Tại sao gót chân thường bị khô và nứt nẻ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình trạng nứt gót chân xảy ra ở nhiều người. Có ý kiến cho rằng tình trạng này đơn giản là do da chân không được vệ sinh cẩn thận, trong khi một số người lại cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do sức khỏe. Vậy, nguyên nhân thực sự gây nứt gót chân là gì?

1. Đánh giá mức độ nghiêm trọng của nứt gót chân

Có nhiều lý do khiến gót chân bị nứt, nhưng liệu nó có liên quan đến các vấn đề sức khỏe hay không thì còn tùy thuộc vào mức độ.

Nếu trên bề mặt da chỉ có hiện tượng khô và nứt nẻ, không kèm theo các biểu hiện bất thường như ngứa, đau, chảy dịch… thì nó thuộc loại khô, nứt cấp độ một.

Trong trường hợp vết nứt rõ ràng hơn, hơi đau nhưng vẫn không chảy máu thì đó là nứt cấp độ hai.

Nếu mức độ nứt tương đối sâu, kèm theo đau và chảy máu thì được xếp vào loại nứt độ ba. Ở cấp độ này, bạn phải cảnh giác, bởi thông thường là do yếu tố bất thường nào đó liên quan đến sức khỏe.

2. Phán đoán dựa trên các triệu chứng khô nứt kèm theo

Khi gót chân bị khô và nứt nẻ, nếu bạn không cảm thấy khó chịu, chẳng hạn như ngứa bàn chân hoặc các dấu hiệu bất thường trên da, thì chúng thường là do vệ sinh kém.

Tuy nhiên, bạn cần để ý khi triệu chứng khô và nứt nẻ trên da xuất hiện kèm theo hàng loạt các biểu hiện bất thường khác, bởi lúc này có thể là do cơ thể mắc một số bệnh hoặc thiếu hụt một số chất dinh dưỡng.

3. Nguyên nhân nào khiến gót chân bị khô và nứt nẻ?

Bệnh dày sừng gót chân

Nếu da chân bị nhiễm một loạt các loại nấm như Trichophyton mentagrophytes và Trichophyton rubrum, nó sẽ gây nhiễm trùng da chân, làm xuất hiện bệnh dày sừng gót chân.

Khi đó gót chân của người bệnh thường trở nên khô, đóng vảy, dày lên và sần sùi. Nó cũng đi kèm với triệu chứng da nứt nẻ và đau ở gót chân.

Hiện tượng này đặc biệt rõ ràng khi bước vào mùa đông, nhưng nếu tình trạng nghiêm trọng thì mùa hè chân vẫn khó khôi phục trở lại bình thường.

Chàm

Chàm là một bệnh ngoài da dị ứng, nguyên nhân gây bệnh không rõ ràng nhưng nhìn chung, nó liên quan đến các yếu tố như rối loạn nội tiết, dị ứng, di truyền hoặc khí hậu lạnh.

Khi bị chàm, bàn tay hoặc gót chân của người bệnh sẽ xuất hiện một số nốt sẩn, mụn nước hoặc nốt đỏ. Với sự phát triển của bệnh, vùng da bị bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng đóng vảy, dày lên, nứt nẻ và ngứa ngáy.

Thiếu vitamin trầm trọng

Tình trạng này dễ xuất hiện ở những người ăn nhiều thịt, ít rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.

Cơ thể của họ thiếu nhiều vitamin, chẳng hạn như vitamin D, vitamin E, vitamin B… ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của da và gây tổn thương màng nhầy. Kết quả là, xuất hiện tình trạng nứt gót chân và các vấn đề khác.

Đồng thời, thiếu cân bằng dinh dưỡng cũng gây khô da toàn thân, loét miệng, viêm môi và các bệnh về da, niêm mạc khác.

Tựu chung lại, việc nứt gót chân thường xuyên có liên quan đến yếu tố sức khỏe hay không cần được đánh giá dựa trên mức độ nứt nẻ và các triệu chứng kèm theo.

Nếu nó chỉ hơi khô và không gây cảm giác khó chịu nào khác, nó thường là do vệ sinh kém. Khi tình trạng khô nứt rõ ràng, kèm theo dày da cục bộ, đóng vảy, chảy dịch… thì thông thường có thể là do ba yếu tố nói trên.

Để giải quyết, bạn nên tham khảo sự hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời điều chỉnh chế độ ăn uống để cải thiện tối đa tình trạng gót chân bị khô và nứt nẻ.

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao gót chân thường bị khô và nứt nẻ?