Sự nguy hiểm của chứng rối loạn phân ly tập thể đối với trẻ em và xã hội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông tin chứng rối loạn phân ly tập thể xảy tại địa điểm Trường Nà Rại, thuộc Trường Tiểu học Cốc Pàng (xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) khiến 18 em học sinh có những biểu hiện khác thường như: ngất, khóc thét, co cứng chân tay, sợ hãi, gọi hỏi không trả lời, kích động, đánh người… Trong số này có 16 nữ và 2 nam sinh.

Thời gian các học sinh này xuất hiện triệu chứng của bệnh rối loạn phân ly tập thể khoảng từ 3-5 phút, sau đó tăng dần lên 10-30 phút rồi bị ngủ lịm khoảng 15-20 thì tỉnh và trở lại hoạt động bình thường.

Hiện tượng này được giới Y học gọi là: “Rối loạn phân ly tập thể".

Bài viết sẽ cung cấp thông tin cơ bản về căn bệnh đặc thù có tính lây lan nhanh này.

Rối loạn phân ly là bệnh gì?

Nguyên nhân chủ yếu của các rối loạn phân ly (rối loạn thần kinh chức năng, hysteria,...) là các chấn thương tâm thần, hoặc hoàn cảnh xung đột. Các chấn thương tâm lí thường là những chấn thương gây cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề… Các rối loạn này thường phát sinh một thời gian ngắn sau chấn thương.

Những người bị rối loạn phân ly thoát ra khỏi tình trạng này bằng cách không tự chủ, có hại cho sức khoẻ và gây ảnh hưởng tới chức năng sống trong cuộc sống hàng ngày. Thời gian căng thẳng nhiều có thể làm cho triệu chứng của bệnh trở nên trầm trọng, rõ ràng hơn.

Rối loạn phân ly thuộc nhóm các bệnh lý tâm thần, với tỷ lệ mắc bệnh chiếm 0.3 - 0.5% trong dân số. Bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, ở người trẻ nhiều hơn người già, nữ nhiều hơn nam. Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể phát thành "dịch" trong một tập thể.

Các nhân tố thuận lợi thúc đẩy các rối loạn phân ly phần lớn là nhân cách yếu, thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, thích được chiều chuộng, thích phô trương, tinh thần chịu đựng khó khăn kém, thiếu lí tưởng sống lành mạnh…

Ngoài ra cũng có thể gặp các nhân tố có hại khác như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, chấn thương sọ não. Các yếu tố có hại này làm suy yếu hệ thần kinh dẫn đến giảm sút hoạt động của vỏ não và dễ làm phát sinh các rối loạn phân li, thậm chí cả trên những người có loại hình thần kinh mạnh, thăng bằng.

Theo lí thuyết tập nhiễm của Wolpe, các rối loạn phân li phát sinh theo cơ chế cảm ứng và bắt chước trong quá trình tiếp xúc với xã hội.

Theo thuyết của Pavlov: cần coi người rối loạn phân li như người bị thôi miên ở mức độ nhẹ, vỏ não của họ bị suy yếu nên các kích thích trong cuộc sống trở nên quá mạnh, làm cho người bệnh không chịu nổi và dẫn đến các giai đoạn khác nhau của trạng thái thôi miên. Cơ chế ám thị do các cảm xúc căng thẳng và lo sợ, các kích thích sang chấn dễ gây ra phản ứng dây chuyền tập thể.

Đặc điểm của rối loạn phân ly

Là quá trình vỏ não hoạt động suy yếu, thoát ly khỏi sự kiềm chế của dưới vỏ làm tăng cảm xúc, tăng tính ám thị. Do đó, sự kích thích mạnh của sang chấn tâm lý dẫn đến vỏ não không tự kiềm chế được lâm vào trạng thái ức chế. Khi vỏ não không tự điều hoà được thì hoạt động của vùng dưới vỏ sẽ tăng, xuất hiện các triệu chứng của rối loạn phân ly.

Thêm vào đó, các kích thích sang chấn tâm lý dễ gây ra phản ứng dây chuyền tập thể. Khi một người trong tập thể bị, nhiều người khác cũng có thể bị làm cho ta thấy có cảm giác bệnh dễ dàng lây lan (rối loạn phân ly tập thể).

