Thời tiết ấm lên có giúp ngăn chặn sự lây lan của Coronavirus?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số người cho rằng mùa xuân ấm áp ở bắc bán cầu sắp tới có thể làm chậm sự lây lan của dịch Covid-19, hay thậm chí là chặn đứng nó. Ông Donald Trump cũng đã phỏng lại ý kiến trên: 'Sức nóng, nói chung, sẽ giết chết loại virus này'. Liệu Tổng thống Hoa Kỳ có nói đúng không?...

Ý kiến cho rằng mùa xuân đang đến có thể đẩy lùi sự lây lan dịch virus Vũ Hán phần lớn đến từ sự so sánh với dịch cúm. Hai căn bệnh này có nhiều điểm giống nhau, chẳng hạn cả hai đều lây qua dịch tiết đường hô hấp và những vị trí bề mặt bị nhiễm virus, cả hai đều gây ra các bệnh hô hấp nhẹ có thể tiến triển thành bệnh viêm phổi nặng đe dọa tính mạng.

Tuy nhiên, khả năng truyền nhiễm và mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 lớn hơn nhiều so với bệnh cúm. Đồng thời, sự thay đổi nhiệt độ theo mùa có thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan của virus Vũ Hán đến nay vẫn chưa được xác nhận rõ ràng.

Đối với bệnh cúm, mùa xuân bắt đầu gây ra sự sụt giảm đáng kể số ca nhiễm virus, kéo dài cho đến khi thời tiết mát mẻ hơn vào mùa thu. Tính thời vụ này có thể là do virus nhạy cảm trước khí hậu thay đổi theo mùa, và do hệ thống miễn dịch và sinh hoạt của chúng ta cũng theo mùa mà thay đổi.

Đặc biệt trong mùa đông, thứ nhất phải kể đến virus cúm “dễ thở” hơn trong thời tiết khô lạnh, khi lượng tia UV giảm. Thứ hai, ngày đông ngắn, nắng ít hơn, hàm lượng vitamin D và melatonin trong cơ thể giảm, theo đó chức năng của hệ miễn dịch bị ảnh hưởng. Mùa đông cũng là thời gian chúng ta hay ở nhà và tiếp xúc gần gũi với nhau nhiều hơn, từ đó làm tăng nguy cơ lây lan virus. Đó là với virus cúm, còn đối với virus Corona, các yếu tố vừa nêu có ảnh hưởng như thế nào?

Dịch cúm và dịch CoV

Hiện nay, việc nhiệt độ và độ ẩm có ảnh hưởng đến chủng Coronavirus thế nào vẫn chưa được làm rõ, cũng như sự lây lan của chúng. Một số chủng CoV thì hoạt động theo mùa, gây ra chứng cảm mạo thông thường trong những tháng mùa đông, một số khác thì đã và đang gây ra đại dịch.

Mùa đông năm 2002, dịch SARS đã khởi phát tại Trung Quốc - phía bắc bán cầu, sau đó kết thúc vào tháng 7/2003 với lượng nhỏ các ca nhiễm vào mùa đông tiếp theo. Tuy nhiên, đỉnh điểm số ca nhiễm và tử vong do SARS lại rơi vào tháng 5 - là tháng hè nóng bức, còn thời điểm kết thúc là tháng 7 dường như chỉ đơn thuần phản ánh thời gian cần thiết để khoanh vùng vụ dịch, hơn là phản ánh ảnh hưởng của thời tiết nóng giúp hạn chế sự lây lan virus.

Bản đồ minh họa các khu vực trên khắp thế giới bởi sự bùng phát của dịch SARS vào 2002-2003...(Strickla/Wikipedia)

Năm 2012, một chủng virus Corona khác là MERS-CoV đã gây ra Hội chứng hô hấp Trung Đông và tạo thành đại dịch, lây lan chủ yếu tại các quốc gia có khí hậu nóng.

Trong khi đó đối với virus cúm, đại dịch cúm lợn H1N1 đã bắt đầu xảy ra vào mùa xuân 2009 và tăng mạnh vào cuối xuân và trong hè, sau đó đạt đỉnh điểm vào mùa đông. Điều này cho thấy số ca mắc bệnh khổng lồ trong một đại dịch đa quốc gia có thể cho phép virus tiếp tục lây lan trong suốt mùa hè, vượt qua mọi biến động theo mùa - điều mà có thể xảy ra trong các vụ dịch có quy mô nhỏ hơn.

Hiện nay đối với dịch COVID-19, dịch bệnh đã khởi phát vào cuối đông 2019 và bùng nổ vào mùa xuân 2020; nhiều chuyên gia đã sớm tin rằng thế giới sẽ nhanh chóng tiếp cận đến giai đoạn của một đại dịch vào đầu xuân - thời điểm mà WHO vẫn chưa tuyên bố rõ ràng về chủng virus mới.

Dựa vào những tiền lệ của dịch cúm và dịch CoV trong quá khứ, thời tiết nóng lên trong thời gian tới đây có thể làm giảm sự lây lan của virus tại bắc bán cầu, nhưng đồng thời cũng có thể làm tăng khả năng lây nhiễm tại nam bán cầu. Tuy nhiên, trước tình hình của đại dịch hiện nay, điều kiện thời tiết dường như không đủ để khiến COVID-19 phải dừng bước.

Đại Hải
- Theo theconversation.com


Thời tiết ấm lên có giúp ngăn chặn sự lây lan của Coronavirus?