Thế nào được xem là “hồi phục” sau khi nhiễm virus Vũ Hán?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, các báo cáo từ khắp nơi trên thế giới đã tiết lộ về sự phục hồi sau khi nhiễm COVID-19. Kể cả tại Hoa Kỳ, các bác sĩ liên tục chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội về sự hồi phục thần kỳ của các ca bệnh viêm phổi Vũ Hán nặng...

Những tin tức tốt lành liên tục xuất hiện: một nam bệnh nhân 38 tuổi xuất viện sau ba tuần điều trị tại Cleveland Clinic, ông đã phải nằm 10 ngày tại khoa chăm sóc tích cực (ICU); một phụ nữ 93 tuổi ở thành phố New Orleans đã được tháo ống thở chỉ sau 3 ngày; một người bệnh khác tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts đã được tháo máy thở sau 5 ngày và hiện đang có tình trạng sức khỏe tốt. Tuy nhiên về tiên lượng của nhóm người cao tuổi, thì tình hình không thực sự khả quan.

Thật vậy, tuổi tác là một yếu tố làm nhóm này có tiên lượng xấu hơn đáng kể so với các nhóm tuổi khác, và ngay cả nếu may mắn khỏi bệnh thì họ cũng khó có thể trở lại trạng thái sức khỏe vốn có trước khi đổ bệnh.

Theo một nghiên cứu mới trên The Lancet, dựa trên dữ liệu từ Trung Quốc, tỷ lệ tử vong chung của những người được chẩn đoán mắc virus Corona mới là 1,4%. Con số này tăng lên đến 4% đối với những người ở độ tuổi 60; 8,6% đối với những người ở độ tuổi 70 và 13,4% đối với những người từ 80 tuổi trở lên.

Có bao nhiêu người bị viêm phổi Vũ Hán nặng có thể hồi phục?

Theo một báo cáo từ Anh Quốc vào tuần trước, trong số 775 bệnh nhân mắc COVID-19 được đưa vào ICU thì đã có 79 người chết, 86 người sống sót và được chuyển đến khoa khác để điều trị. Đặc biệt, có 609 người trong tình trạng nguy kịch vẫn đang được điều trị với tiên lượng không mấy sáng sủa. Các chuyên gia lưu ý đây chỉ là dữ liệu sơ bộ, trước khi có một đợt bệnh nhân được mong đợi hồi phục ​​trong vài tuần tới.

Một nghiên cứu nhỏ khác vừa được công bố trên Tạp chí Y học New England, trong 24 bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng được điều trị tại bệnh viện Seattle, có 12 người (50%) đã chết trong vòng 18 ngày. Bốn trong số 12 người này đã sử dụng quyền từ chối hồi sức (quyền của người bệnh, theo ghi chú của người dịch). Còn với 12 người sống sót, có 3 người vẫn đang thở máy tại đơn vị ICU, 4 người được rời ICU nhưng vẫn đang điều trị tại bệnh viện, 5 người còn lại thì đã xuất viện và trở về nhà.

Gần đây, tiến sĩ (TS) Theodore (Jack) Iwashyna, một giáo sư chuyên ngành hô hấp và hồi sức tích cực tại Đại học Michigan, đã viết trên Twitter rằng: “Những bệnh nhân nhiễm COVID-19 bị hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) đang hoàn toàn hồi phục và đã được rút ống thở”.

Như thế nào được gọi là “hồi phục” sau nhiễm COVID-19?

Dưới đây là cuộc hội thoại giữa phóng viên Judith Graham và tiến sĩ Kenneth Lyn-Kew, bác sĩ chuyên ngành hô hấp và chăm sóc tích cực tại bệnh viện National Jewish Health ở Denver, bang Colorado, Hoa Kỳ, sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ vấn đề này. National Jewish Health là bệnh viện chuyên về hô hấp số một trên toàn nước Mỹ, theo đánh giá của tạp chí U.S News & World Report vào năm ngoái (2019).

PV: Như thế nào được gọi là ‘hồi phục’?
Bệnh có 3 tình trạng: nhẹ, trung bình, và nặng. Hầu hết số ca nhiễm bệnh, lên đến 80%, là sẽ có các triệu chứng nhẹ. Họ phục hồi thường sẽ mất một vài tuần. Người bệnh có thể cảm thấy khủng khiếp, mệt mỏi rã rời, đau cơ, ho nhiều, sốt và tức ngực. Sau đó, các triệu chứng này biến mất. Ngoài ra, một số người khác không bao giờ có triệu chứng, thậm chí họ không hề biết là mình đã nhiễm bệnh.