Rối loạn phân ly tập thể

Khởi phát rối loạn phân ly tập thể: Các rối loạn phân ly tập thể thường khởi phát với một “kích thích” môi trường, giống như mùi khó chịu hoặc tin đồn về tiếp xúc với chất độc. Khi một người bị bệnh, người khác trong nhóm cũng bắt đầu cảm thấy mình cũng bị bệnh. Người đầu tiên bị bệnh có thể mắc một bệnh thực thể thật sự. Thường người này có một giá trị nhất định đối với cả nhóm người này.

Sự lan truyền của rối loạn phân ly tập thể: Sau khi người đầu tiên bị rối loạn, các đối tượng khác bị do nhìn thấy hoặc nghe thấy các sự kiện xảy ra đối với người đầu tiên, cũng như khi thấy môi trường hỗn loạn trong khi xử trí các trường hợp này. Có những trường hợp nó lan tràn do những tin đồn về các vụ dịch.

Vị trí có vụ bùng nổ rối loạn phân ly tập thể: Thường đó là nơi các hoạt động được khép kín trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, họ cùng trải qua một stress cảm xúc và cơ thể. Theo ghi nhận của một số tác giả: các nơi thường xảy ra các vụ dịch này là trường học, nhà máy, trong gia đình, các làng xóm, bệnh viện… Một thống kê từ năm 1973 đến 1993: các vụ dịch xảy ra ở trường học 29%, ở nhà máy 10%, ở làng xã, sau đó là gia đình và các nơi khác.

Rối loạn phân ly ở trẻ em: Đặc biệt gặp nhiều ở trẻ gái - thường xảy ra đồng loạt trong một nhóm hay một tập thể ở trường học hoặc trong đám đông. Biểu hiện của rối loạn này bắt đầu từ một người mắc bệnh và những người xung quanh có xu hướng “bị lan truyền”. (Ảnh: unsplash.com)

Rối loạn phân ly ở trẻ em: Đặc biệt gặp nhiều ở trẻ gái - thường xảy ra đồng loạt trong một nhóm hay một tập thể ở trường học hoặc trong đám đông. Biểu hiện của rối loạn này bắt đầu từ một người mắc bệnh và những người xung quanh có xu hướng “bị lan truyền”. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn về tâm lý, các vấn đề khó khăn trong cuộc sống như học tập, công việc và các mối quan hệ mà người bệnh không thể tự mình giải quyết được.

Ở các nước công nghiệp, nó thường xảy ra ở các nhà máy. Nhưng ở các nước xã hội truyền thống, các vụ dịch này thường xảy ra ở trường học, nơi mà quan niệm phương Tây được giảng dạy xung đột với các điều được cha mẹ dạy ở nhà.

Biểu hiện của rối loạn phân ly

Rối loạn phân ly thường không theo sơ đồ giải phẫu nào mà nó dựa vào sự tưởng tượng của bệnh nhân. Các rối loạn này cũng rất đa dạng, xuất hiện và kết thúc đột ngột. Những biểu hiện bệnh có thể thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng hoặc cũng có thể bị tái phát trở lại khi các sự kiện sang chấn tâm lý vẫn tiếp tục diễn ra.

Các triệu chứng lâm sàng của các rối loạn phân ly rất đa dạng. Có hai tính chất chung:

Rối loạn phân ly biểu hiện từng cơn

Cơn co giật hay cơn vật vã phân ly: Các triệu chứng lan truyền bằng con đường thấy hoặc nghe người khác bị bệnh. Bệnh có thể xuất hiện trở lại khi các đối tượng quay trở lại môi trường phát bệnh. Bệnh có thể gia tăng do tình trạng cấp cứu kéo dài hoặc quá ồn ào.

Cơn kích động cảm xúc phân ly: Bệnh nhân cười, khóc, gào thét, hò hét, cảm xúc hỗn độn, ý thức không bị rối loạn và chịu ám thị của xung quanh.

Cơn ngất lịm phân ly: Bệnh nhân cảm thấy người mềm yếu dần, từ từ ngã ra và nằm thiêm thiếp, hai mắt chớp nhấp nháy.

