệ mạng sống của bạn và những người xung quanh...

Ý tưởng sơ cấp cứu đến từ đâu?

Ý tưởng sơ cấp cứu (SCC) được bắt đầu trong chiến tranh. Khi có quá nhiều người bị thương và cần được chăm sóc, những người tình nguyện đã bất chấp nguy hiểm, phe phái trên chiến trường để giúp đỡ các binh sĩ sơ cứu vết thương.

Năm 1863, Hội Chữ thập đỏ quốc tế ra đời, là một phong trào nhân đạo với sự tham gia của các tình nguyện viên. Nguyên tắc của Hội là nhân đạo, vô tư, trung lập, độc lập, tự nguyện, thống nhất, và toàn cầu. Trong đó, sự trung lập cho phép họ có thể giúp đỡ những người bị thương, đồng thời vẫn đảm bảo sự an toàn cho chính mình trên chiến trường.

Tuy nhiên, thuật ngữ “Sơ cấp cứu - first aid” chỉ được đề xuất áp dụng trong dân thường hơn một thập kỷ sau đó, vào năm 1878.

Từ đó trở đi, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (*) đã thống nhất và cập nhật thường xuyên những chương trình đào tạo về SCC trong mạng lưới của Hội tại 190 quốc gia thành viên.

Esmarch Bandage đang chỉ cho binh sĩ cách thực hiện sơ cấp cứu ban đầu... (Wikipedia)

Vậy sơ cấp cứu là gì?

Theo một cách ngắn gọn, SCC là cung cấp sự hỗ trợ ngay lập tức cho người bị bệnh hoặc bị thương, cho đến khi có sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Việc này có thể được bắt đầu bởi bất cứ ai, trong mọi tình huống, và bao gồm cả tự chăm sóc bản thân.

Các tình huống cần thực hiện sơ cấp cứu

Phạm vi của SCC rất rộng: Lũ lụt, cháy, bão, tuyết lở, đợt nắng nóng, tai nạn công nghiệp…đều có thể gây ra hậu quả thảm khốc đến người dân và cần có lực lượng SCC. Tuy nhiên SCC cũng bao gồm những tình huống xảy ra hàng ngày như: ngất xỉu, bỏng, ngã, nhiễm độc, đuối nước, tai nạn giao thông… tại nhà, trường học, nơi làm việc hay bất cứ địa điểm nào khác.

Mặc dù vậy, không phải lúc nào người bị nạn cũng ở trong tình huống nguy hiểm đến tính mạng như ngừng tim hay ngừng thở, cần hồi sinh tim phổi (CPR) như nhiều người nghĩ. Đa số các tình huống cấp cứu ở mức độ nhẹ, chỉ cần sơ cứu và có thể tự hồi phục mà không cần chăm sóc y tế về sau; hoặc ở mức độ trung bình, tức là sau khi sơ cứu thì cần thêm chăm sóc y tế chuyên nghiệp mới có thể hồi phục.

Các loại túi sơ cấp cứu được sử dụng trong khi đi du lịch, nhỏ gọn và vừa đủ để nhét vào một ngăn balo...

Cách tiếp cận bệnh nhân, kêu gọi hỗ trợ, giữ an toàn cho bản thân và người bị nạn, SCC trong các trường hợp bị thương (dị vật, bỏng, chảy máu, chấn thương), các trường hợp bệnh lý (dị ứng, ngộ độc, khó thở, đau ngực, đột quỵ, mất nước và các vấn đề tiêu hóa, co giật, động kinh…), các vấn đề sức khỏe do môi trường (nóng, lạnh, độ cao, phóng xạ), các vết thương do động vật hay côn trùng cắn, đuối nước, cấp cứu hồi sinh tim phổi và hỗ trợ tâm lý là những vấn đề phổ biến mà tất cả chúng ta đều nên có kiến thức và kỹ năng xử lý.

Những ai có thể tham gia hoạt động này?

Hội Chữ thập đỏ quốc tế đã xác định tiến trình và xu hướng trong cập nhật mới nhất của họ năm 2016 đó là: Chăm sóc sức khỏe và SCC dựa vào cộng đồng. Tức là cần thừa nhận người dân là trọng tâm của hệ thống phòng ngừa và ứng phó trong các tình huống khẩn cấp chứ không phải là lực lượng cấp cứu. Do đó Hội vận động để tất cả mọi người và ít nhất một người trong gia đình có thể tiếp cận được với các khóa học SCC, bất kể tình trạng xã hội của họ hay các yếu tố phân biệt đối xử khác.

Làm thế nào để có kiến thức về SCC?

Tại Việt Nam, để có kiến thức về SCC, Hội Chữ thập đỏ và nhiều các cơ sở đào tạo tư nhân được cấp phép khác đều có tổ chức các lớp tập huấn về sơ cấp cứu từ cơ bản đến nâng cao cho tất cả các đối tượng từ trẻ em, người lớn, người lao động.

Ngoài ra, chúng ta nên tìm hiểu và thường xuyên cập nhật kiến thức về SCC qua các trang thông tin có uy tín trên Internet, hay các hiệp hội sức khỏe có uy tín khác. Thêm vào đó, một số ứng dụng trên điện thoại thông minh cung cấp các hướng dẫn về SCC cũng rất hữu ích.

Càng trang bị thông tin và được huấn luyện tốt, chúng ta càng có thể ứng phó tốt hơn trong các tình huống nguy hiểm. Tuy nhiên, trong các tình huống mà bạn cảm thấy rằng vượt quá khả năng cá nhân của bạn, bạn không nên ngần ngại gọi hỗ trợ khẩn cấp từ các trung tâm cấp cứu trong hệ thống quốc gia (**).

(*) Lá cờ của phong trào này là Chữ thập đỏ trên nền trắng, vốn là Quốc kỳ Thụy Sĩ đảo màu. Do biểu tượng này không thích hợp với niềm tin tôn giáo ở một số nước, nên biểu tượng Trăng lưỡi liềm đỏ được dùng thay ở hầu hết các nước Hồi giáo.

(**) Số điện thoại cho đội cấp cứu: 115, 114, 113.

Thùy Trang (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:



BÀI CHỌN LỌC

Sơ cấp cứu liệu có khó lắm không?