PV: Thế còn những người mắc bệnh mức độ trung bình thì sao?
Chúng tôi có ít thông tin về nhóm bệnh nhân này. Thông thường, họ phải ở bệnh viện một vài ngày. Người bệnh cảm thấy khó thở hơn. Đôi khi, một tình trạng bệnh tiềm ẩn như hen suyễn có thể trở nên trầm trọng hơn. Thông thường, họ cần thở oxy nồng độ thấp trong vài ngày.

Ngoài ra, một số bệnh nhân khác bị sốt cao hoặc bị tiêu chảy nặng khi nhiễm COVID-19. Nhóm này có thể bị mất nước và cần truyền dịch.

Một số ít khác thì có thể gặp viêm cơ tim. Họ nhập viện vì có các dấu hiệu giống như các cơn đau tim cấp.

PV: Những bệnh nhân này nằm viện trong bao lâu?
Thời gian nằm viện rất khác nhau. Một số người chỉ cần thở oxy, truyền dịch và có thể xuất viện chỉ sau 2-3 ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhân đang có dấu hiệu hồi phục thì sức khỏe bỗng trở nên tồi tệ hơn và suy sụp nhanh chóng (khi hệ thống cơ thể được điều trị đột nhiên xấu đi).

PV: Thế còn những ca bệnh nguy hiểm đến tính mạng?
Những bệnh nhân nặng nhất là những người bị hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), một tình trạng mà phổi của họ tràn ngập chất lỏng dẫn đến thiếu oxy nghiêm trọng. Cuối cùng, các bác sĩ phải quyết định gắn máy thở cho họ.

Những người ít có khả năng phục hồi nhất dường như là những bệnh nhân già yếu, và có các bệnh nền từ trước như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc bệnh tim. Nhưng không có gì đảm bảo rằng một người trẻ tuổi bị mắc hội chứng ARDS sẽ hồi phục.

Tỷ lệ tử vong của người mắc hội chứng ARDS thường nằm trong khoảng từ 30% đến 40%. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, tỷ lệ tử vong ARDS do nhiễm trùng cao hơn tỷ lệ này ở nhóm nguyên nhân khác như tai nạn xe hơi hay chấn thương. Đối với người lớn tuổi, họ có xu hướng bị nhiễm trùng nhiều hơn, thì tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều, đến 60%. Lưu ý rằng, đây là dữ liệu dành riêng cho COVID-19. Chúng tôi còn cần tìm hiểu nhiều về vấn đề này.

PV: Những vấn đề cần lưu ý khi một bệnh nhân nặng phải thở máy là gì?
Bệnh nhân nặng thường cần thở máy một vài tuần.

Thở máy rất khó chịu, nhiều người cần dùng thuốc để có cảm giác dễ chịu hơn. Tuy vậy, một số người lại có thể chịu đựng được việc này mà chỉ cần dùng một ít thuốc.

Trong khi, một số người khác cần thuốc mạnh hơn như thuốc phiện, propofol (thuốc mê), benzodiazepin hoặc precedex (thuốc an thần). Những thuốc này có thể tác động lên não của bạn, gây ra mê sảng (một sự thay đổi đột ngột, nghiêm trọng trong suy nghĩ và nhận thức). Về phía bác sĩ, chúng tôi thực sự cố gắng giảm thiểu tối đa việc sử dụng các loại thuốc này bởi vì mê sảng có tác động đáng kể đến sự hồi phục của người bệnh.

Ngoài ra, việc sử dụng nhiều thuốc này cũng ảnh hưởng bất lợi đến những thứ khác như: làm rối loạn chu kỳ thức-ngủ của bệnh nhân, làm giảm khả năng vận động có thể làm cho họ yếu hơn, làm giảm nhu động ruột của người bệnh dẫn đến không hấp thu tốt các chất dinh dưỡng và không được nuôi dưỡng tối ưu. Nhiều người trong số những bệnh nhân này cuối cùng bị hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và suy giảm sự tập trung sau đó.

PV: Khi nào thì người bệnh không cần tiếp tục thở máy?
Có ba tiêu chuẩn. Một là người bệnh phải tỉnh táo đủ để có khả năng nuốt và tự bảo vệ được đường thở của họ. Hai là họ chỉ cần thở oxy với nồng độ thấp, với dây thở cung cấp oxy gắn ở mũi (oxy râu). Ba là họ cần phải thải được lượng khí CO2 trong cơ thể ra ngoài qua đường hô hấp.