Cơn ngủ phân ly: Ít gặp hơn. Người bệnh lên cơn co giật nhẹ rồi nằm yên. Ngủ thời gian dài (1 - 2 ngày), mắt nhắm, vạch mi mắt thấy nhãn cầu vẫn di động, trong lúc ngủ thỉnh thoảng thở dài, thổn thức,...

Rối loạn vận động phân ly: Các rối loạn vận động phân ly cũng rất đa dạng như lắc đầu, gật đầu, nháy mắt, múa giật, múa vờn,... Hay gặp nhất lại là run toàn thân hoặc run cục bộ một phần chi thể, run tăng lên khi chú ý. Triệu chứng liệt phân li cũng hay gặp ở các mức độ khác nhau, gặp cả liệt cứng và liệt mềm, một chi, hai chi hoặc cả tứ chi, nhưng trương lực cơ không thay đổi.

Đặc điểm liệt phân ly không theo phân bố định khu thần kinh, không có các động tác vận động tự động,... Có thể còn gặp cả chứng mất đứng, mất đi trong nhóm này. Người bệnh không đứng, không đi được nhưng nằm thì vẫn cử động chi bình thường. Có thể gặp chứng rối loạn phát âm như khó nói, nói lắp, không nói trong khi cơ quan phát âm không bị tổn thương.

Rối loạn cảm giác phân ly: Rối loạn cảm giác phân ly thường gặp là mất cảm giác đau. Các khu vực mất cảm giác không đúng với vùng định khu của thần kinh cảm giác. Hay gặp nhất là mất cảm giác kiểu "bít tất" ở tay và ở chân. Thậm chí ở cả nửa người thì mất cảm giác còn lan sang bên kia đường giữa.

Tăng cảm giác đau trong phân ly thì phức tạp hơn nhiều, dễ làm cho người ta nhầm với các triệu chứng đau "thực vật" và đau ngoại khoa như đau viêm ruột thừa, đau giun chui ống mật, đau vùng trước tim, đau dây thần kinh hông,...

Rối loạn giác quan phân ly

Mù phân ly: Xảy ra đột ngột và mù hoàn toàn, khám đáy mắt bình thường, các phản xạ đồng tử với ánh sáng còn tốt. Quan sát thấy mắt vẫn linh hoạt, vẫn hướng về người nói chuyện và có thể khỏi do tác động của ám thị. Ngoài ra còn có thể gặp các chứng lưỡng thị và đa thị do phân li.

Điếc phân ly: Hay gặp trong thời chiến và thường xuất hiện sau các chấn động mạnh và đi kèm với câm thành hội chứng câm - điếc sau chấn thương. Thường gặp điếc cả hai tai, nhưng vẫn còn phản xạ Bekhterev (chớp mắt khi có tiếng động mạnh) và vẫn còn phản xạ Surughin (hẹp đồng tử khi có kích thích tiếng động). Kiểm tra điện não thấy có biến đổi khi làm test bấm chuông.

Mất vị giác và khứu giác phân ly: Cũng thường gặp nhưng qua nhanh hơn so với mù và điếc phân li.

Các rối loạn thực vật - nội tạng phân ly: Được biểu hiện thành từng cơn, khá phổ biến như cơn lạnh run, cơn nóng bừng, cơn đau vùng trước tim, cơn đau bụng, cơn khó thở, cơn khó nuốt. Các cơn này qua đi nhanh dưới tác động của ám thị.

Rối loạn phân ly biểu hiện bằng các rối loạn tâm thần

Các cơn quên phân ly: Xuất hiện thoảng qua sau các cơn lịm, cơn co giật do phân ly.

Cơn trốn nhà phân ly: Thường là cơn bỏ nhà, bỏ cơ quan ra đi có mục đích, có tổ chức, vẫn duy trì mọi sinh hoạt cá nhân và quan hệ xã hội, thường kèm theo với quên phân ly.

Cơn rối loạn cảm xúc phân ly: Bệnh nhân dễ xúc động, cảm xúc không ổn định, nhạy cảm với các kích thích, dễ lây cảm xúc của người khác (đồng cảm với người khác).

Rối loạn tư duy và ngôn ngữ phân ly: Lời nói mang màu sắc cảm xúc, ít sâu sắc, thường nói về bản thân, khêu gợi sự chú ý của người khác về bản thân mình, tưởng tượng phong phú, thích phô trương kèm theo tác phong giàu kịch tính.

