Tác dụng phụ của nhóm thuốc Statin với xơ vữa động mạch - đái tháo đường và sức khỏe tâm thần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Statin có liên quan đến nhiều bệnh lý từ đái tháo đường cho đến hành vi tự tử và vẫn có những lựa chọn để thay thế nhóm thuốc này.

Chỉ có một ít nhóm thuốc có thể được sử dụng phổ biến như statin, trong khi nhóm thuốc này mới được giới thiệu lần đầu vào năm 1987. Statin ức chế một enzym trong tế bào gan (enzyme này được gọi là HMG-CoA) có chức năng tổng hợp cholesterol, làm giảm nguy cơ tử vong do tim mạch, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và các biến cố do xơ vữa động mạch khác.

Nhóm thuốc này từng được xem là một nhóm loại thuốc kỳ diệu ngay khi chúng được tung ra thị trường. Người ta tán dương statin đến nỗi các quan chức y tế Hoa Kỳ từng khuyến nghị cho thêm loại thuốc này vào nguồn cung cấp nước công cộng. Lipitor - một biệt dược statin của hãng Pfizer là loại thuốc bán chạy nhất trong lịch sử thế giới.

Tuy nhiên, ngay sau khi Lipitor hết hạn bằng sáng chế vào năm 2011, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã bổ sung thêm những cảnh báo về nguy cơ tổn thương gan, mất trí nhớ, lú lẫn, đái tháo đường típ 2 và yếu cơ cho loại thuốc này. FDA cũng khuyến nghị rằng bệnh nhân cần được kiểm tra men gan trước khi dùng thuốc, chứ không chỉ kiểm tra trong khi dùng thuốc.

Cholesterol có thực sự gây ra các hiện tượng xơ vữa động mạch?

Trong khi vai trò của cholesterol trong các biến cố tim mạch nhận được sự ủng hộ của Phòng khám Mayo và Cleveland cũng như Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, thì “những người hoài nghi” về cholesterol xem mối liên hệ này chỉ là một giả thuyết. Một bài báo được đăng trên tạp chí Chất dinh dưỡng vào năm 2018 có tiêu đề là “Không phải là cholesterol, quá trình viêm mới là nguyên nhân gây ra các bệnh mạn tính” đã giải thích về lý thuyết này.

  • Xem thêm: Cơ thể bạn sử dụng cholesterol như thế nào

“Lượng cholesterol trong chế độ ăn hoặc huyết thanh” không phải là nguyên nhân gây ra các biến cố tim mạch. Thật ra, những biến cố này bắt nguồn từ “tình trạng viêm do nhiều yếu tố như các yếu tố kích hoạt tiểu cầu (PAF), từ đó dẫn đến sự khởi phát các bệnh lý tim mạch (CVD)”. Theo các tác giả, chúng ta có thể giảm PAF bằng cách điều chỉnh chế độ ăn, tập thể dục và lựa chọn lối sống lành mạnh.

Và một nghiên cứu khác trên tạp chí Expert Review of Clinical Pharmacology cho rằng “đại dịch suy tim và xơ vữa động mạch đang hoành hành trong thế giới hiện đại là một nghịch lý với việc sử dụng tràn lan các loại thuốc statin”. Những người hoài nghi nói rằng đây không phải là lần đầu tiên một loại thuốc được thổi phồng quá mức về độ an toàn cho đến khi bằng sáng chế của thuốc hết hạn. Đồng thời lúc đó cũng sẽ xuất hiện nhiều báo cáo khoa học thể hiện sự nghi ngờ .

Bệnh đái tháo đường và cholesterol

Một nghiên cứu tại Đại học Bang Ohio đã kiểm tra hồ sơ sức khỏe của 4.683 người bao gồm cả nam và nữ. Nghiên cứu cho thấy những người sử dụng nhóm thuốc statin với mục tiêu làm giảm cholesterol có nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 cao hơn ít nhất hai lần. Những bệnh nhân sử dụng nhóm thuốc trong khoảng thời gian dài hai năm có nguy cơ cao gấp ba lần.

