Sử dụng kem chống nắng thế nào cho hiệu quả tốt nhất? 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chọn loại kem nào, khi nào cần sử dụng, bôi sao cho đúng và những lưu ý kèm theo là những điều bạn cần biết khi sử dụng kem chống nắng.

Kem chống nắng là sản phẩm gần như không thể thiếu của các chị em khi bước ra khỏi nhà, nhất là vào những ngày hè nắng chói chang. Công dụng chủ yếu của kem chống nắng là ngăn chặn tia cực tím (UV) gây tổn thương đến da, ngoài ra còn có thể bảo vệ làn da trước khói bụi, dưỡng ẩm,...

Chỉ số SPF/PA: yếu tố được quan tâm nhất khi chọn kem chống nắng

Hai loại tia cực tím cơ bản là UVA và UVB. Cả hai loại đều không tốt cho da, có thể gây kích ứng da, lão hóa và ung thư da. Tia UVA có hại hơn vì khả năng thâm nhập vào da sâu hơn, có thể xuyên qua thủy tinh, và luôn tồn tại bất kể trời râm hay nắng.

SPF (Sun Protection Factor) là chỉ số đo lường mức độ khả năng chống tia UVB, có giá trị trong khoảng 15-100. Thông số được ghi trên sản phẩm thường là SPF 15, SPF 30, SPF 50+. Theo tiêu chuẩn, 1 SPF có khả năng bảo vệ da trong 10 phút. Ngoài ra SPF càng cao thì khả năng ngăn chặn tia UVB càng lớn. Các sản phẩm kem chống nắng được khuyến nghị có SPF từ 15-50+, tương đương với khả năng ngăn chặn tia UVB từ 93% đến hơn 98%.

Chỉ số PA (Protection Grade of UVA) là chỉ số đo lường khả năng lọc tia UVA của kem chống nắng do Hiệp Hội Mỹ Phẩm Nhật Bản công bố. Thông thường trên bao bì các sản phẩm kem chống nắng thường có chỉ số PA kèm theo dấu “+”, trong đó chỉ số PA+ chỉ có khả năng chống tia UVA ở mức từ 40 - 50%, và cao nhất là PA++++ có khả năng chống tia UVA trên 95%..

Chỉ số SPF/PA bao nhiêu là tốt?

Kem chống nắng có chỉ số SPF trong khoảng 30 - 50+ là vừa đủ. Với làn da nhạy cảm, nhiều mụn thì sử dụng kem chống nắng có SPF 15 tới 30 nhằm tránh kích ứng da nhưng bù lại mức độ bảo vệ không cao.

Còn với chỉ số PA, nên ưu tiên sản phẩm có PA++ trở lên vì tính năng dưỡng da và mức độ bảo vệ hiệu quả nhất.

Những lưu ý về chỉ số SPF/PA

  1. Chỉ số SPF/PA cao không có nghĩa là thời gian bảo vệ lâu.
  2. Chỉ số SPF/PA cao vẫn cần sử dụng các công cụ chống nắng khác như khẩu trang, áo chống nắng.
Nắm bắt được các đặc tính của kem chống nắng sẽ giúp chúng ta chọn được loại nào phù hợp với làn da của mình.
Nắm bắt được các đặc tính của kem chống nắng sẽ giúp chúng ta chọn được loại nào phù hợp với làn da của mình. (Ảnh: Armin Rimoldi/Pexels)

Kem chống nắng vật lý và hóa học

Loại kem chống nắng vật lý (sunblock) hoạt động như một lớp chắn, phản xạ lại các tia UV và chặn không cho tia UV tác động xấu lên da.

Kem chống nắng hóa học (sunscreen) hấp thụ các tia UV và giải phóng chúng trước khi chúng ảnh hưởng đến da.

Mỗi loại đều có ưu nhược điểm riêng:

  • Sunblock bám lên da khá tốt, không thấm vào da và không gây kích ứng, sẽ hợp với những làn da nhạy cảm hoặc nhiều dầu, có mụn; tuy nhiên chất kem dày, dễ gây bí da, tắc lỗ chân lông, gây tối màu da.
  • Sunscreen đa dạng, kết cấu mỏng nhẹ, dễ thấm vào da, khả năng chống UV cao hơn, dễ hợp màu da, lượng kem phải dùng ít và có thể làm lớp lót trang điểm; nhược điểm là không hợp với da nhạy cảm, da dầu và da có mụn.

Trên thị trường hiện nay, kem chống nắng kết hợp vật lý và hóa học đã trở nên phổ biến, với thành phần gồm chất hóa học và các chất có khả năng chắn tia UV như titan dioxit, kẽm oxit. Kem kết hợp các ưu điểm của 2 loại kem sẽ là lựa chọn phù hợp với mọi làn da.

Nắm bắt được các đặc tính của kem chống nắng sẽ giúp chúng ta chọn được loại nào phù hợp với làn da của mình.

