Sự khác biệt giữa viêm loét dạ dày và viêm loét hành tá tràng là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta thường nghe đến các khái niệm "viêm loét dạ dày", "viêm loét hành tá tràng", "viêm loét dạ dày tá tràng". Rốt cuộc chúng có sự khác biệt gì?

Từ “loét” chắc hẳn đã quá quen thuộc với chúng ta. Những năm gần đây do thói quen sinh hoạt và ăn uống của con người có nhiều thay đổi, số người nghiện thuốc lá, rượu bia, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori gia tăng, nên tỷ lệ mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng cũng cao hơn, trong đó phổ biến nhất là loét dạ dày, sau đó là loét hành tá tràng, trên lâm sàng gọi chung là loét dạ dày tá tràng.

Viêm loét dạ dày tá tràng là một bệnh lâm sàng thường gặp. Sự hình thành vết loét bao gồm nhiều yếu tố, trong đó tác động tiêu hóa của dịch vị axit lên niêm mạc là yếu tố cơ bản hình thành ổ loét.

Vết loét có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào mà dịch vị axit tiếp xúc. Hầu hết các vết loét xảy ra ở tá tràng và dạ dày nên còn được gọi là viêm loét dạ dày tá tràng.

Vậy câu hỏi đặt ra là…

Viêm loét dạ dày và loét hành tá tràng có gì khác nhau?

1. Đau do loét dạ dày không thường xuyên như loét tá tràng

Đau thượng vị theo chu kỳ là đặc điểm điển hình của bệnh viêm loét dạ dày. Tuy nhiên cơn đau của bệnh viêm loét dạ dày không thường xuyên.

Trong khi đó, cơn đau của bệnh viêm loét tá tràng thường xuyên hơn, biểu hiện chủ yếu là đau bụng giữa và trên, các triệu chứng có thể kéo dài hàng ngày, hàng tuần, hoặc thậm chí là lâu hơn.

Hơn nữa, cơn đau do loét tá tràng gây ra có thể xảy ra quanh năm, nhưng phổ biến nhất là vào mùa xuân và mùa thu;

2. Thời gian đau của loét tá tràng và loét dạ dày không giống nhau

Thông thường, cơn đau do loét tá tràng xuất hiện giữa các bữa ăn, đặc biệt khi đói. Cơn đau sẽ kéo dài cho đến khi bạn ăn bữa tiếp theo hoặc dùng thuốc ức chế tiết axit dạ dày.

Trên lâm sàng, một số trường hợp viêm loét hành tá tràng bị đau vào lúc nửa đêm do dịch vị tiết ra nhiều vào thời gian này, nhất là đối với bệnh nhân có thói quen ăn trước khi đi ngủ.

Cơn đau do viêm loét dạ dày diễn ra không thường xuyên, thường trong vòng 1 giờ sau bữa ăn, và thuyên giảm dần sau 1 - 2 giờ.

3. Vị trí đau của loét dạ dày và loét tá tràng tương đối khác nhau

Cơn đau của bệnh viêm loét hành tá tràng nói chung là ở vùng thượng vị hơi lệch bên phải. Vùng thượng vị l​​à vùng bụng có ranh giới từ rốn trở lên đến phía dưới xương ức.

Trong khi đó, viêm loét dạ dày thường gây đau ở vùng thượng vị. Cũng có trường hợp bệnh nhân bị đau bao tử phía trên bên trái và bên phải. Ban đầu, các cơn đau xuất hiện ở vùng thượng vị trước, sau đó lan rộng ra hai bên và ra cả khu vực sau lưng, đặc biệt là đau nhiều ở vùng bụng phía trên bên trái, theo Vinmec.

Ngoài ra, viêm loét dạ dày còn gây đau ở giữa vùng bụng.

Tuy nhiên, do cảm giác đau của các tạng rỗng nói chung không xác định rõ trên bề mặt cơ thể, nên vị trí đau không phản ánh chính xác vị trí giải phẫu của vết loét.

Điều chỉnh ra sao sau khi phát hiện viêm loét dạ dày tá tràng?

1. Điều chỉnh cuộc sống

Viêm loét dạ dày tá tràng thuộc phạm vi các bệnh lý điển hình về thể chất và tinh thần, các yếu tố tâm lý xã hội có vai trò nhất định trong cơ chế bệnh sinh.

Vì vậy, trên quan điểm lâm sàng, điều chỉnh cuộc sống là một phần quan trọng trong quá trình điều trị viêm loét dạ dày tá tràng.

Người bệnh nên duy trì tâm trạng lạc quan, tích cực, thói quen sinh hoạt điều độ, tránh căng thẳng mệt mỏi quá mức dù là giai đoạn khởi phát của bệnh hoặc giai đoạn thuyên giảm.

2. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Điều chỉnh chế độ ăn uống là trọng tâm của việc phòng ngừa và điều trị loét dạ dày tá tràng, đặc biệt là trước khi thuốc kháng histamin H2 ra đời, đây là phương pháp điều trị chính và duy nhất cho bệnh loét dạ dày tá tràng.

Bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng nên tuân thủ các nguyên tắc ăn uống là nhai chậm, ăn đủ 3 bữa và thường xuyên ăn thành nhiều bữa nhỏ.

Đồng thời, người bệnh cũng cần bỏ thuốc lá, rượu bia, tránh uống cà phê, trà đậm và thức ăn nhiều gia vị.

3. Điều trị bằng thuốc

Thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng chủ yếu được chia làm hai loại, loại thứ nhất là thuốc làm giảm các yếu tố gây hại như thuốc kháng acid, thuốc kháng histamin H2, glutamine, omeprazole, v.v.

Thứ hai, có những loại thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, bao gồm sucralfate, carbenoxolone, bismuth, v.v.

Ngoài ra, đối với những bệnh nhân viêm loét do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, việc loại bỏ vi khuẩn này kịp thời cũng rất cần thiết.

Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng, viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh mãn tính nên quá trình điều trị tương đối lâu.

Nếu người bệnh muốn khỏi hoàn toàn vết loét, việc đầu tiên cần làm là tích cực hợp tác với bác sĩ điều trị, uống các loại thuốc liên quan theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời điều chỉnh cuộc sống và chế độ ăn uống của bản thân.

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Sự khác biệt giữa viêm loét dạ dày và viêm loét hành tá tràng là gì?