Trưởng nhóm nghiên cứu Victoria Zigmont cho biết: “Việc gia tăng thời gian sử dụng statin có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Giữa chúng có mối quan hệ phụ thuộc vào liều lượng khiến chúng tôi nghĩ rằng đây có thể là một mối quan hệ nhân quả”.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Epoch Times, Irene Campbell-Taylor, một nhà thần kinh học lâm sàng cho biết: “Có rất nhiều bài báo cho thấy các mức độ tăng đường máu khác nhau ở những người sử dụng statin”, nhưng việc tăng đường máu và tăng nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 vẫn bị đánh giá thấp.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng statin trong phác đồ điều trị đái tháo đường type 1 và type 2. (Ảnh: pxhere.com)

Campbell-Taylor cũng lưu ý rằng, trên thực tế, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng statin trong phác đồ điều trị đái tháo đường type 1 và type 2.

Campbell-Taylor đã chỉ ra những điều phức tạp của trong mối liên quan giữa bệnh đái tháo đường type 1 và chế độ ăn, tập thể dục cũng như cân nặng: “Trong một vài nghiên cứu về việc sử dụng statin ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 1, người ta phát hiện rằng statin có liên quan một cách độc lập với tình trạng giảm khả năng kiểm soát đường huyết, mặc dù không thể xác định chắc chắn mối quan hệ nhân quả giữa chúng. Có ý kiến cho rằng mối quan hệ rõ ràng này cho thấy cần phải điều chỉnh lại liều insulin khi bắt đầu điều trị bằng statin. Trong khi thiếu thông tin thực tế, người ta sẽ tự hỏi làm thế nào để điều chỉnh liều insulin ở một bệnh nhân thông thường”.

“Câu hỏi đặt ra là: Với việc thiếu những thông tin chi tiết nhưng lại thừa nhận có tình trạng tăng đường huyết, tại sao một bệnh nhân đã lựa chọn dùng thuốc, kiểm soát cân nặng, thực hiện chế độ ăn kiêng, điều trị bằng liệu pháp insulin, v.v., nhưng vẫn đồng ý sử dụng một loại thuốc có thể làm vô hiệu hóa hiệu quả hạ đường máu của tất cả những biện pháp trên?”

Trí nhớ, tâm trạng và sức khỏe tinh thần

Trong các tài liệu khoa học đã ghi nhận rằng statin có thể gây mất trí nhớ nghiêm trọng cũng như gây ra chứng trầm cảm ở người sử dụng. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Crisis, một tạp chí của Hiệp hội Phòng chống Tự tử Quốc tế, nhóm thuốc statin cũng có liên quan đến tự tử.

Theo một bài báo trên tờ Psychology Today của bác sĩ tâm thần Emily Deans, “những nghiên cứu trong vài thập kỷ qua đều cho thấy liên kết giữa tình trạng lượng cholesterol toàn phần trong huyết thanh thấp với hành vi tự tử, bạo lực và trầm cảm”. Các chuyên gia cùng kết quả nghiên cứu đã cảnh báo rằng cholesterol ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể tạo ra nhiều nguy cơ.

Deans viết rằng: “Tổng lượng cholesterol dưới 160, và đặc biệt là dưới 130, có tương quan với nguy cơ mắc các bệnh tâm thần cao hơn”.

Trong một bài báo khác, Deans đã liệt kê một số nghiên cứu cho thấy mối liên kết giữa nồng độ cholesterol huyết thanh thấp với các rối loạn tâm thần từ bạo lực cho đến hành vi chống đối xã hội, tự tử, xu hướng tự tử, muốn tự tử và những thay đổi khác về cảm xúc, hành vi và nhân cách.

“Và mặc dù có hàng rào máu não và cholesterol ít di chuyển từ máu vào não, nồng độ cholesterol trong huyết thanh và trong não có xu hướng tăng hoặc giảm đồng thời… Nồng độ cholesterol sẽ thấp hơn trong giai đoạn hưng cảm ở những bệnh nhân mắc chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực và có xu hướng tăng trở lại khi bệnh cải thiện,” Deans viết.

Ông cho biết, cuộc chạy đua để hạ thấp nồng độ cholesterol đến “đáy” rất đáng lo ngại.

