Tại sao tôi lại bị đầy hơi, chướng bụng và các cách phòng tránh (Phần II)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đi ngủ và cảm thấy khó chịu vì cảm giác đầy bụng, dù bạn chẳng ăn quá nhiều. Liệu cơ thể bạn có đang giữ quá nhiều nước không? Đó có phải là do thực phẩm bạn đã ăn không? Hay là do vấn đề sức khỏe nào khác của bạn?...

Tăng cân

Nếu đã tăng khoảng 4,5 kg trở lên trong năm qua, bạn có thể cảm thấy chướng bụng vì phần bụng thường bị béo ra trước, và do đó để lại ít không gian cho dạ dày căng ra khi ăn no. Nên nói với bác sĩ để xây dựng một chương trình tập luyện và chế độ ăn kiêng cân bằng để giúp bạn giảm cân và bớt chướng bụng.

Fructose

Đây là một loại đường mà cơ thể khó phân hủy hơn các loại khác, có thể gây ra đầy khí, chướng bụng và đau bụng. Có nhiều loại thực phẩm có hàm lượng Cristo sẽ cao như trái cây khô, mật ong, hành và tỏi. Ghi nhật ký thực phẩm cũng là cách hữu ích giúp bạn theo dõi cảm giác sau khi ăn một số loại thực phẩm và tìm hiểu xem đây có phải là vấn đề làm bạn đầy bụng hay không.

Trái cây khô có hàm lượng đường khó phân hủy, mà từ đó có thể gây ra đầy khí, chướng bụng... (Pixabay)
Chất béo

Cơ thể cần chất béo để tạo thành tế bào, mô thần kinh và các hormone. Nhưng quá nhiều chất béo có thể khiến bạn chướng bụng vì cơ thể mất nhiều thời gian để tiêu hóa nó hơn các loại thực phẩm khác. Nó cũng chứa nhiều calo và có thể khiến bạn tăng cân và điều đó cũng có thể khiến bạn bị chướng bụng. Bạn có thể hạn chế calo từ chất béo bằng cách dùng đạm nạc, ngũ cốc nguyên hạt và rau.

Thời kỳ kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể khiến một số phụ nữ cảm thấy mệt mỏi, đau nhức và khó chịu trong tuần trước ngày đèn đỏ mỗi tháng. Nguyên nhân có thể do hormon thay đổi khiến cơ thể bị giữ nước, gây ra cảm giác chướng bụng. Bạn có thể áp dụng một số biện pháp giúp làm giảm triệu chứng như tập thể dục, tránh xa muối, đường và các carbohydrate đơn giản.

FODMAPs

FODMAP là những carbohydrate chuỗi ngắn mà một số người không thể tiêu hóa được. Thay vào đó, chúng đi tới tận cuối đường ruột nơi có vi khuẩn ruột sống. Vi khuẩn đường ruột sau đó dùng các carbohydrate này để làm nhiên liệu sản xuất ra các hydro và gây ra các triệu chứng tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy và táo bón.

FODMAPs có trong một số loại trái cây, rau, ngũ cốc và sữa. Măng tây, tỏi, lê, xoài, đào, mì Spaghetti và bánh mì lúa mạch đen là những ví dụ. Ghi nhật ký thực phẩm để theo dõi các thực phẩm ảnh hưởng đến bạn, và hỏi ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ liệu FODMAPs có thể là nguyên nhân hay không, vì vậy bạn sẽ biết có cần loại bỏ chúng khỏi chế độ ăn của mình hay không.

Bệnh không dung nạp Gluten

Đây là khi cơ thể bạn phản ứng với gluten - một loại protein trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và nhiều loại thực phẩm đóng gói sẵn - bằng cách tấn công niêm mạc ruột. Nó có thể gây tiêu chảy, giảm cân, đau vùng bụng và sinh nhiều khí có thể khiến bạn cảm thấy chướng bụng. Không có cách chữa trị, nhưng bạn có thể kiểm soát các triệu chứng nếu tránh xa các thực phẩm chứa gluten.

Gluten có nhiều trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và nhiều loại thực phẩm đóng gói sẵn... (Pixabay)
Kiểm soát tình trạng sức khỏe của bạn

Hầu như triệu chứng đầy hơi, chướng bụng có thể kiểm soát được. Nhưng nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc mất cảm giác ngon miệng, hoặc bị tiêu chảy, giảm cân, sốt, đau bụng hoặc máu trong phân, hãy nói chuyện với bác sĩ.

Bác sĩ có thể xét nghiệm phân, chụp X-quang ruột non, hoặc kiểm tra bạn về tình trạng không dung nạp lactose hoặc bệnh không dung nạp Gluten. Ngoài ra, hội chứng ruột kích thích, nhiễm trùng hoặc những bệnh khác cũng có thể là nguyên nhân gây ra đầy hơi, chướng bụng cho bạn. Sử dụng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống, ngủ và tập thể dục đều đặn là những biện pháp thích hợp cho tình trạng chướng bụng.

Quỳnh Nga
- Theo WebMD.

 

 

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Tại sao tôi lại bị đầy hơi, chướng bụng và các cách phòng tránh (Phần II)