Tại sao bàn chân rất lạnh vào mùa đông?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đợt không khí lạnh tăng cường với nhiệt độ xuống thấp khiến ai cũng cảm thấy tê cóng. Bạn có bao giờ thắc mắc, dù đã nằm trong chăn hoặc ủ ấm rất kỹ, nhưng tại sao bàn chân vẫn tỏa ra hơi lạnh khiến bạn khó chịu?

Điều này rất kỳ lạ, vậy rốt cuộc chân lạnh thường xuyên cho thấy vấn đề gì liên quan đến thể chất? Đừng lo lắng, bài viết này sẽ giải thích câu hỏi và hướng dẫn bạn cách làm ấm bàn chân vào mùa đông sao cho hiệu quả.

Vì sao bàn chân vào mùa đông trở nên lạnh?

Bạn đã bao giờ nghĩ rằng bàn chân lạnh thực chất là một cách để cơ thể bảo vệ hay chưa?

Như chúng ta đã biết, nhiệt độ trong cơ thể con người gần như là ổn định.

Hệ thống thân nhiệt này được ví như máy điều hòa, có tác dụng kiểm soát thân nhiệt; gặp thời tiết nóng thì điều chỉnh thành mát, gặp lạnh thì điều chỉnh nhiệt độ cơ thể để tạo ra hơi ấm!

Trái tim của chúng ta là nguồn tạo ra nhiệt. Máu lưu thông đến tất cả mọi bộ phận của cơ thể thông qua tim, và máu sẽ giúp con người cảm thấy ấm áp ở bất cứ đâu.

Khi trời lạnh, các mạch máu của cơ thể sẽ co lại một cách tự nhiên, và máu sẽ ưu tiên sưởi ấm các cơ quan quan trọng. Nhưng bàn chân là nơi xa tim nhất, đường dẫn máu dài nhất, nên nhiệt lượng cung cấp tương đối không đủ.

Ngoài ra, bàn chân có ít mỡ và khả năng giữ nhiệt yếu, dù máu chảy qua thì bàn chân cũng không dễ tụ nhiệt. Vì vậy, vào mùa đông bạn sẽ thấy hiện tượng bàn chân tê lạnh dù đã ngủ trong chăn hoặc ủ ấm khá lâu.

Tuy nhiên, một số người có thể nảy sinh câu hỏi khác: Thế thì tại sao nữ giới thường hay bị lạnh tay chân?

Đây là do sự hoạt động của nội tiết tố trong cơ thể.

Estrogen làm cho nữ giới có khả năng điều chỉnh nhiệt độ mạnh hơn, nhưng họ cũng nhạy cảm hơn. Trong cùng một sự thay đổi nhiệt độ, phụ nữ dễ bị "lạnh" hơn!

Hơn nữa, phụ nữ khi trải qua thời kỳ kinh nguyệt, sinh nở, mãn kinh thì việc tiết estrogen trong cơ thể sẽ giảm, dẫn đến lượng estrogen giảm liên tục, co mạch dưới da và giảm lưu lượng máu, cũng dễ bị lạnh tay chân.

Nội tiết tố androgen trong cơ thể của nam giới giúp tạo ra cơ bắp, khiến chúng có tỷ lệ trao đổi chất cơ bản cao hơn và tạo ra nhiều nhiệt hơn. Điều này cũng có nghĩa là phụ nữ cần dựa vào các phương tiện bên ngoài để sưởi ấm nhiều hơn nam giới.

Tất nhiên, không chỉ giới tính sẽ ảnh hưởng đến sự thay đổi nhiệt độ của bàn chân, mà còn các yếu tố ảnh hưởng phổ biến khác như:

  • Tuổi tác: so với thanh niên và trung niên, tỷ lệ trao đổi chất cơ bản của người cao tuổi thấp hơn, và họ dễ mất calo hơn;
  • Thời gian: ngoài sự thay đổi theo mùa, thân nhiệt cũng dao động trong ngày, ban đêm thường là đáy của thân nhiệt;
  • Về tình trạng sức khỏe: người ốm dễ bị lạnh chân hơn người khỏe mạnh.

Vì vậy, nhìn chung, hầu hết chúng ta đều bị lạnh chân vào mùa đông như một phản ứng bình thường của cơ thể; tuy nhiên, cũng không thể loại trừ hoặc tránh khỏi một số điều kiện đặc biệt có thể gây ra lạnh chân.

Lúc nào bàn chân cũng lạnh, hãy cẩn thận với 4 biểu hiện bất thường của cơ thể

Nếu bị lạnh chân dai dẳng thì phải xem cơ thể có khỏe mạnh không.

1. Chân lạnh dai dẳng + mệt mỏi

Yếu tố quan trọng đầu tiên là cần kiểm tra các vấn đề về tim.

Tim là nguồn cung cấp nhiệt cho cơ thể, nếu tim không tốt thì khả năng cung cấp oxy và máu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, máu lưu thông tự nhiên sẽ chậm lại, do đó bị lạnh chân là điều bình thường.

Tình trạng này cũng phổ biến hơn ở những người trung niên và cao tuổi hoặc những người thiếu vận động.

Khuyến cáo mọi người nên chú ý hơn đến những thay đổi tinh tế của cơ thể, cần thường xuyên tập thể dục và khám sức khỏe định kỳ!

2. Tay và chân lạnh + ngứa ran và đau cục bộ

Ngoài các vấn đề về tim mạch, người bị lạnh tay chân có thể bị tắc nghẽn mạch máu, triệu chứng ban đầu là tay chân lạnh, hay ngứa ran, đau nhức; nếu để lâu có thể gây mất ngủ và gây ra các bệnh toàn thân.

Đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường thường xuất hiện các triệu chứng như tắc nghẽn mạch máu; tay chân lạnh cũng là một trong những biến chứng cần hết sức cảnh giác.

3. Sợ lạnh + da nhợt nhạt, má sưng tấy

Sợ lạnh và nước da nhợt nhạt là một trong những đặc điểm của bệnh suy giáp. Bệnh cũng thường biểu hiện bằng các triệu chứng như giảm trí nhớ, khô da, sưng má và rụng tóc.

Là một cơ quan nội tiết của cơ thể, tuyến giáp tham gia vào quá trình trao đổi chất của con người và điều hòa thân nhiệt cùng với adrenaline.

Nếu chức năng sinh nhiệt của cơ thể con người suy giảm, kèm theo các triệu chứng trên thì nên đi khám chuyên khoa nội tiết để kiểm tra xem có bị suy giáp hay không.

4. Thân nhiệt không thấp nhưng chân vẫn lạnh

Loại này thường gặp trong rối loạn chức năng thần kinh do thoái hóa đốt sống thắt lưng và thoái hóa đốt sống cổ, rối loạn cơ chế điều hòa thân nhiệt, cảm thấy lạnh nhưng thân nhiệt thực tế không thấp, có biểu hiện ớn lạnh, rùng mình…

Ngoài ra, bệnh thiếu máu, hội chứng Raynaud, thường gặp ở phụ nữ, cũng có thể gây ra chứng lạnh chân tay. Giải pháp hữu hiệu nhất đối với những căn bệnh này là cố gắng giữ ấm tối đa.

Phương pháp sưởi ấm bàn chân trong mùa đông

Nếu không muốn để chân lạnh, bạn cũng nên thử áp dụng 5 phương pháp sau đây để làm ấm cơ thể từ trong ra ngoài.

1. Mặc nhiều hơn

Giờ đây, việc mặc quần áo theo kiểu “thời trang giết thời tiết” không còn phổ biến nữa, những người thông minh sẽ nghĩ đến việc cố gắng cân bằng giữa sự ấm áp và thời trang.

  • Tất dài hơn và chật hơn, tốt nhất là dài trên mắt cá chân để giảm sự tiếp xúc giữa nhiệt độ bên ngoài, có thể bảo vệ bạn khỏi cái lạnh một cách hiệu quả;
  • Giày có đế quá mỏng sẽ khiến không khí lạnh lọt vào lòng bàn chân, giày cao cổ và giày thể thao là lựa chọn tốt;
  • Mang thêm một số quần áo, găng tay, khăn quàng cổ, mũ, áo khoác và giày, tất dày.

Nói chung, chỉ cần bạn làm tốt việc giữ ấm phần dưới của mình thì toàn thân bạn sẽ cảm thấy ấm áp.

2. Sử dụng các dụng cụ sưởi ấm một cách hợp lý

Khi trời lạnh, nếu có điều kiện, bạn hãy bật lò sưởi điện vào ban đêm để làm ấm giường, điều này có thể tạo thêm hơi ấm cho đôi chân và giúp bạn dễ ngủ. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý khi sử dụng thiết bị này, cần đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.

Ngoài ra, hãy ngâm chân với nước ấm từ 1 - 2 lần mỗi tuần để thúc đẩy quá trình lưu thông máu và làm ấm chân nhanh chóng. Tuy nhiên, bệnh nhân đái tháo đường cần thận trọng trong việc sử dụng phương pháp này để tránh bị bỏng nước.

3. Ăn hoặc phơi nắng nếu cần thiết

Khi trời lạnh, mọi người thích ăn một số đồ ăn nóng để làm ấm cơ thể. Ăn một số món ăn có tính ấm và bổ đúng cách có thể bồi bổ cơ thể, giải cảm hiệu quả, tăng sức đề kháng.

Đối với việc phơi nắng, vì mùa đông vốn dĩ ít có ánh nắng mặt trời nên việc hấp thụ nhiệt bằng cách phơi nắng có thể đạt được mục đích giúp cơ thể thoát khỏi cảm lạnh.

Vào những ngày có ánh nắng, không phân biệt nam nữ, già hay trẻ, phơi nắng từ 15 đến 30 phút có thể thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi trong cơ thể và tăng cường khả năng miễn dịch.

Thời gian tốt nhất để phơi nắng là từ 9 đến 10 giờ sáng, hoặc từ 15 đến 16 giờ chiều (vào mùa đông). Những bạn không muốn bị rám nắng có thể phơi nắng ít hơn.

4. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục là một cách tốt để giữ ấm. Những người tập thể dục trong mùa đông sẽ có khả năng chống rét tốt hơn những người bình thường.

Bởi vì vận động trong môi trường lạnh, có thể cải thiện khả năng hưng phấn của vỏ não, tăng cường chức năng của hệ thần kinh trung ương để điều hòa thân nhiệt, để cơ thể sản sinh và tản nhiệt tốt hơn, từ đó giúp cơ thể thích ứng với thời tiết lạnh.

Nhưng vào mùa đông, bạn cần lưu ý không nên tập thể dục quá sớm, nên hoãn một tiếng trước khi ra ngoài tập thể dục để tránh nhiệt độ quá thấp và không khí quá ô nhiễm.

Ngoài ra, bạn cũng không nên tập quá sức, nên ra mồ hôi nhẹ, nếu không sẽ phản tác dụng.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao bàn chân rất lạnh vào mùa đông?