Suýt chết vì ho ra máu hậu COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bác sĩ cho biết bệnh nhân may mắn vì đã khám bệnh và phát hiện kịp thời, nếu không thì hậu quả sẽ khó lường.

Mặc dù đã khỏi bệnh được 2 tuần, hơn nữa trong quá trình nhiễm virus cũng không có biểu hiện nghiêm trọng, nhưng chàng trai 25 tuổi (Hà Nội) vẫn xuất hiện các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài như ho nhiều và khạc ra máu.

Sau khi khám tại bệnh viện, bác sĩ cho biết anh bị huyết khối hoàn toàn động mạch phổi phải, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Cụ thể, báo Dân Trí dẫn lời bác sĩ Đào Huy Hiếu, thành viên Nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc - điều trị F0, cho biết bệnh nhân được yêu cầu làm xét nghiệm chỉ số huyết khối trong máu và cho kết quả lên tới 4.665 ng/ml (trong khi người bình thường chỉ dao động từ 0 - 500 ng/mL).

Do nghi ngờ có huyết khối, bệnh nhân tiếp tục được yêu cầu chụp CT và phát hiện cục máu đông ở động mạch phổi. Sau khi điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, tình trạng của nam thanh niên đã trở về trạng thái bình thường.

Bác sĩ Hiếu cũng cho hay, bệnh nhân cao 1.74 nặng 75kg, có tiền sử rối loạn lipid máu. Ngoài ra, các chỉ số cholesterol và đường huyết cũng rất cao.

Nguyên nhân nào gây ho ra máu?

Theo National Health Service, nguyên nhân phổ biến của ho ra máu bao gồm:

  • Ho kéo dài hoặc ho dữ dội;
  • Nhiễm trùng phổi hoặc đường thở như nhiễm trùng ngực, viêm phổi hoặc viêm phế quản;
  • Vấn đề liên quan đến đường thở khiến chúng mở rộng và tiết ra nhiều chất nhầy hơn (giãn phế quản);

Tất nhiên, các chuyên gia y tế cũng cho biết đôi khi ho ra máu có thể là dấu hiệu của bệnh gì đó nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như cục máu đông hoặc ung thư phổi.

Tờ Today dẫn lời Tiến sĩ Albert Rizzo, Giám đốc Y tế tại Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, nói thêm rằng "ho ra máu (hoặc chất nhầy dính máu) là một dấu hiệu của viêm đường thở. Và nó có thể xảy ra với bệnh nhân COVID-19, hơn nữa điều này cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm".

Ông giải thích: "Điều xảy ra ở đây là, viêm đường thở có thể tác động đến lớp niêm mạc mỏng manh của đường thở, cùng những mạch máu nhỏ hoặc mao mạch, từ đó khiến máu chảy ra ngoài".

Các yếu tố gây huyết khối của COVID-19 trong cơ thể?

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, huyết khối là một hiện tượng nghiêm trọng đối với sức khỏe. Tình trạng này nếu không điều trị kịp thời, thì nó có thể gây tổn thương não, tim và phổi, cuối cùng đe dọa tính mạng người bệnh.

Khi virus xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ gây viêm cho các hệ thống và cơ quan. Lúc này, hệ thống miễn dịch bắt đầu kích hoạt hệ thống đông máu để bảo vệ.

Bác sĩ Matthew Exline, Giám đốc Y khoa Đơn vị Chăm sóc Tích cực tại Trung tâm Y khoa Wexner bang Ohio (Mỹ), giải thích rằng về cơ bản, khi da bị trầy xước và chảy máu, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng với vết thương bằng cách kích hoạt hệ thống đông máu để chúng hoạt động tích cực hơn.

Đó là nguyên nhân vì sao máu thường nhanh chóng đông lại khi bạn vô tình bị ngã và tạo ra vết rách trên cơ thể. Nhìn chung, điều này là tốt đối với các vết thương cục bộ và phạm vi hẹp.

Trong trường hợp người bệnh nhiễm COVID-19, hệ thống đông máu được kích hoạt đúng vào thời điểm tình trạng nhiễm trùng đang lan rộng và gây viêm mạnh mẽ, do đó sẽ rất nguy hiểm cho cơ thể.

Nhìn chung, khi hệ thống đông máu được khởi động trên phạm vi rộng, nó có thể làm đông máu trên nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể người. Với trường hợp của nam thanh niên nói trên, là cục máu đông ở động mạch phổi phải.

Ông Exline cũng bổ sung thêm rằng, hiện tượng đông máu trong cơ thể kết hợp với khoảng thời gian bệnh nhân ít vận động do cách ly hoặc nằm giường, sẽ làm gia tăng nguy cơ đông máu.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Suýt chết vì ho ra máu hậu COVID-19