Táo tàu và đường nâu bổ máu không? 3 thực phẩm thực sự tốt cho máu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Táo tàu và đường nâu đều được cho là rất bổ máu. Tuy nhiên, liệu chúng có được tác dụng như vậy hay không? Nếu bạn thấy người xanh xao, tay chân lạnh, khí huyết không đủ thì phải tìm ngay biện pháp để bồi bổ máu kịp thời.

Thiếu máu là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh, ngoài da xanh xao, uể oải, suy nhược… trường hợp nặng có thể hồi hộp, khó thở, kinh nguyệt không đều, tiểu đêm nhiều lần.

Bồi bổ máu để làm gì?

Dưỡng huyết nói ở đây không giống như khái niệm “khí và huyết” mà y học cổ truyền Trung Hoa nhấn mạnh.

Trong y học hiện đại, bồi bổ máu chủ yếu thông qua việc bổ sung các chất dinh dưỡng, từ đó thúc đẩy quá trình tổng hợp huyết sắc tố trong máu, nâng cao khả năng vận chuyển của hồng cầu, giúp máu lưu thông trong cơ thể.

Vậy những thực phẩm bổ máu là gì? Có lẽ một số người cho rằng ăn nhiều táo tàu và a giao (hay cao da lừa) là đủ.

Trong khi đó, nhiều loại sản phẩm trên thị trường dù được quảng cáo có tác dụng “bổ máu”, nhưng hiệu quả thực sự lại không đáng tin cậy.

Nhưng…

Táo tàu không bổ máu như một số người tưởng

Táo tàu có chứa sắt, nhưng không nhiều. Hàm lượng sắt trong táo tàu khô là khoảng 2mg / 100g; còn hàm lượng sắt trong táo tàu tươi thậm chí thấp hơn, ở mức 1.2mg / 100g.

Nguyên tố sắt có trong táo tàu là sắt không heme, rất khó cho cơ thể con người hấp thụ. Hơn nữa, táo tàu chứa nhiều xenluloza, cũng là chất khó tiêu hóa.

Nếu người tỳ vị hư yếu ăn táo tàu thì sẽ không hấp thụ được các loại chất dinh dưỡng, còn làm tăng gánh nặng cho các chức năng của lá lách, dạ dày, không có tác dụng bổ máu.

Đồng thời, hàm lượng đường trong táo tàu không hề thấp, lượng đường của táo tàu khô là 67.8g / 100g. Người mắc bệnh đái tháo đường ăn táo tàu dễ khiến đường huyết tăng cao.

A giao (cao da lừa) cũng không thể bồi bổ cho máu

Cái gọi là a giao thực chất được làm từ da lừa, thành phần chính của nó là collagen. Lượng protein này không đủ tốt để đáp ứng nhu cầu axit amin của cơ thể.

Ngoài ra, cao da lừa nổi tiếng nhất trên thị trường chủ yếu là sản phẩm kết hợp giữa a giao và chà là đỏ, nhưng để thu hút khách hàng, các nhà sản xuất đã thêm rất nhiều đường vào sản phẩm, một số thậm chí có hàm lượng đường lên tới 60%.

Ngoài táo tàu và cao da lừa, đường nâu cũng được cho là có tác dụng tốt đối với máu. Tuy nhiên…

Đường nâu không có tác dụng gì trong việc bồi bổ máu

Là một loại đường chưa qua tinh luyện, 96.6% thành phần của nó đều là đường, trong khi hàm lượng khoáng chất bên trong (bao gồm sắt) rất thấp.

Do đó, nếu bạn nói rằng ăn đường nâu có thể giúp bổ máu thì hoàn toàn sai.

Vậy thực phẩm thực sự giúp bổ máu là gì?

1. Máu động vật

Huyết heo, huyết cừu, huyết vịt, huyết gà… Những loại huyết động vật này chứa một lượng lớn sắt heme. Các heme này được cơ thể con người rất dễ hấp thụ và có tác dụng cải thiện tốt hiện tượng thiếu máu do thiếu sắt.

2. Gan động vật giàu sắt, rất tốt cho máu

Gan động vật đặc biệt giàu sắt, ngoài ra còn chứa nhiều protein, vitamin, gluxit và nhiều thành phần khác. Các thành phần này có thể cải thiện chức năng của hệ tạo máu, có tác dụng phòng và điều trị bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

Ví dụ như gan lợn, hàm lượng sắt của nó có thể cao tới 22.6mg / 100g, tỷ lệ hấp thụ và sử dụng cũng cao. Ngoài tác dụng bổ máu, gan heo còn rất giàu vitamin A và D.

Tuy nhiên, do gan heo có hàm lượng natri, cholesterol, protein và purin cao nên mỗi tuần bạn chỉ nên ăn một lần, và mỗi lần chỉ nên ăn 105g (khoảng 7 lạng).

3. Thực phẩm chứa vitamin C

Kiwi, cà chua, bưởi, chanh, dâu tây, anh đào cũng như các loại rau và trái cây như ớt, cần tây, bông cải xanh… chứa rất nhiều vitamin C.

Vitamin này thúc đẩy cơ thể hấp thụ sắt và tăng cường miễn dịch tổng thể. Nó có tác dụng nhất định trong việc cải thiện các triệu chứng hồi hộp, chóng mặt, dễ cảm lạnh do thiếu máu.

Đối với những người bị thiếu máu nặng hơn, nên uống sắt sulfat đúng cách dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, họ nên uống vitamin C cùng lúc để đạt được hiệu quả bổ máu nhanh chóng.

Hoàng Tuấn
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Táo tàu và đường nâu bổ máu không? 3 thực phẩm thực sự tốt cho máu