Tác dụng của kem chống nắng

  1. Ngăn ngừa bức xạ UV: Đây là công dụng điển hình nhất của kem chống nắng. Bức xạ UV có thể khiến bị cháy nắng, phá hủy các protein thiết yếu của da như collagen hay gelatin. Mặc dù ánh nắng mặt trời có rất nhiều lợi ích, như tổng hợp Vitamin D, chúng ta cũng cần có những biện pháp để ngăn chặn những ‘tia nắng’ có hại cho sức khỏe.
  2. Tăng cường sức khỏe của da: Do bảo vệ được các protein cần thiết cho da, kem chống nắng có thể giúp da tránh khỏi các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn hay nám da, một trong những điều gây ‘ám ảnh’ nhất đối với các chị em khi bước sang tuổi 30.
  3. Dưỡng da ẩm mịn, kiềm dầu, trị mụn: nhiều loại kem chống nắng hiện nay đưa thêm thành phần dưỡng da, kiềm dầu hay trị mụn, giúp dưỡng ẩm, khiến da trở nên mịn màng, giúp da kiểm soát lượng dầu thừa và ngăn ngừa mụn. Sự kết hợp này giúp tiết kiệm được chi phí và khiến nhiều người sử dụng kem chống nắng hơn.
  4. Làm kem nền trang điểm: Vừa có tác dụng chống nắng, lại vừa làm lớp lót trang điểm, rất tiện cho các chị em khi ăn diện đi ra nắng.

Khi nào cần bôi kem chống nắng

Với kem chống nắng hóa học, bôi kem chống nắng khoảng 30 phút trước khi ra nắng (để có kết quả tốt nhất) để da có thể hấp thụ và ít bị trôi khi đổ mồ hôi.

Dựa vào chỉ số SPF để biết được thời gian bao lâu cần bôi lại (1SPF có tác dụng trong 10 phút). Thông thường cần bôi lại sau 2h. Bôi lại kem chống sau khi bơi hoặc tập thể dục ở cường độ cao. Lưu ý cần rửa mặt lại sạch sẽ trước khi bôi.

Bôi kem chống nắng sau khi sử dụng các loại kem dưỡng da như huyết thanh dưỡng da hay dưỡng ẩm, vì bôi kem dưỡng da trước có thể làm ảnh hưởng đến kem chống nắng. Tuy nhiên hiện nay đã có nhiều sản phẩm kem chống nắng kèm theo dưỡng da.

Để bảo vệ làn da, hãy bôi kem chống nắng hàng ngày vào mùa hè! Một khi quan tâm đến chăm sóc da hàng ngày, kem chống nắng là một bước không thể thiếu. Dần dần tác dụng của kem chống nắng sẽ ngày càng rõ rệt.

Những lưu ý khi mua và bôi kem chống nắng

  1. Nên mua những sản phẩm có SPF 30 trở lên, trừ trường hợp da nhiều dầu hoặc bị mụn. Sử dụng loại kem kháng nước nếu cần thiết.
  2. Mua loại kem không chứa axit para-aminobenzoic (PABA) nếu da nhạy cảm với thành phần đó.
  3. Thông thường, lượng kem chống nắng có kích thước một đồng xu to là đủ để thoa lên da mặt. Theo chuyên gia, 2mg kem chống nắng/1cm2 da là lượng vừa đủ. Nếu muốn thoa kem toàn thân, lượng kem cần tối thiểu 25g, ước lượng chừng 1 chén rượu đầy.
  4. Lấy đủ lượng kem chống nắng ra bàn tay, chấm nhiều điểm trên mặt, sau đó tán kem và dùng các ngón tay vỗ nhẹ. Với loại kem quá đặc thì nên chia thành 2-3 lần. Không nên bôi kem kiểu vòng tròn vì dễ gây tắc lỗ chân lông.
  5. Cần bôi kem chống nắng quanh vùng mắt: Vùng mắt rất nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi tia UV hơn cả: dễ bị nhăn, thừa da hoặc chảy xệ. Cần chú ý cẩn thận khi thoa kem chống nắng quanh mắt.
  6. Bôi kem trên tất cả các phần da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là cổ, tai, vai, lưng, tay và chân.
  7. Tẩy trang làm sạch da vào cuối ngày sau khi dùng kem chống nắng.

Những sai lầm thường thấy khi sử dụng kem chống nắng

  1. Bôi kem chống nắng khi da bị mụn viêm, có vết thương hở: Với những làn da ‘kén chọn’ chúng ta cần mua những sản phẩm kem chống nắng thích hợp.
  2. Sử dụng kem chống nắng không đủ liều: Bôi ít kem sẽ khiến sản phẩm không phát huy được tác dụng.
  3. Không sử dụng công cụ chống nắng kèm theo: Kem chống nắng không thể ngăn chặn hoàn toàn 100% tia UV, vì vậy cần sử dụng áo, mũ, khẩu trang để đạt hiệu quả chống nắng.
  4. Chỉ trời nắng mới cần bôi kem chống nắng: Đây là sai lầm khá phổ biến của nhiều người. Chỉ cần có ánh sáng mặt trời, tia UVA vẫn luôn tồn tại.
  5. Không dùng kem chống nắng vì sở hữu làn da tối màu: Nhiều người có làn da không được trắng lắm hay chủ quan vì ‘ra nắng khiến đen một chút cũng không sao’. Tia UV không chỉ khiến da bị đen đi, chúng còn là nguyên nhân sinh ra bệnh về da.
  6. Chỉ bôi kem chống nắng cho da mặt: Các vị trí khác như tay, chân, cổ cũng cần được bảo vệ khỏi tia UV.
  7. Xịt trực tiếp lên mặt đối với loại kem xịt: Có thể trực tiếp lỡ hít phải kem chống nắng. Hãy xịt một ít lên tay và sau đó mới dùng ngón tay xoa đều lên da.

Quang Minh (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Sử dụng kem chống nắng thế nào cho hiệu quả tốt nhất?