PV: Một bệnh nhân nặng sẽ trông thế nào sau hai tuần?
Còn tùy. Nếu chúng tôi có thể điều trị đúng hướng, bệnh nhân này sẽ đứng dậy và đi lại với máy thở. Một số bệnh nhân khác trông khá tốt, có lẽ họ sẽ còn hơi yếu, một số thì giảm cân, còn một số ít sẽ bị PTSD.

Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân nặng hơn và không hiệu quả với cách điều trị này, họ có xu hướng trở nên yếu đuối, hay quên, bối rối, mất trương lực cơ, thậm chí có thể không thể ra khỏi giường. Đôi khi, bất chấp những nỗ lực tốt nhất của chúng tôi, họ vẫn sẽ xuất những vết loét do nằm lâu.

Đặc biệt, có một số bệnh nhân bị xơ phổi đáng kể gây ra sẹo phổi và làm giảm chức năng phổi. Sự phục hồi của họ có thể nhanh hoặc cũng có thể chậm.

PV: Có những lưu ý đặc biệt nào cho người lớn tuổi?
Người lớn tuổi có xu hướng mắc nhiều bệnh từ trước khiến họ có nguy cơ bị biến chứng cao hơn. Hệ thống miễn dịch của họ cũng không khỏe. Họ dễ bị nhiễm trùng thứ phát như viêm phổi dù chúng tôi đã cố gắng ngăn chặn những biến chứng này.

Tình trạng mong manh vốn có này cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng. Nếu người già nhập viện với tình trạng sức khỏe yếu, thì khả năng chống đỡ của họ đối với căn bệnh này sẽ thấp hơn.

PV: Khi nào người bệnh sẵn sàng để xuất viện?
Người bệnh có thể xuất viện và thở oxy tại nhà nếu cần. Nhưng họ cần có khả năng tự ăn uống và đi lại hoặc, nếu người bệnh còn quá yếu thì cần sự giúp đỡ của người khác.

Một số người bệnh ở trong ICU một vài tuần, sau đó ở khoa lâm sàng hay khoa phẫu thuật trong 2-3 ngày. Những người khác mất 1-2 tuần để lấy lại sức. Một số người sẽ đến cơ sở phục hồi chức năng trong giai đoạn này để được giúp đỡ 3 lần/ngày hoặc đến một cơ sở chăm sóc điều dưỡng, nơi họ sẽ được chăm sóc và giúp phục hồi trong một vài tháng để sau đó về nhà.

PV: Bệnh nhân nào không có khả năng hồi phục?
Chúng tôi cũng chưa biết. Sau tất cả (vụ dịch này), chúng tôi sẽ phải ngồi lại và phân tích, khi đó mới có thể trả lời được câu hỏi này.

Trong tưởng tượng, tôi ước mình có thể dự đoán được ai sẽ có thể hồi phục và ai không thể, sau đó, tôi có thể có một cuộc trò chuyện trung thực với họ và gia đình họ.

PV: Có các yếu tố nào khác làm sự phục hồi trở nên khó khăn hơn không?
Với số lượng người bệnh đông như vậy, việc điều trị tối ưu trở nên khó khăn hơn. Chẳng hạn như khi đưa người bệnh đến tham gia vật lý trị liệu và tập vận động, mọi người không thể nhận được nhiều liệu pháp mặc dù có rất nhiều nhà trị liệu, vì một số bệnh viện đang giới hạn những người có thể ra vào.

COVID-19 thực sự là một căn bệnh khó chịu vì tính lây nhiễm của nó. Nó khiến người bệnh bị cách ly khỏi rất nhiều thứ họ cần để có được sự chăm sóc tốt hơn. Đặc biệt là cách ly khỏi gia đình của họ, những người thực sự có hỗ trợ quan trọng nhất so với tất cả những điều khác mà tôi đã đề cập ở trên.

Judith Graham thường đóng góp bài cho Kaiser Health News, và bài viết được đăng tải lần đầu tiên trên tạp chí này. Phạm vi bảo hiểm của các chủ đề này được hỗ trợ bởi Quỹ John A. Hartford, Quỹ Gordon và Betty Moore, và Quỹ SCAN.

Hương Xuân
- Theo The Epoch Times.

 

 

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Thế nào được xem là “hồi phục” sau khi nhiễm virus Vũ Hán?