Sự khác biệt giữa nhiễm vi khuẩn và nhiễm virus

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những hiểu biết về vi khuẩn và virus giúp chúng ta hiểu rõ cách thức chúng có thể gây hại cho con người để biết cách phòng ngừa, chiến đấu với chúng một cách hợp lý và hiệu quả...

Nhiễm trùng xảy ra khi một sinh vật lạ xâm nhập vào cơ thể người và gây hại. Mặc dù vi khuẩn và virus đều có thể gây nhiễm trùng từ nhẹ đến nghiêm trọng, nhưng chúng là hai loại vi sinh vật hoàn toàn khác nhau.

Do phương pháp điều trị vi khuẩn và virus không thể thay thế cho nhau, do đó xác định rõ nhiễm trùng do vi khuẩn hay virus là rất quan trọng. Chúng ta có thể gây ra tình trạng đề kháng kháng sinh nếu điều trị nhầm kháng sinh cho các trưởng hợp nhiễm virus.

Sự khác biệt về mặt vi sinh

Vi khuẩn và virus quá nhỏ để có thể nhìn thấy bằng mắt thường và chỉ có thể nhìn được dưới kính hiển vi. Chúng có thể gây ra các triệu chứng tương tự và thường có cùng con đường lây lan. Tuy nhiên, cấu trúc và cách tồn tại của chúng lại khác nhau.

Virus có kích thước từ đường kính khoảng 20 đến 400 nanomet. Hàng tỷ virus có thể chỉ vừa trên đầu của một cục pin. Virus có hình que, tròn, xoắn ốc v.v. Nó không thể tự sinh sản ngoài cơ thể sống khác. Nó chỉ là một hạt ngủ đông có chứa axit nucleic, hoặc DNA hoặc RNA, được bao quanh bởi vỏ protein và đôi khi là các chất béo gọi là lipid.

Vi khuẩn có kích thước lớn hơn virus từ 10 đến 100 lần. Vi khuẩn có hình dạng tương tự, nhưng nó có thể tồn tại độc lập. Vi khuẩn chỉ mang một bộ nhiễm sắc thể, chúng nhân bản với cùng một vật liệu di truyền.

Coronavirus được đặt tên theo hình dáng của chúng, ‘’thân răng’’ hoặc ‘’vương miện’’. (Ảnh: Pixabay)

Vi khuẩn sống chung với con người

Vi khuẩn tồn tại trong khắp cơ thể của chúng ta, bao gồm da, ruột và màng nhầy. Trên thực tế, cơ thể chúng ta chứa các tế bào vi khuẩn nhiều hơn ít nhất 10 lần so với tế bào của chính chúng ta. Chỉ riêng vi khuẩn trong đường tiêu hóa của con người đã bao gồm ít nhất 10 nghìn tỷ sinh vật, đại diện cho hơn 1.000 loài, được cho là ngăn chặn ruột bị các sinh vật gây bệnh xâm chiếm.

Đại đa số các vi khuẩn cộng sinh dai dẳng trong cộng đồng phức tạp trong và trên bề mặt cơ thể chúng ta. Trong nhiều trường hợp, các vi khuẩn có được lợi ích mà không gây hại cho chúng ta, trong các trường hợp khác, cả vật chủ và vi khuẩn đều có lợi. Ví dụ vi khuẩn giúp tổng hợp vitamin, phá vỡ thức ăn thành các chất dinh dưỡng có thể hấp thụ và kích thích hệ thống miễn dịch của chúng ta.

Chỉ một số ít vi khuẩn gây hại khi hàng rào bảo vệ cơ thể bị phá vỡ như trầy xước, lở loét, vết thương do phẫu thuật v.v hay do hệ miễn dịch bị suy yếu.

Virus chính là những thực thể sinh học dồi dào nhất từ trước tới nay trên Trái Đất. Chúng có thể xâm nhiễm lên tất cả các dạng tế bào bao gồm của động vật, thực vật, vi khuẩn, vi khuẩn cổ và nấm. Tuy nhiên, những loại khác nhau của virus thì chỉ có thể lây nhiễm trên một phạm vi giới hạn những vật chủ khác nhau, và nhiều loại có tính đặc hiệu loài.