Các rối loạn ngôn ngữ do phân ly như câm, mất tiếng hay gặp trong cả thời chiến cũng như thời bình, người bệnh thường ra hiệu rằng mình không nói được hoặc nói không lên lời phải sử dụng ngôn ngữ viết diễn tả các yêu cầu của mình.

Ngoài ra còn có thể gặp chứng nói lắp phân ly. Hiện tượng này rất khó phân biệt với tật nói lắp tập nhiễm từ tuổi nhỏ cũng do tâm căn.

Rối loạn phân ly điều trị thế nào?

Rối loạn phân ly điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý, trong đó liệu pháp ám thị được áp dụng rất có hiệu quả. Bên cạnh đó, nên kết hợp với việc nâng cao thể trạng, bồi dưỡng nhân cách, tạo không gian môi trường sống phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh cho bệnh nhân.

Ngoài ra, có thể kết hợp thêm các liệu pháp điều trị toàn diện khác như âm nhạc, thể thao, lao động, thư giãn, luyện tập,... Trong trường hợp nặng hơn, cùng với việc áp dụng các liệu pháp tâm lý cần phải kết hợp sử dụng thuốc hướng tâm thần hay châm cứu, bấm huyệt, tạo niềm tin cho người bệnh vào liệu trình điều trị giúp bệnh thuyên giảm và mất các triệu chứng rối loạn chức năng.

Trong điều trị bằng liệu pháp tâm lý cần chú ý:

  • Tuyệt đối không được xem thường bệnh nhân, không được xem đó là bệnh giả vờ mà hắt hủi, bỏ rơi bệnh nhân.
  • Cần tránh thái độ quá chiều chuộng, quá lo lắng theo bệnh nhân, như vậy vô tình ám thị cho bệnh nhân về tình trạng trầm trọng hơn của bệnh.
  • Rối loạn phân ly là bệnh của một nhân cách yếu, các liệu pháp trên chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, muốn khỏi bệnh phải tiếp tục làm liệu pháp tâm lý lâu dài.

Nhìn từ góc độ khí công

Giới tu luyện nhìn nhận vấn đề tâm thần học có liên quan tới chủ ý thức của con người. Khi một sinh mệnh luôn trong trạng thái mơ màng hoặc buông lơi ý thức của mình (trong trạng thái yếu đuối) thì dễ bị ngoại cảnh khống chế cảm xúc.

Nếu bản thân ý thức không thanh tỉnh biết rõ mình đang làm gì, đang nghĩ gì thì có thể dễ bị cảm xúc ngoại lai dẫn dắt, làm ra những cử động và hành vi mà giới Y học nói là tâm thần, tâm thần phân liệt hay rối loạn phân ly…

Để rèn luyện cho tinh thần luôn sáng suốt, luôn làm chủ được mọi suy nghĩ và hoạt động của bản thân, giới tu luyện cho rằng cần thanh tẩy ý niệm bằng thiện tâm, suy nghĩ tích cực và biết buông xả. Sống có trách nhiệm, dám đối diện với khó khăn và chấp nhận gánh chịu khổ nạn chứ không trốn tránh. Khi rèn luyện tinh thần được như vậy thì mọi hoàn cảnh xảy ra chúng ta vẫn có thể đứng vững trong cuộc sống.

Để nâng cao sức mạnh tinh thần và gia tăng sức chịu đựng bền bỉ cho trí não, có thể tìm hiểu và tham gia các khóa thiền.

Bạn thử trải nghiệm bí ẩn thiền định qua lớp học online miễn phí tại đây.

Tĩnh Hương

(Tổng hợp từ các nguồn:

https://benhvientamthan.danang.gov.vn/chuyen-de-tam-than/24/40/roi-loan-phan-ly-tap-the.html

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nao-la-roi-loan-phan-ly/

https://healthvietnam.vn/thu-vien/tai-lieu-tieng-viet/tam-than/cac-roi-loan-phan-li)



BÀI CHỌN LỌC

Sự nguy hiểm của chứng rối loạn phân ly tập thể đối với trẻ em và xã hội