“Bộ não con người cần rất nhiều cholesterol để bọc quanh các tế bào thần kinh, đồng thời cholesterol cũng là thành phần cấu tạo nên màng tế bào và tham gia hỗ trợ quá trình trao đổi thông tin giữa các tế bào thần kinh. Trong khi các bác sĩ tim mạch “chạy đua” để giảm nồng độ cholesterol trong huyết thanh (và các công ty dược phẩm tiếp tục đưa ra các loại thuốc giảm cholesterol mới), thì tầm quan trọng của cholesterol đối với não cũng như vai trò của cholesterol với tim hầu như đã bị bỏ qua”.

Các nghiên cứu đều cho thấy mối liên kết giữa lượng cholesterol trong huyết thanh thấp và hành vi tự tử.

Lời khuyên của Deans cho chúng ta là gì?

“Bạn không nên hạ nồng độ cholesterol xuống ‘đáy’ mà không có lý do chính đáng, cũng như không thể không nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra đối với bộ não ưa thích cholesterol của chúng ta”.

Những giải pháp có thể thay thế statin

Theo Tổ chức Tim mạch Anh, có những phương pháp thay thế statin mà chúng ta có thể áp dụng.

Một loại chất xơ có trong yến mạch tên là beta-glucan có thể giúp bạn giảm nồng độ cholesterol.

Men gạo đỏ lên men có thể có tác dụng tương tự với statin nhưng sẽ an toàn hơn.

Các loại sterol thực vật như bơ hướng dương và các loại sữa chua uống có thể làm giảm nồng độ cholesterol (nhưng không tạo ra nguy cơ nhồi máu cơ tim hay đột quỵ).

Niacin, vitamin B, có thể làm giảm nồng độ cholesterol LDL “xấu” và làm tăng nồng độ cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) - là một loại cholesterol “tốt”, đồng thời không gây ra nguy cơ nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

Cholestyramine và các thuốc thuộc nhóm resin liên kết với axit mật khác là những loại thuốc cũ được sử dụng trước khi statin ra đời - vẫn có thể mang lại hiệu quả. Chúng ta vẫn có thể sử dụng những loại thuốc này với lưu ý rằng chúng có thể gây ra các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và tình trạng thiếu hụt vitamin nếu sử dụng lâu dài.

Policosanol là một loại thuốc được chiết xuất từ ​​sáp mía, có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol và giúp cải thiện nhiều bệnh lý khác nhau.

Fibrate là nhóm các axit cacboxylic và este lưỡng tính có nguồn gốc từ axit fibric, có thể làm giảm nồng độ cholesterol.

Tất nhiên, khi nhắc đến bất kỳ bệnh lý mạn tính nào thì các yếu tố về lối sống luôn được đặt lên hàng đầu. Những yếu tố như ngủ ngon giấc, ăn uống điều độ, duy trì hoạt động thể chất cũng như hạn chế căng thẳng và duy trì các mối quan hệ xã hội tốt sẽ là “phương thuốc” thiết yếu cho phần lớn các bệnh lý mạn tính.

(Đăng lại từ bản tin trực tuyến của tác giả: Martha Rosenberg

Martha Rosenberg: BTV của tờ The Epoch Times, cô là ký giả được công nhận trên toàn quốc có các tác phẩm được Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, Kỷ yếu Phòng khám Mayo, Thư viện Khoa học Sinh học Công cộng, Địa lý Quốc gia và Wikipedia trích dẫn. Sự tiết lộ của Rosenberg với FDA, sinh ra với chứng bệnh nghiện thức ăn vặt được đánh giá cao rộng rãi và giúp cô trở thành phóng viên điều tra nổi tiếng. Cô đã giảng dạy ở nhiều trường đại học trên khắp Hoa Kỳ hiện đang sống tại Chicago).

Theo The Epoch Times -Epoch Health tiếng Anh

Song Hoài biên dịch

Video tham khảo: 5 Thực Phẩm Phòng Ngừa Bệnh Tiểu Đường - Chữa Bệnh Tiểu Đường - Thực Phẩm Tốt Nhất Cho Bệnh Nhân Tiểu Đường



BÀI CHỌN LỌC

Tác dụng phụ của nhóm thuốc Statin với xơ vữa động mạch - đái tháo đường và sức khỏe tâm thần