Thời điểm vàng 'đi ngủ’ để bảo vệ trái tim

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghiên cứu cho thấy những người có thói quen đi ngủ kể từ 22h đến 23h có ít nguy cơ mắc bệnh tim hơn so với những người ngủ sớm hơn hay muộn hơn.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí European Heart Journal, với hơn 88,000 người tham gia ở độ tuổi 49-79. Họ được theo dõi các vấn đề về tim mạch trong thời gian trung bình 5,7 năm.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng ngủ trước 10h tối hoặc vào lúc nửa đêm có thể làm tăng đến 25% nguy cơ mắc bệnh tim. Hiện tượng này có thể bắt nguồn từ việc thay đổi nhịp sinh học của cơ thể. So sánh với ‘giờ vàng’ tức thời gian ngủ từ 22h đến 22h59, nguy cơ mắc bệnh tim tăng như sau:

  • Tăng 25% với những người ngủ vào lúc nửa đêm hoặc muộn hơn
  • Tăng 12% với những người ngủ từ 23h đến 23h59
  • Tăng 24% với những người ngủ sớm hơn 22h

Ngoài ra nghiên cứu cho thấy nguy cơ này cao hơn ở phụ nữ.

Nhịp sinh học là chu kỳ 24 giờ của cơ thể, phân ra các thời điểm khác nhau để thực hiện chức năng và quá trình thiết yếu, nhằm kiểm soát nhịp điệu hành vi và sinh lý hàng ngày. Nhịp sinh học quan trọng nhất và phổ biến nhất là chu kỳ ngủ - thức. Việc gián đoạn nhịp sinh học có thể tăng nguy cơ mắc bệnh, trong đó có rối loạn tim mạch.

‘Đồng hồ’ sinh học này được điều chỉnh bởi ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng trong buổi sáng sớm. Ánh sáng được tiếp nhận từ các thụ thể trong mắt, phát tín hiệu đến các tế bào thần kinh để điều chỉnh các phản ứng sinh hóa cụ thể tương ứng.

Theo tiến sĩ David Plans, tác giả của báo cáo: ‘Khi ánh sáng vào buổi sáng được tiếp nhận, đồng hồ sinh học sẽ được hiệu chỉnh lại. Do đó, nếu một người đi ngủ rất muộn, họ có thể ngủ quên và bỏ lỡ khoảng thời gian sáng sớm quan trọng này. Nếu điều này xảy ra trong một thời gian dài, nhịp sinh học sẽ bị gián đoạn. Kết quả là nhịp điệu về hành vi và sinh lý sẽ bị ảnh hưởng, có thể gây tổn hại cho sức khỏe’.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nghiên cứu này không thể chứng minh thời gian một người đi ngủ có thể gây ra bệnh tim, dù nó là một yếu tố tạo nên nguy cơ mắc bệnh. Ông cho biết: ‘Chúng tôi không thể đưa ra lời khuyên cho mọi người dựa trên nghiên cứu này, khi chúng tôi mới chỉ xác định được biểu hiện bên ngoài. Nhưng nhìn chung, kết quả cho thấy ánh sáng buổi sáng sẽ giúp thiết lập lại nhịp sinh học của bạn, vì vậy tốt nhất nên đi ngủ đúng giờ’.

Đi ngủ vào giờ hợp lý, thức dậy sớm để có thời gian ra ngoài vào buổi sáng, tránh ánh sáng xanh vào buổi tối, không uống cafe muộn, tránh ngủ ‘trưa’ sau 4h chiều, phòng ngủ chỉ để ngủ, và chỉ lên giường khi đã thấy buồn ngủ, đó là những lời khuyên của tiến sĩ Plans.

Quang Minh

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Thời điểm vàng 'đi ngủ’ để bảo vệ trái tim