Sử dụng bàn phím máy tính thay thế chữ viết tay làm giảm kết nối chức năng giữa các vùng nhận thức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc thay thế chữ viết tay bằng bàn phím máy tính ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ và kỹ năng kiểm soát.

Thống kê cho thấy việc sử dụng các thiết bị điện tử ngày càng tăng trong thói quen đọc của người Mỹ. Khảo sát cho thấy 72% người trưởng thành đọc một cuốn sách trong năm qua và có tới gần một phần ba còn lại là đọc bằng sách điện tử, theo Pew.

Việc đọc sách bằng các thiết bị điện tử không đáng lo ngại đối với người lớn, nhưng rất cần lưu ý với trẻ nhỏ. Hiện nay, các thiết bị này thay thế việc đọc viết truyền thống trên giấy trong nhiều trường học, làm dấy lên mối lo lắng về việc mất đi những ảnh hưởng tích cực của trải nghiệm này với sự phát triển não bộ của trẻ.

“Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy rằng việc dùng màn hình điện tử ảnh hưởng nhiều tới nhận thức (ví dụ như quá trình não bộ xử lý tri thức, hành động) và kết quả học tập (thành tích, khả năng học tập) ở thanh thiếu niên và trẻ nhỏ”, theo một phân tích tổng hợp đăng trên tạp chí JAMA Pediatrics.

“Cụ thể, nghiên cứu thực nghiệm gần đây đã báo cáo rằng việc sử dụng màn hình điện tử có thể làm giảm kết nối chức năng giữa các vùng nhận thức”.

Tạp chí chuyên nghiên cứu việc đọc sách đã phát hiện ra rằng: “đọc sách trên giấy hiệu quả và giúp người đọc biết được hiệu suất của mình hơn là đọc trên màn hình”. Đọc sách trên giấy đôi khi còn được gọi là quá trình siêu nhận thức.

Ảnh hưởng của việc đọc trên màn hình được nghiên cứu đặc biệt ở trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Nghiên cứu trên tạp chí Thần kinh học về trẻ em bị ADHD và rối loạn phổ tự kỷ (ASD) cho thấy tình trạng này có liên quan đến việc kém thực thi các kỹ năng bao gồm kỹ năng vận động tinh, viết tay, v.v.

Các nhà nghiên cứu lưu ý: “Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn phổ tự kỷ (ASD) có thể do suy giảm khả năng vận động. Ngoài ra, một số trẻ được chẩn đoán mắc kèm theo chứng rối loạn phối hợp phát triển (DCD)”.

Sự khác biệt rõ ràng ở não bộ giữa học tập trên màn hình và không trên màn hình. (Ảnh: pexels.com)

Nghiên cứu gần đây trên tạp chí eBioMedicine nhấn mạnh sự khác biệt rõ ràng ở não bộ giữa học tập trên màn hình và không trên màn hình. Các tác giả phát hiện rằng trẻ em có nguy cơ mắc ADHD cao hơn hoặc có các triệu chứng ADHD nghiêm trọng hơn thường có thời gian sử dụng màn hình lâu hơn”.

Cũng như nghiên cứu trên tạp chí Thần kinh học, các tác giả của eBioMedicine cố gắng theo dõi các ảnh hưởng ở não và thấy rằng “dấu vết” trong chất trắng của não “có liên kết với các chức năng về thị giác”.

Trong khi đó, thời gian sử dụng màn hình quá nhiều thì chắc chắn có ảnh hưởng tới chức năng thị giác. Một bài báo trên Tạp chí Attention Disorders (Rối loạn chú ý) cũng có phát hiện tương tự, “việc tiếp xúc với màn hình làm tăng nguy cơ dẫn đến sự thiếu tập trung và hành vi hiếu động thái quá/bốc đồng”, ở một nhóm trẻ em thành thị Trung Quốc được nghiên cứu.