Một số virus, ví dụ như virus đậu mùa, chỉ có thể nhiễm vào một loài duy nhất – trong trường hợp này là con người, và vì thế chúng được nói rằng có "biên độ vật chủ" (host range) hẹp.

Những virus khác, ví dụ như virus dại, có thể lây lan trên nhiều loài động vật có vú, và do vậy có biên độ rộng. Virus mà chỉ lây nhiễm vào thực vật thì vô hại với động vật, và hầu hết virus mà xâm nhiễm lên các động vật khác thì vô hại với con người.

Tuy nhiên, khi virus “biến thể” và lây từ động vật sang người, thì chúng thường có thể gây nên các căn bệnh nguy hiểm. Ví dụ virus HIV-1 lây từ loài tinh tinh sang người, các virus trong họ Corona như SARS, MERS hay SARS-CoV 2 có nguồn gốc từ dơi v.v

SARS-CoV, chủng Virus Corona từng gây ám ảnh cho người dân toàn cầu... (CDC)

Cách thức xâm nhập của virus và vi khuẩn

Virus hoạt động khi xâm nhập vào tế bào chủ thích hợp thông qua một loại chìa khóa chuyên biệt gắn trên vỏ ngoài của nó, chiếm quyền điều khiển bộ máy trao đổi chất của tế bào để tạo ra các bản sao của chính nó. Sau đó làm vỡ và thoát ra khỏi tế bào để lây nhiễm tế bào khác.

Tương tự muốn làm cho chúng ta bị bệnh, vi khuẩn phải gắn vào vị trí mục tiêu mà chúng đang cố gắng lây nhiễm để không bị đánh bật và nhân lên nhanh chóng. Chúng giết chết các tế bào và mô hoàn toàn, ngoài ra còn tạo ra độc tố có thể làm tê liệt, phá hủy các tế bào trao đổi chất.

Các “ngõ vào” của vi khuẩn và virus

Vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể người với 4 con đường tương tự nhau:

    1. Lây qua tiếp xúc: trực tiếp với dịch cơ thể, máu, thực phẩm ô nhiễm, nước bẩn v.v. , các vết trầy xước, vết thương hở, gián tiếp qua bề mặt có chứa vi khuẩn hay virus.
    2. Qua giọt bắn có chứa virus hay vi khuẩn qua hắt hơi, ho hoặc nói chuyện. SARS, bệnh lao và cúm là những ví dụ về các bệnh lây truyền qua đường truyền giọt bắn trong không khí.
    3. Qua không khí bay hơi hoặc các hạt bụi có chứa vi sinh vật lơ lửng trong không khí trong một khoảng thời gian.
    4. Thông qua các trung gian truyền bệnh như: muỗi, bọ chét, ve, chuột, ốc sên và chó v.v.

Nhiễm vi khuẩn và nhiễm virus

Vi khuẩn gây nhiễm khuẩn và virus gây nhiễm virus.

Điều quan trọng là phải biết liệu vi khuẩn hay virus gây ra nhiễm trùng, bởi vì phương pháp điều trị khác nhau. Trong một số trường hợp, có thể khó xác định liệu vi khuẩn hoặc virus gây ra các triệu chứng của bạn. Nhiều bệnh - như viêm phổi, viêm màng não và tiêu chảy - đều có thể do vi khuẩn hoặc virus gây ra.

Một số ví dụ về nhiễm virus

  • Cảm lạnh thông thường, chủ yếu gây ra bởi coronavirus và adenovirus.
  • Viêm não và viêm màng não, do enterovirus và virus herpes gây ra.
  • Mụn cóc và nhiễm trùng da, gây ra bởi virus papilloma ở người (HPV) và virus herpes simplex (HSV).
  • Các virus khác bao gồm: Virus Zika, virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), viêm gan C, bệnh bại liệt, cúm, Bệnh sốt xuất huyết, Cúm lợn, Ebola, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV), SARS-CoV 2 v.v

Một số bệnh do vi khuẩn gây chết người. Một số ví dụ về các bệnh gây ra do vi khuẩn như: dịch tả, bạch hầu, kiết lỵ, bệnh dịch hạch, viêm phổi, bệnh lao, thương hàn, sốt phát ban v.v

Để phân biệt nhiễm khuẩn do vi khuẩn và do virus, các bác sĩ cần khám bệnh và có thể cần các xét nghiệm sinh hóa và lấy mẫu nước tiểu, phân hay máu của bạn để làm xét nghiệm “nuôi cấy” để có các khuẩn lạc xác định được dưới kính hiển vi.

