Tại sao một số người ho có đờm? Nếu đờm nhiều thì báo hiệu bệnh gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Làm thế nào để nhận biết dấu hiệu của bệnh tật từ việc ho khạc ra đờm?

Chắc hẳn ai cũng từng khạc đờm trong cuộc sống hàng ngày, có khi vào buổi sáng, những cũng có khi là do các bệnh về đường hô hấp.

Nhiều người coi “khạc đờm” là dấu hiệu của bệnh liên quan đến đường hô hấp, nhưng thực tế, cả người khỏe mạnh và người mắc bệnh đường hô hấp đều sẽ tiết ra đờm. Đây thực chất là một trong những cơ chế tự bảo vệ của đường hô hấp.

Từ góc độ lâm sàng, đờm là chất lỏng do đường hô hấp tiết ra khi bị kích thích. Đường hô hấp bao gồm khoang mũi, họng, khí quản và các mô trên cơ thể nên dịch tiết ra từ các bộ phận này sẽ trở thành một phần của đờm.

Đường hô hấp được chia thành phần trên và phần dưới, hai phần này thực chất là cơ sở sản sinh ra chất nhầy do màng nhầy tiết ra, mục đích bảo vệ đường hô hấp khỏi bụi bẩn, phấn hoa, vi sinh vật và các chất kích ứng khác.

Chất nhầy bao bọc xung quanh các chất này, sau đó bài tiết ra ngoài khi ho khạc. Vậy thì tại sao một số người luôn có đờm mà không hết?

Thỉnh thoảng ho có đờm thực ra là hiện tượng sinh lý bình thường, đây là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể khi tích tụ quá nhiều chất thải trong đường hô hấp.

Tuy nhiên, nếu trong thời gian ngắn bạn liên tục ho khạc có đờm, thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh đường hô hấp.

Khi bị viêm đường thở, thành phần của dịch hô hấp bị thay đổi, khi đó sẽ hình thành đờm.

Đờm, hen suyễn và viêm nhiễm là những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh viêm đường hô hấp dưới. Bệnh viêm đường hô hấp dưới được chia thành hai loại: cấp tính và mãn tính.

Nhiễm trùng cấp tính chủ yếu là viêm khí quản - viêm phế quản cấp, là bệnh thường gặp nhất của hệ hô hấp, phần lớn là do nhiễm trùng, kích thích vật lý và hóa học, dị ứng và các yếu tố khác, bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh.

Bệnh nhân có thể ho ra đờm đặc, vàng, trắng. Trong trường hợp ho thường xuyên và dữ dội, có thể lẫn máu trong đờm.

Nhiễm trùng mãn tính là viêm phế quản mãn tính, các tuyến trong khí quản phì đại, số lượng tế bào cốc tăng lên. Trong trường hợp này, lượng dịch tiết ra cũng sẽ tăng lên đáng kể, đồng thời độ nhớt của chúng cũng tăng lên rất nhiều.

Tuy nhiên, sự vận động co bóp của niêm mạc sẽ bị yếu đi, từ đó cản trở chức năng đào thải đờm.

Ngoài hai căn bệnh trên, còn có nhiều căn bệnh về đường hô hấp khác có thể xuất hiện đờm, trong đó nổi bật là bệnh ung thư phổi.

Trong quá trình phát triển của ung thư phổi, sự bài tiết của niêm mạc đường hô hấp thường bị thay đổi, biểu hiện ban đầu là ho và ho khan kéo dài. Trường hợp nặng người bệnh có thể ho ra một ít máu, lẫn máu trong đờm.

Nói một cách dễ hiểu, một người thỉnh thoảng khạc đờm là chuyện bình thường, nhất là khi môi trường sống kém, điều kiện làm việc càng ô nhiễm thì đờm ra càng nhiều.

Tuy nhiên, nếu trong thời gian ngắn liên tục ho ra đờm và kèm theo các triệu chứng khó chịu khác như sốt, tức ngực, khó thở… thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy đường hô hấp có vấn đề.

(*) Ảnh chủ đề: Rebecca Brown - CC BY-NC 2.0

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao một số người ho có đờm? Nếu đờm nhiều thì báo hiệu bệnh gì?