Còn giáo sư Jeanne Stolzer - chuyên về sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên tại Đại học Nebraska–Kearney thì cảnh báo rằng, ADHD có thể bị lạm dụng trong chẩn đoán để tiếp thị thuốc tới các bé trai bởi các nhà sản xuất do lợi nhuận, ví dụ như thuốc methylphenidate có thành phần amphetamine (một chất kích thích hệ thần kinh trung ương mạnh được sử dụng trong điều trị ADHD).

Trong một bài báo có tựa đề “Tất cả các cậu bé đã đi đâu?” Stolzer cảnh báo rằng, “cách học tập, cư xử và phản ứng của nữ sinh đã trở thành 'tiêu chuẩn vàng' trong lớp học. Do đó nếu các nam sinh không theo tiêu chuẩn này thì giáo viên cho là họ đang bị rối loạn nhận thức hoặc rối loạn thần kinh.

Cũng có những nghiên cứu về sự liên quan giữa ADHD và phơi nhiễm các chất độc hại từ trong bào thai gồm ma tuý, khói thuốc cũng như sinh non, nhẹ cân...

Một nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia tài trợ đã tìm hiểu ảnh hưởng qua lại giữa tăng động giảm chú ý và việc tiếp xúc với acetaminophen trước khi sinh. Đây là một loại thuốc giảm đau phổ biến mà nhiều thai phụ có thể dùng.

Chữ viết tay đang dần biến mất

Hầu hết người lớn nhận ra rằng họ dành rất ít hoặc không còn thời gian cho viết tay, mà sẽ nhắn tin và soạn thảo trên các thiết bị điện tử.

Ngay cả những tài liệu cần chữ ký giờ cũng cho phép ký tắt hoặc đánh dấu, nhất là khi chúng ta làm việc online như hiện nay. Tuy nhiên, cho đến giờ vẫn có thể nói rằng đọc và viết trên giấy là nền tảng của giáo dục sớm.

Từ năm 1996, Betty Sheffield đã cảnh báo trên tạp chí Annals of Dyslexia rằng, “chương trình giảng dạy tại các trường học đang thiếu quan tâm đến tầm quan trọng của chữ viết tay”, cả ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Các nhà giáo dục “dường như không nhận thức được lợi ích của việc giáo dục sớm tích cực từ chữ viết tay.

Khi viết tay, “các vùng đỉnh và trung tâm của não cho thấy điện não đồ có sóng não tăng trong dải theta (3 đến 8 Hz). (Ảnh: pexels.com)

Thường thì việc lựa chọn dạy cái gì, dạy như thế nào và khi nào dạy tùy thuộc vào mỗi giáo viên. Nhưng họ lại không được chuẩn bị đầy đủ cho việc dạy chữ viết tay”, Sheffield viết. “Việc quyết định xem nên bắt đầu từ bản viết tay hay chữ thảo (cách viết mà trong đó các ký tự được viết nối liền nhau, thường nhằm mục đích viết nhanh hơn) dường như dựa trên phong tục và quan điểm thay vì bất kỳ bằng chứng thực nghiệm chắc chắn nào.”

Vào năm 2020, nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Psychology đã dùng điện não đồ mật độ cao để so sánh hoạt động của não trong quá trình viết tay, đánh máy và vẽ. Qua đó xác định được chữ viết tay có thể ảnh hưởng tích cực đến mức độ ghi nhớ thông tin của học sinh.

Khi viết tay, “các vùng đỉnh và trung tâm của não cho thấy điện não đồ có sóng não tăng trong dải theta (3 đến 8 Hz)”, các tác giả viết. “Các tài liệu hiện có cho thấy việc sóng não dao động như vậy trong những vùng não cụ thể là rất quan trọng đối với trí nhớ và sự mã hóa thông tin mới. Nhờ đó, nó cung cấp cho não những điều kiện tối ưu để học tập.”

Các nhà nghiên cứu viết: “Chúng tôi gợi ý rằng ngay từ nhỏ trẻ em phải được tiếp xúc với các hoạt động viết tay và vẽ ở trường để thiết lập các mô hình dao động thần kinh có lợi cho việc học tập”.