Điều trị nhiễm vi khuẩn khác với virus

Các bác sĩ thường điều trị nhiễm vi khuẩn bằng kháng sinh. Chúng có thể tiêu diệt vi khuẩn hoặc làm ngừng sự nhân lên của chúng. Nhưng từ khi vấn đề kháng kháng sinh gia tăng, kháng sinh có lẽ chỉ nên được kê đơn cho các nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Hãy nhớ rằng: thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với nhiễm virus.

Việc điều trị nhiễm virus có thể bao gồm:

  • Điều trị triệu chứng: chẳng hạn như mật ong để giảm ho và chất lỏng ấm như súp gà nhằm giảm khô miệng.
  • Hạ sốt bằng Paracetamol.
  • Thuốc kháng virus làm ngừng sự sinh sản virus như các thuốc cho HIV / AIDS và Herpes.
  • Ngăn ngừa nhiễm trùng từ lúc mới sinh ra, chẳng hạn như các vắc-xin cho cúm và viêm gan.
Nói cách khác là chờ đợi sức sống của virus trong cơ thể rút lui và biến mất - cách nhìn này chính là bắt đầu thoát ly khỏi mặt ngoài của sự vật, và tiếp cận với bản chất ở bên trong.
Nói cách khác là chờ đợi sức sống của virus trong cơ thể rút lui và biến mất - cách nhìn này chính là bắt đầu thoát ly khỏi mặt ngoài của sự vật, và tiếp cận với bản chất ở bên trong. (Ảnh: Shutterstock)

Tầm quan trọng của hệ miễn dịch

Bệnh, thường chỉ xảy ra ở một tỷ lệ nhỏ người nhiễm khuẩn. Quan trọng là hệ miễn dịch của bạn có đủ “khỏe” để đánh bật tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể.

Để đáp ứng được với nhiễm trùng, hệ thống miễn dịch của bạn phải hoạt động. Các tế bào bạch cầu, kháng thể và các cơ chế khác hoạt động để loại bỏ kẻ xâm lược. Thật vậy, rất nhiều triệu chứng khiến một người mắc phải khi bị nhiễm như sốt, khó chịu, đau đầu, phát ban là do các hoạt động của hệ thống miễn dịch đang cố gắng loại bỏ nhiễm trùng khỏi cơ thể.

Nếu hệ miễn dịch hoạt động tốt, bạn có thể đang nhiễm khuẩn mà không có triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài, hoặc triệu chứng nhẹ và tự hết.

Nếu hệ miễn dịch yếu hay nồng độ vi sinh vật quá nhiều, chúng có thể tránh và sống sót sau cuộc tấn công của hệ thống miễn dịch. Đôi khi chúng kích hoạt hệ miễn dịch hoạt động thái quá dẫn đến việc tiết ra các hóa chất nội sinh, không chỉ giết vi khuẩn mà giết luôn cả tế bào và mô lành.

Điều này có thể giải thích tại sao Coronavirus mới chủ yếu gây bệnh nặng trên nhóm những người già hay có bệnh nền, hoặc suy giảm hệ miễn dịch.

Những hiểu biết về vi khuẩn và virus giúp chúng ta hiểu rõ cách mà chúng có thể gây hại cho con người cũng như cách thức phòng ngừa và chiến đấu với chúng một cách hợp lý và hiệu quả.

Mỹ Tâm



BÀI CHỌN LỌC

Sự khác biệt giữa nhiễm vi khuẩn và nhiễm virus