Dùng điện thoại trong môi trường thiếu sáng có tác hại như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới trẻ ngày nay thường sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ. Đối với sức khỏe, đây là thói quen không tốt, nếu bạn dùng điện thoại trong khi đèn điện tắt, thì nó không chỉ làm tăng cảm giác mệt mỏi cho thị giác mà còn gây ra nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp.

Bệnh tăng nhãn áp là một nhóm tổn thương dây thần kinh thị giác. Trong quá trình tiến triển, bệnh thường có thể làm hỏng thị lực và gây mù lòa. Thực tế, đây không phải chỉ là một bệnh mà là một nhóm bệnh lớn.

Trước khi tìm hiểu bệnh tăng nhãn áp, bạn cần hiểu hai khái niệm cơ bản.

Áp suất nội nhãn

Nhãn áp là áp lực lên thành nhãn cầu do chất bên trong nhãn cầu gây ra. Trong số đó, có một chất rất quan trọng ảnh hưởng đến nhãn áp, đó là thủy dịch.

Thuỷ dịch là một chất lỏng trong suốt do thể mi tiết ra chứa đầy trong tiền phòng và hậu phòng (tiền phòng là khoang nằm giữa giác mạc và thể thủy tinh; hậu phòng là khoang nằm sau mống mắt).

Sự tồn tại của thể dịch giúp tạo nên áp lực (nhãn áp) để duy trì dạng hình cầu căng cho mắt, đồng thời cung cấp dưỡng chất cho giác mạc và thủy tinh thể.

Bệnh tăng nhãn áp xảy ra khi áp lực của thủy dịch bên trong nhãn cầu tăng cao hơn bình thường, tạo nên một áp lực nặng lên mắt.

Thần kinh thị giác

Dây thần kinh thị giác nằm ở phía sau của nhãn cầu và truyền tải thông tin hình ảnh mà mắt nhìn thấy đến não.

Nếu nhãn áp tăng có thể gây chèn ép và làm tổn thương dây thần kinh thị giác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực, thậm chí gây mù lòa. Một khi mù lòa xảy ra, bạn vĩnh viễn không thể nhìn lại được.

Bệnh tăng nhãn áp có thể được chia thành ba loại chính:

 

  • Bệnh tăng nhãn áp nguyên phát: Được chia thành bệnh tăng nhãn áp góc mở và bệnh tăng nhãn áp góc đóng. "Góc" trong cả hai trường hợp đề cập đến góc thoát dịch bên trong mắt, kiểm soát dòng chảy ra của dịch lỏng như nước liên tục được sản xuất ở bên trong.
  • Tăng nhãn áp thứ phát: Thường gặp đối với những người từng mắc bệnh tăng nhãn áp góc mở, tăng nhãn áp góc đóng hay những bệnh lý khác (tiểu đường, thường dùng những thuốc Corticosteroids, chấn thương mắt).
  • Bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh: Liên quan đến các rối loạn phát triển trong thời kỳ phôi thai, một số bệnh khởi phát khi mới sinh và một số bệnh khởi phát khi còn nhỏ.

 

Yếu tố nguy cơ đầu tiên dẫn đến bệnh tăng nhãn áp là yếu tố tuổi tác, càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp càng cao, bệnh này thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi từ 40 - 80.

Thứ hai là yếu tố di truyền, người có gia đình. tiền sử bệnh tăng nhãn áp cũng có nhiều khả năng mắc bệnh hơn; ngoài ra bệnh tiểu đường, cận thị cao, viễn thị cũng là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh tăng nhãn áp.

Tác hại của việc dùng điện thoại trong môi trường thiếu sáng

Quay trở lại câu hỏi lúc đầu, dùng điện thoại khi tắt đèn, nó có thực sự gây ra bệnh tăng nhãn áp không?

Câu trả lời là: Hoàn toàn có thể!

Trong môi trường thiếu sáng, đồng tử của một người sẽ trở nên to hơn và mống mắt sẽ tích tụ góc tiền phòng, điều này có thể khiến góc tiền phòng bị chặn lại.

Nếu sử dụng mắt trong môi trường thiếu sáng kéo dài, bạn có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp góc đóng.

Đối với những người không có các yếu tố nguy cơ cao, thì khả năng mắc bệnh tăng nhãn áp tương đối nhỏ, nhưng thói quen xấu dùng điện thoại trong môi trường kém ánh sáng cũng gây bất lợi cho mắt.

Vì vậy, trước khi đi ngủ khuyến cáo bạn cố gắng không dùng điện thoại di động. Nếu muốn dùng, bạn nên bật đèn để có ánh sáng đủ cho mắt.

Có thể hiện tại bạn chưa cảm thấy sự nguy hại và tác động trực tiếp của nó, nhưng bệnh tật luôn xuất hiện sau khi có một quá trình tích lũy đủ. Những thói quen xấu trong cuộc sống của chúng ta có khả năng sẽ khiến bạn phải trả giá đắt.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Dùng điện thoại trong môi trường thiếu sáng có tác hại như thế nào?