Thiền định và chánh niệm có thể đóng vai trò hiệu quả như thuốc điều trị một số bệnh (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không ít người tìm đến các chế độ ăn kiêng hoặc bài tập thể dục để có sức khỏe tốt hơn trong năm mới. Nhưng có một chiến lược đã được chứng minh với khả năng cải thiện cả tâm trạng lẫn sức khỏe, đó chính là thiền định.

Vào cuối năm 2022, một nghiên cứu nổi tiếng đã gây chú ý khi tuyên bố rằng, thiền có thể có tác dụng như thuốc Lexapro (một loại thuốc phổ biến) để điều trị chứng lo âu.

Trong vài thập kỷ qua, nhiều bằng chứng tương tự đã xuất hiện về lợi ích sức khỏe của chánh niệm và thiền định.

Chúng bao gồm các mục đích từ giảm căng thẳng và giảm đau, đến điều trị trầm cảm hoặc tăng cường sức khỏe não bộ, thậm chí giúp kiểm soát tình trạng viêm nhiễm quá mức và triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích sức khỏe của thiền định, nhưng thật khó để cân nhắc về mặt khoa học và nắm rõ hơn mức độ mạnh mẽ của nó.

Tôi (tác giả gốc bài viết) là một nhà thần kinh học đang nghiên cứu tác động của căng thẳng và chấn thương đối với sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Tôi cũng nghiên cứu cách chánh niệm, thiền định và tập thể dục có thể ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển não bộ và sức khỏe tinh thần ở tuổi trẻ.

Tôi rất hào hứng về cách thiền định được sử dụng như một công cụ giúp chúng ta hiểu hơn về cách thức hoạt động của tâm trí và não bộ, đồng thời thay đổi căn bản cách nhìn của một người về cuộc sống.

Và với tư cách là một nhà nghiên cứu về sức khỏe tâm thần, có nhiều bằng chứng cho thấy thiền định hứa hẹn là một công cụ chi phí rẻ hoặc miễn phí để cải thiện sức khỏe, đồng thời dễ dàng tích hợp vào cuộc sống hàng ngày.

Thiền đòi hỏi một số kỹ thuật, kỷ luật và thực hành - điều không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được. Nhưng với một số biện pháp và kế hoạch cụ thể, ai cũng có thể học được.

Chánh niệm và thiền định là gì?

Có nhiều loại thiền khác nhau, và chánh niệm là một trong những loại phổ biến nhất.

Về cơ bản, chánh niệm là một trạng thái tinh thần.

Theo Jon Kabat-Zinn, một chuyên gia nổi tiếng về các thực hành dựa trên chánh niệm, nó liên quan đến “nhận thức phát sinh thông qua việc chú ý, có mục đích, trong thời điểm hiện tại, và không phán xét”.

Điều này có nghĩa là bạn sẽ không ngẫm nghĩ về điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ hoặc lo lắng về danh sách việc cần làm trong tương lai.

Tập trung vào hiện tại, hoặc sống trong từng khoảnh khắc, đã được chứng minh là có rất nhiều lợi ích; bao gồm cải thiện tâm trạng, giảm lo lắng, giảm đau và có khả năng cải thiện hiệu suất nhận thức.

Chánh niệm là một kỹ năng có thể luyện tập và trau dồi theo thời gian. Mục tiêu là, với sự lặp đi lặp lại, những lợi ích của việc thực hành chánh niệm sẽ dần dần xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày.

Ví dụ, nếu bạn nhận thức được rằng bản thân không thể bị một cảm xúc phát sinh nhất thời chi phối, chẳng hạn như tức giận, thì bạn sẽ không tức giận quá lâu.

Lợi ích sức khỏe của thiền định và các biện pháp khác để giảm căng thẳng được cho là bắt nguồn từ việc tăng mức độ chánh niệm tổng thể thông qua thực hành.

Các yếu tố của chánh niệm cũng có mặt trong các bài tập như yoga, võ thuật và khiêu vũ, vốn đòi hỏi sự tập trung chú ý và kỷ luật.

Có quá nhiều bằng chứng ủng hộ các lợi ích sức khỏe của thiền định, vậy nên rất khó để bao quát hết.

Nhưng các nghiên cứu mà tôi tham khảo dưới đây đại diện cho một số bản tóm tắt dữ liệu khoa học hàng đầu, hoặc có chất lượng cao và chặt chẽ nhất về chủ đề này cho đến nay.

Nhiều trong số này bao gồm các đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp, tổng hợp nhiều nghiên cứu về một chủ đề nhất định.

Căng thẳng và sức khỏe tâm thần

Các chương trình dựa trên chánh niệm đã được chứng minh có khả năng làm giảm đáng kể căng thẳng ở nhiều nhóm người khác nhau, từ những người chăm sóc bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ đến trẻ em trong đại dịch COVID-19.

Các phân tích tổng hợp được công bố trong thời kỳ đại dịch cho thấy, các chương trình chánh niệm có hiệu quả trong việc:

  • Giảm các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương;
  • Giảm rối loạn ám ảnh cưỡng chế;
  • Hạn chế rối loạn tăng động gây giảm chú ý và trầm cảm – bao gồm cả thời điểm đặc biệt dễ bị tổn thương trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh.

Ngoài việc cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng, chánh niệm đã được chứng minh khả năng giúp nâng cao hiệu suất nhận thức, giảm tình trạng tâm trí chạy loạn và thiếu tập trung, đồng thời tăng cường trí tuệ cảm xúc.

Các chương trình thực hành chánh niệm cũng hứa hẹn là một lựa chọn điều trị cho chứng rối loạn lo âu. Đây là chứng rối loạn tâm thần phổ biến nhất, ảnh hưởng đến khoảng 301 triệu người trên toàn cầu.

Mặc dù có các phương pháp điều trị đặc biệt cho chứng lo âu, nhưng có nhiều lý do khiến không ít bệnh nhân thiếu cơ hội tiếp cận chúng.

Các lý do có thể kể đến như bệnh nhân không có bảo hiểm, thiếu phương tiện vận chuyển đến các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hoặc họ chỉ được giảm đau một cách hạn chế từ những phương pháp điều trị này.

Tuy nhiên có một điều quan trọng cần lưu ý, đối với những người bị rối loạn tâm thần hoặc sử dụng chất kích thích, các phương pháp tiếp cận dựa trên chánh niệm không nên thay thế các phương pháp điều trị ban đầu như thuốc và liệu pháp tâm lý.

Các phương pháp thực hành chánh niệm nên được coi là một phần bổ sung cho các phương pháp điều trị thông thường, hoặc bổ sung cho các biện pháp can thiệp lối sống lành mạnh như hoạt động thể chất và ăn uống lành mạnh.

(Còn tiếp)

Theo The Epoch Times tiếng Anh
Bảo Vy biên dịch

Trợ lý Giáo sư Tâm thần học và Khoa học Thần kinh Hành vi, Đại học Bang Wayne. Bài viết này được tái bản từ The Convers theo giấy phép Creative Commons.



BÀI CHỌN LỌC

Thiền định và chánh niệm có thể đóng vai trò hiệu quả như thuốc điều trị một số bệnh (Phần 1)