“Chúng tôi kết luận rằng, việc tích hợp cảm giác và vận động khi sử dụng các giác quan đem lại nhiều lợi ích, cũng như giúp các chuyển động tay được kiểm soát tốt và chính xác khi viết, vẽ… nên cần phải duy trì cả hai hoạt động này trong môi trường học tập để tạo điều kiện thuận lợi và tối ưu hóa việc học cho trẻ.”

Những lợi ích của tập viết đã được trích dẫn trên tạp chí Khoa học Tâm lý. Cụ thể, "viết tay giúp khả năng học nhanh hơn, khái quát hóa tốt hơn so với thực hành không vận động."

Các chuyên gia lên tiếng

Catherine Drew Gilpin Faust, cựu hiệu trưởng của Đại học Harvard, đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng Thế hệ Z (genZ) - nhóm trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay chưa học đọc chữ thảo, bà nói trong một bài luận trên The Atlantic.

Theo Faust, chữ thảo đã bị bỏ qua trong các tiêu chuẩn quốc gia mới về Cốt lõi chung cho giáo dục K–12 từ năm 2010. Cô ấy thấy trong lớp học của mình hai phần ba học sinh còn không thể đọc được chữ thảo, chứ chưa nói đến việc có thể viết nó.

“Các sinh viên đã làm gì với chữ ký?” cô ấy nhấn mạnh. “Họ đã tạo ra chúng bằng cách kết hợp dấu tích của bất kỳ hướng dẫn chữ thảo nào với những nét vẽ nguệch ngoạc và hoa văn tự tạo.”

Sinh viên có thể đọc nhận xét viết tay của giáo sư trên các bài luận và bài kiểm tra của họ không? Nhiều người nói rằng họ không thể. Điều này khiến Faust tự hỏi liệu các giáo sư có biết những nhận xét viết tay của họ đã bị bỏ qua hay không.

Faust nói, khi chữ thảo lần đầu tiên bị xóa khỏi các tiêu chuẩn Cốt lõi chung, nó đã gây ra sự phản đối kịch liệt. Những người phản đối cho biết chữ viết tay cung cấp các kết nối quan trọng giữa bàn tay và bộ não, kỷ luật tự giác và bản sắc cá nhân.

Ở một số bang, những người phản đối đã thành công trong việc giới thiệu lại một số hướng dẫn viết tay nhưng Faust tin rằng chữ viết tay đang dần bị loại bỏ.

“Xét cho cùng thì chữ viết cũng là một công nghệ, và hầu hết các công nghệ sớm muộn gì cũng bị lỗi thời và thay thế”, cô nói.

Vẫn có lý do để lạc quan

Một số nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách duy trì các hiệu ứng tích cực của não bộ khi học bằng màn hình để cố gắng tận dụng ưu điểm của công nghệ thay vì quay lưng. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature về việc viết trên màn hình cảm ứng với một tư thế tay mới lạ mà họ gọi là FingerPen, cho phép vẫn có được những lợi ích của chữ viết tay trên màn hình kỹ thuật số.

Các khoa học gia cho biết: “Một nghiên cứu tiến hành trên người dùng cho thấy FingerPen được họ đánh giá cao vì giúp nét viết chính xác”.

Nghiên cứu trên tạp chí Frontiers of Psychology cũng ủng hộ ý tưởng về một mô hình kết hợp giữa chữ viết và màn hình bởi “ném chuột kẻo vỡ bình". Các tác giả viết: “Đối với những người trẻ tuổi, chúng tôi nhận thấy khi viết bằng bút kỹ thuật số trên màn hình cảm ứng, các vùng đỉnh và vùng trung tâm ở não cũng cho thấy sóng điện trong dải theta” . Đây là một dấu hiệu tích cực, các tác giả viết.

Cát Mộc

(Theo The Epoch Times tiếng Anh)



BÀI CHỌN LỌC

Sử dụng bàn phím máy tính thay thế chữ viết tay làm giảm kết nối chức năng giữa các vùng nhận thức